Lâm Đồng chấn chỉnh công tác đấu thầu
Sau nhiều câu chuyện lình xình, khiếu nại, tố cáo giữa các doanh nghiệp dự thầu với đơn vị dự thầu và mời thầu, UBND tỉnh Lâm Đồng phải ra văn bản chấn chỉnh.
>>“Nỗi sợ kéo dài” trong đấu thầu trang thiết bị y tế đã chấm dứt?
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản số 6894/UBND-KH ngày 09/08 chấn chỉnh công tác đấu thầu trên địa bàn. Theo đó, nội dung công văn chỉ rõ: Công tác đấu thầu tại tỉnh Lâm Đồng có nhiều bất ổn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác dự thầu và làm hồ sơ mời thầu. Trong đó đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu còn mang tính chủ quan. Loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng, và không cho phép nhà thầu làm rõ hoặc không thực hiện làm rõ, tạo bất lợi đối với một số đơn vị dự thầu.
"Công tác thẩm định của các chủ đầu tư còn hình thức, chưa đi vào thực chất. Nhiều trường hợp báo cáo thẩm định chỉ nêu lại nội dung của tờ trình mà không đưa ra nhận xét, kiến nghị cụ thể để cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Việc đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời sơ tuyển không đúng quy định ảnh hưởng đến việc tiếp cận thông tin của nhà thầu. Một số địa phương, đơn vị còn chậm trễ, lúng túng trong việc giải quyết kiến nghị, tranh chấp trong đấu thầu không được giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng các nhà thầu kiến nghị vượt cấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, tỷ lệ giải ngân vốn của dự án nói riêng và tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm nói chung", công văn nêu.
Đơn cử như việc tổ chức đấu thầu gói số 3 thuộc Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực mỏ khai thác sét tại nhà máy gạch tuynel Thạnh Mỹ, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương (BQL dự án) làm chủ đầu tư có giá trị 70 tỷ đồng. Tháng 4 năm 2023, khi chủ đầu tư mở hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu trên, thì chỉ có một liên danh nhà thầu tham dự. Doanh nghiệp còn lại không có mặt vì không nhận được thông báo của chủ đầu tư.
Việc chủ đầu tư mở hồ sơ đề xuất tài chính không minh bạch, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của công ty, nên doanh nghiệp phản ánh, đề nghị làm rõ quy trình chấm thầu, lựa chọn nhà thầu. Đến nay, UBND tỉnh đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu bước đánh giá kĩ thuật đối với gói thầu số 3 nêu trên. Đồng thời yêu cầu huyện Đơn Dương được giao kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm trên.
>>Luật Đấu thầu (sửa đổi): Hóa giải tâm lý sợ sai trong mua sắm lĩnh vực y tế
Thêm một ví dụ khác là gói thầu có giá trị 205,988 tỷ đồng, thuộc Dự án Xây dựng hồ chứa nước Ka Zam do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương làm Chủ đầu tư. Gói thầu này nằm trong dự án xây dựng hồ chứa nước Ka Zam có tổng mức đầu tư 496 tỷ đồng. Khi được phát hành hồ sơ mời thầu, nhiều đơn vị dự thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ, đặc biệt liên quan đến tiêu chí về hợp đồng tương tự.
Cụ thể, tại mục 4 Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, HSMT yêu cầu, "Trường hợp gói thầu gồm tổ hợp nhiều công trình: Từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành tối thiểu 1 công trình có loại kết cấu công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn có kết cấu chính gồm: Công trình đầu mối hồ chứa nước (có hạng mục đập đất trên nền đất và hạng mục đập đất trên nền đá Hmax > 25m, khối lượng đất đắp tối thiểu 590.000 m3; hạng mục tràn xả lũ dạng phím piano và hạng mục công trình cống lấy nước kết cấu ống thép bọc BTCT D1000), cấp: II, có giá trị là (V3): 93,4 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ".
Các doanh nghiệp dự thầu đánh giá điều này là không đúng với quy định tại Phụ lục II Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Yêu cầu tràn xả lũ dạng phím piano là yêu cầu công trình đặc thù, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực.
Gói thầu này được phát hành từ ngày 15/7 đến ngày 4/8/2023 dự kiến đóng thầu. Tuy nhiên trước sự phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đơn vị dự thầu, bên mời thầu đã gia hạn ngày đóng thầu đến ngày 11/8/2023.
Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư chỉ được phép tổ chức lựa chọn nhà thầu khi đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nghiêm túc thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng đảm bảo tỷ lệ theo lộ trình đấu thầu qua mạng quy định tại Điều 37 Thông tư số 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc thành lập tổ chuyên gia đấu thầu đảm bảo đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành. Hợp đồng giữa chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thấu phải quy định rõ trách nhiệm, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn đầu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Không được chia những công việc của dự án thành các gói thầu quá nhỏ, làm giảm sự thống nhất, đồng bộ về kỹ thuật và công nghệ.
Có thể bạn quan tâm
“Nỗi sợ kéo dài” trong đấu thầu trang thiết bị y tế đã chấm dứt?
03:00, 08/07/2023
Luật Đấu thầu (sửa đổi): Hóa giải tâm lý sợ sai trong mua sắm lĩnh vực y tế
04:00, 30/06/2023
Quảng Nam: Đấu thầu chọn chủ đầu tư nếu thu hồi dự án của Bách Đạt An
01:00, 29/06/2023
Sẽ đấu thầu quỹ đất lân cận và dọc tuyến đường vành đai 3 TP.HCM
12:41, 16/06/2023