Hải quan Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh thu ngân sách, quản lý tải trọng hàng quá cảnh
Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh không giải quyết thủ tục thông quan với các phương tiện vượt quá tải trọng, đồng thời đẩy mạnh thu ngân sách, phòng, chống buôn lậu,...
>>"Cánh tay nối dài" giữa doanh nghiệp và hải quan
Đẩy mạnh công tác thu ngân sách
Tại Chi cục Hải quan Thủy An, Cục Hải quan Thừa Thiên – Huế trong 9 tháng đầu năm đã duyệt 23.882 tờ khai với số lượng hàng hóa 350.339,000 tấn, trị giá 941.331.177,260 USD. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu 10.797 tờ khai với lượng hàng hóa 161.334,635 tấn (trị giá 521.237.213,740 USD) và 13.085 tờ khai nhập khẩu với lượng hàng hóa 189.004,365 tấn (trị giá 420.093.963,520 USD).
Trong 9 tháng, đơn vị đã thu ngân sách nhà nước 319,6 tỷ, đạt 72,3% chỉ tiêu được giao. Đối với hoạt động xử lý vi phạm, Chi cục đã xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ với số tiền phạt 196,5 triệu đồng.
Ông Trương Thế Khánh Quỳnh – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thủy An cho hay đơn vị cũng thường xuyên tư vấn hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2023 đã thực hiện 57 lượt hướng dẫn. Xử lý hồ sơ trên hệ thống một cửa Quốc gia với các hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, khai báo hóa chất, C/O form D điện tử,...
“Đơn vị luôn kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp. Phần lớn, các doanh nghiệp lầm việc tại khu vực mà đơn vị quản lý hoạt động trong lĩnh vực gia công nên các tiêu cực trong hoạt động là rất hiếm xảy ra. Ngoài ra, bản thân Chi cục cũng thưởng xuyên kiểm tra hoạt động nội bộ để bảo đảm quyền lợi cho các bên”, ông Quỳnh cho biết.
Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây, trong quý III/2023 tình hình hàng hóa làm thủ tục tại đơn vị tăng mạnh so với với II/2023, nhất là hàng hóa quá cảnh vận chuyển từ cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam). Vì vậy, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh,... mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là thu ngân sách Nhà nước.
Đến quý III/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây đã phê duyệt 3.034 tờ khai đăng ký với tổng trọng lượng 1.298.643,76 tấn, trị giá 202.384.863,13 USD. Trong đó, xuất khẩu có 2.078 tờ khai với trọng lượng 1.153.077,81 tấn (trị giá 133.726.212,24 USD) và 956 tờ khai nhập khẩu có trọng lượng 145.565,95 tấn (trị giá 68.658.650,88 USD).
Ông Nguyễn Văn Thành – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Chân Mây thông tin kim ngạch xuất nhập khẩu quý III/2023 tăng 9,2% so với quý II nhưng giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do kinh tế sau đại dịch phục hồi chậm và ảnh hưởng của lạm phát nên sản xuất của doanh nghiệp khó khăn, đơn hàn xuất khẩu giảm. Lũy kế đến tháng 9 đươn vi đã thu ngân sách Nhà nước hơn 132,9 tỷ đồng, hoàn thành dự toán được giao và đạt 96% chỉ tiêu phấn đấu, vượt 28,9% so với cùng kỳ năm 2022.
“Đơn vị cũng tích cực đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt tăng cường công tác giám sát đối với doanh nghiệp chế xuất, tổ chức công tác tuần tra địa bàn tại các khu vực trọng tâm. Dù tình hình hàng hóa tăng nhưng diễn biến buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới tại địa bàn quản lý không phức tạp. Đơn vị luôn thực hiện đúng quy trình thủ tục, kiểm tra, giám sát Hải quan đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục đối với hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải, hành khách xuất nhập cảnh nhằm góp phần thu hút hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung”, ông Thành chia sẻ.
Giám sát tải trọng
Theo Cục Hải quan Thừa Thiên – Huế, thời gian qua đơn vị đã tập trung giải quyết thủ tục, kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh,... theo dõi, nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã giải quyết thông quan cho hơn 30 nghìn tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xấp xỉ 1,3 tỷ USD, giải quyết thủ tục cho 540 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cả 3 tuyến cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Thông tin từ Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế, công tác thu ngân sách luôn được chú trọng, đặc biệt là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị đã thu nộp ngân sách khoảng 500 tỷ đồng, đạt 90% chỉ tiêu được giao, thiết lập và duy trì quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động vì môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục phổ biến pháp luật, thanh tra,kiểm tra, nâng cao kỷ luật kỷ cương khi thi hành công vụ.
Qua đó truy thu thuế và xử lý vi phạm với tổng số tiền thu nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1,03 tỷ đồng, đánh giá được tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, đơn vị cũng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giúp doanh nghiệp từng bước nâng cao mức độ tự nguyện tuân thủ, giảm tỷ lệ tờ khai luồng vàng, luồng đỏ.
Ông Đỗ Hoàng Dương - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thừa Thiên – Huế cho biết trong công tác kiểm soát xe quá khổ, quá tải đơn vị đã thực hiện nghiêm quy định “không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ô tô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe”. Cùng với đó là kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát phương tiện vận tải quá tải, quá khổ giới hạn vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.
“Trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm hành chính với số tiền phạt 1,18 tỷ đồng, giảm 7% về số vụ (30 vụ), nhưng tăng 243% về số tiền xử phạt (344 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Các hành vi vi phạm chủ yếu trên địa bàn là vi phạm về thủ tục hải quan đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Có một khó khăn đó là địa bàn quản lý hải quan của đơn vị khá rộng, bao gồm 02 cửa khẩu chính (Hồng Vân, A Đớt cách nhau hơn 60km), tuyến biên giới biển có chiều dài 126 km, có 02 cửa khẩu cảng biển (Thuận An và Chân Mây), các khu công nghiệp phân tán trên địa bàn tỉnh... nên việc di chuyển khá tốn nhiều thời gian”, ông Dương nói.
Trong thời gian tới, ông Dương cho biết đơn vị sẽ tiếp tục phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng (nếu có), qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hải quan trên địa bàn. Chú trọng cải cách, hiện đại hóa hải quan, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hải quan nhằm vừa góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan với người dân, doanh nghiệp, giúp phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực…
Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, duy trì các kênh trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp, công khai minh bạch các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để người dân, doanh nghiệp giám sát, kịp thời phản ánh với lãnh đạo đơn vị về hành vi, thái độ của công chức hải quan trong thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo thi hành đúng pháp luật Hải quan và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan khi giải quyết thủ tục cho hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.
Có thể bạn quan tâm
“Bấp bênh” thông quan cửa khẩu Bắc miền Trung
14:58, 17/10/2023
Tích hợp hệ thống quản lý nâng cao năng suất chất lượng
02:25, 08/05/2023
Quảng Ninh: Siết chặt quản lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
00:06, 19/10/2023
Thái Bình: Triển khai quyết liệt công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại
00:06, 07/10/2023
TP.HCM: Xử lý gần 1.600 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong quý 3
00:05, 06/10/2023