Thời gian qua, mặc dù công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đã đạt được những kết quả tích cực, thế nhưng đến nay vẫn cần sự đồng lòng của cả người dân, doanh nghiệp và lực lượng chức năng.
>>>Thái Bình: Hướng phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh thân thiện môi trường
Thực tế...
Buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại mang lại lợi nhuận bất chính cao cho các đối tượng. Chính vì vậy, các đối tượng luôn tìm mọi cách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đó cũng là thực tế khiến công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại không chỉ riêng của Thái Bình gặp khó khăn.
Theo Cục Quản lý thị trường (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) cho biết: Ở Thái Bình, hàng hóa chủ yếu được nhập lậu qua các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh lân cận vận chuyển qua hoặc đưa vào địa bàn trà trộn với những hàng hóa khác để tiêu thụ. Mặt hàng nhập lậu từ tiêu dùng hàng ngày đến những loại có giá trị cao như quần áo may sẵn, hàng điện tử, điện dân dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi kích động bạo lực, thuốc lá ngoại... Ngoài đường bộ, các đối tượng còn đưa hàng lậu vào địa bàn bằng đường biển, đường thủy nội địa, tuy không nhiều nhưng cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.
Qua các vụ phát hiện, xử lý đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, các cơ quan chức năng đã chỉ ra một số phương thức hoạt động chủ yếu thường được các đối tượng sử dụng. Nổi lên là các đối tượng xé nhỏ, tháo rời, giấu kín hàng hóa trên các phương tiện giao thông, vận chuyển bất kể ngày đêm, các khâu được khép kín, liên hoàn nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả được các đối tượng nhập về tiêu thụ không bày bán công khai mà thường lén lút bày lẫn với hàng hóa sản xuất trong nước, trà trộn núp bóng với hàng liên doanh hoặc hợp thức hóa với hóa đơn của các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ.
Các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng phương thức tạm nhập tái xuất, nhập nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu để buôn lậu. Chúng lợi dụng cơ chế hải quan thông thoáng, vận chuyển hàng bằng container đã kẹp chì, quay vòng hóa đơn, xé lẻ hàng hóa, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu một cách tinh vi.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng chuyên nghiệp hơn với việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại khiến cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả. Các tổ chức vi phạm đã hình thành các quy trình chuyên biệt: sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói thành phẩm. Hàng giả thường được sản xuất dưới dạng gia công, đến đâu tiêu thụ đến đó. Địa bàn tiêu thụ chúng thường nhắm vào vùng nông thôn, xa trung tâm để lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và ham rẻ của người dân.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang có những diễn biến phức tạp. Nếu như 6 tháng đầu năm 2022 số tiền thu là 13 tỷ đồng, thì 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 1.154 vụ vi phạm, tăng 49 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 25 tỷ đồng.
Thực hiện nghiêm túc
Theo BCĐ 389, thời gian qua các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, UBND tỉnh Thái Bình và BCĐ 389/ĐP đã làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.047 vụ vi phạm với 2.142 đối tượng; xử lý hình sự 427 vụ, 522 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 40 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 của BCĐ 389 quốc gia, các lực lượng của BCĐ 389/ĐP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.634 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 86 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm tình hình lưu chuyển hàng hóa sẽ diễn ra sôi động, nguy cơ xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rất cao; các sở, ngành cần tập trung cao độ, huy động nhân lực, phương tiện triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, tổ chức các đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường quản lý thị trường giá cả, không để xảy ra đầu cơ, tích trữ, găm hàng chờ tăng giá; chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao. Dự báo tốt tình hình thị trường, có giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa vào dịp cao điểm lễ, tết.
Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa, đi sâu hướng dẫn người dân phân biệt được hàng thật, hàng giả, nhận diện được các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thương mại điện tử để tránh bị lừa đảo, vô tình tiếp tay cho tội phạm...
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình: Bên cạnh áp dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cán bộ, công chức, sỹ quan, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ của BCĐ 389 các cấp cần phải tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, huy động mọi biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Mới đây, Đoàn công tác của Văn phòng thường trực BC) 389 quốc gia đã có buổi làm việc với BCĐ 389/ĐP tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại buổi làm việc, Cơ quan thường trực BCĐ 389/ĐP tỉnh đã báo cáo tình hình, kết quả, những thuận lợi, khó khăn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh thời gian qua, một số nhiệm vụ trong tâm các ngành thành viên tập trung thực hiện những tháng cuối năm.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ thêm những kết quả tích cực và một số hạn chế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; đề xuất các giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn nữa, triệt xóa nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Trưởng đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt và thu được nhiều kết quả tích cực của BCĐ 389/ĐP tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, với xu hướng tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao gia tăng, để hoàn thành nhiệm vụ, Trưởng đoàn công tác đề nghị BCĐ 389/ĐP tỉnh không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy vai trò toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm…
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng BCĐ 389/ĐP tỉnh: Những năm qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được UBND tỉnh, BCĐ 389/ĐP tỉnh quan tâm chỉ đạo, các ngành thành viên duy trì triển khai hiệu quả góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, ổn định giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian tới BCĐ 389/ĐP tỉnh Thái Bình tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận, thương mại và hàng giả hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm