Chỉ trong quý 3/2023, Lực lượng QLTT đã kiểm tra 1.598 vụ, tăng 366 vụ chiếm khoảng 29,92% so với cùng kỳ năm năm 2022.
>>Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Cần sửa đổi quy định pháp lý để phù hợp với thực tế
Đó là những thông tin được Cục Quản lý thị trường TP.HCM (QLTT), công bố kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về buôn lậu và gian lận thương mại trong quý 3 năm 2023, tại TP.HCM.
Tăng số vụ vi phạm
Cụ thể, theo Cục QLTT TP.HCM, thực hiện theo chỉ đạo đột xuất của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và tin báo qua đường dây nóng về công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả định kỳ. Cục QLTT đã kiểm tra 1.598 vụ (tăng 366 vụ, chiếm khoảng 29,92% so với cùng kỳ năm trước; số vụ xử lý: 1.322 vụ, trong đó có 11 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định tịch thu theo thẩm quyền của UBND TP, UBND quận/huyện. ban hành 1.311 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu theo thẩm quyền của Quản lý thị trường.
Về số tiền xử phạt hành chính của 1.322 quyết định xử phạt phát sinh trong quý 3 năm 2023 là 25.147.738.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm: 41.361.237.000 đồng; Hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trong kỳ là 28.709.601.000 đồng.
Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 1.197 vụ, thu nộp vào ngân sách: 26.446.577.000 đồng (tăng 36,95% so với cùng kỳ năm trước), gồm: 23.817.553.000 đồng tiền phạt hành chính, 2.591.824.000 đồng tiền bán hàng tịch thu và 36.884.000 đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp. Đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá 18.338.658.000 đồng.
Đặc biệt, trong kỳ, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 01 vụ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Hiện vụ việc này đang được các cơ quan chức năng xem xét.
Đáng chú ý, lũy kế 9 tháng đầu năm từ 15/12/2022 đến ngày 14/9/2023, Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành với tổng số vụ việc là 51.378 vụ, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng số vụ vi phạm chuyên ngành và liên ngành: 3.201 vụ, tăng 71,35% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách: 65.117.337.000 đồng, gồm có: 53.936.465.000 đồng tiền phạt hành chính, 9.294.007.000 đồng tiền bán hàng tịch thu và 1.886.865.000 đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp. Trị giá hàng hóa tiêu hủy: 48.959.672.000 đồng, tăng 56,37% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 108 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 7 tỷ đồng.
>>Ứng dụng Công nghệ thông tin chặn gian lận thương mại
Nhữngnhóm hàng vi phạm nổi cộm
Trong Quý 3 năm 2023, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm cả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Trong đó, mặt hàng thuốc lá điếu, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 16 vụ vi phạm, tạm giữ 406 bao thuốc lá điếu và 2.140 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và tinh dầu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 321 triệu đồng.
Đối với hàng hóa nhập lậu, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 310 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 503.303 đơn vị sản phẩm dụng cụ y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, linh phụ kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, điện thoại di động, văn phòng phẩm, vải, giày dép, đồ dùng cá nhân, thực phẩm chức năng,… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm, trị giá ước tính hơn 15,9 tỷ đồng.
Về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 475 trường hợp vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 563.529 đơn vị sản phẩm đồ dùng cá nhân, hóa chất, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, mỹ phẩm, quần áo, đồ ngũ kim, phụ kiện điện thoại di động, thực phẩm, vải, mắt kính, linh kiện điện tử, phụ tùng xe ô tô, phụ tùng xe máy, phụ tùng xe đạp, đồ ngũ kim… với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 16 tỷ đồng.
Về hàng giả, kiểm tra, xử lý 426 trường hợp vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu,... Tạm giữ 49.444 đơn vị sản phẩm sữa bột, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, đồng hồ, dụng cụ cầm tay, vải, trang sức xi mạ,… nhãn hiệu Honda, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace, Louis Vuitton, Apple, Levi’s, Apple, Bosch, Dior, Rolex, Patek Phillippe, MLB,.... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4,2 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực thực phẩm, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 128 vụ vi phạm, tạm giữ 52.853 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại, chủ yếu là các bánh kẹo, rượu, bia, sữa, thực phẩm bao gói sẵn, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1,6 tỷ đồng.
Riêng đối với mặt hàng đường cát trong quý 3 năm 2023, các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm, hàng hóa tạm giữ là 20.053 kg đường cát không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, xử lý 116 vụ vi phạm, đã tạm giữ 64.990 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại; Kiểm tra, xử lý 56 vụ vi phạm, đã tạm giữ 57.374 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ, hộp) thuốc tân dược các loại; Kiểm tra, xử lý 01 vụ vi phạm, đã tạm giữ 68.320 đơn vị sản phẩm dược liệu các loại; Kiểm tra, xử lý 12 vụ vi phạm, đã tạm giữ 5.558 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ, hộp) thực phẩm chức năng các loại.
Liên quan đến các giải pháp về xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn TP.HCM từ nay đến cuối năm, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, cho biết: Với diễn biến phức tạp, đặc biệt là các giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm khi nhu cầu hàng hoá tiêu dùng của người dân tăng cao. Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt tại các địa bàn nổi cộm, trọng điểm và chú ý đến nhóm mặt hàng xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, thức ăn chăn nuôi…
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý địa bàn năm 2023; Kế hoạch về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Kế hoạch về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023; Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch về triển khai giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử năm 2023.
Cũng theo ông Huy, bên cạnh đó, Cục QLTT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản, kế hoạch về thanh tra, kiểm tra về kinh doanh xăng dầu 6 tháng cuối năm 2023; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các nhóm hàng hóa trọng tâm, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa và thương mại điện tử; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Có thể bạn quan tâm
00:10, 26/09/2023
00:06, 09/08/2023
00:06, 18/07/2023
03:00, 12/07/2023
03:00, 07/07/2023