Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhiều ý kiến cho rằng, truy xuất nguồn gốc sẽ là lời giải cho "bài toán" này.
Hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và uy tín nền kinh tế. Không chỉ ở các vùng nông thôn, các chợ dân sinh mà hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn “chui” vào cả siêu thị, Trung tâm thương mại lớn, trường học, bệnh viện… sự tràn lan và phức tạp của hàng giả, hàng nhái không chỉ làm méo mó thị trường, hủy hoại đạo đức kinh doanh, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), riêng trong tháng cao điểm từ 15/5 đến 15/6, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 10.836 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tăng 79,34% so với tháng cao điểm trước. Hơn 200 vụ đã bị khởi tố với 378 bị can. Nhiều tổ chức, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc… đã bị triệt phá ở nhiều lĩnh vực, địa bàn.
Đáng nói, thời gian qua, hàng loạt TikToker, người nổi tiếng đã bị bắt vì kinh doanh hàng giả, trong đó có chủ kênh Gia đình Hải Sen với siro ăn ngon Hải Bé, Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog), Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục) hay cả Hoa hậu Thùy Tiên bị bắt vì tham gia sản xuất, quảng bá kẹo Kera giả… điểm chung là các sản phẩm này được quảng bá rầm rộ bởi người nổi tiếng, có tem nhãn mác rõ ràng, được phân phối qua hệ thống "chân rết" của nhiều công ty, khiến người tiêu dùng lầm tưởng là hàng thật.
Trước thực tế đã nêu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết tuyên chiến với hàng giả, đấu tranh thường xuyên với tinh thần “mỗi ngày đều là cao điểm”, đặc biệt là quét sạch thuốc giả, thực phẩm giả; đồng thời mong muốn mỗi người dân vừa là một chiến sĩ trong đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vừa là một người tiêu dùng thông minh trên thị trường…
Xoay quanh vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không ít ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Và để đối phó với hàng giả, hàng nhái trên thị trường, công nghệ truy xuất nguồn gốc được xem là tối ưu trong bối cảnh hiện nay.
Thông tin với báo chí, ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu.
Đối với Việt Nam, để các sản phẩm hàng hóa giữ vững được vị thế và phát triển thêm thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng. Vì thế, doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ thị trường, đưa đến tay người tiêu dùng hàng của mình thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Hoàng Phương cũng cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, thay vì phải lần theo từng dấu vết thủ công đầy bất trắc, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dựa vào mã QR trên sản phẩm để nhận diện sự thật. Cần xây dựng một hệ thống quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm để từ đó, có thể đối chiếu và xác định xem sản phẩm có phải là hàng giả hay không.
Theo Thứ trưởng, Bộ Khoa học và Công nghệ, giải pháp sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mỗi sản phẩm sẽ được gắn một mã QR code, và khi người dân hoặc doanh nghiệp quét mã này, họ có thể truy xuất các thông tin liên quan đến sản phẩm.
Hệ thống này sẽ tạo thuận lợi lớn cho cơ quan Nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và người dân trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trách nhiệm của từng đối tượng, như người vận chuyển, cũng sẽ được làm rõ, giúp việc truy xuất thông tin trở nên dễ dàng hơn.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến tước đó cũng bày tỏ, truy xuất nguồn gốc đồng nghĩa với việc cơ quan hữu quan theo dõi, truy vết toàn bộ quá trình hình thành của sản phẩm, từ khi khởi tạo cho đến thành công cuối cùng. Nếu làm tốt truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sẽ tiếp cận được thông tin của 1 sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng và cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng hơn trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.