Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp P2P
NHNN vừa công bố dự thảo trình Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong 7 lĩnh vực ngân hàng, trong đó có cho vay ngang hàng (P2P).
Theo NHNN, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố; rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin,...
Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đối mới sáng tạo, trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua do chưa có khung pháp lý rõ ràng đã khiến hoạt động cho vay trực tuyến mượn danh P2P lending để hoạt động tín dụng đen, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính hoạt động trong lĩnh vực này. Mô hình hoạt động chung của hình thức này là cho vay trực tuyến do các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mượn danh P2P lending để hoạt động tín dụng đen trên môi trường internet.
Ông Trần Việt Vĩnh, CEO của FIIN – một công ty hoạt động theo mô hình P2P, cho rằng hiện mạng lưới ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã rất phát triển, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính của người dân. Bởi vấn đề địa lý, phạm vi còn dàn trải, nên các ngân hàng không triển khai hết tất cả các chi nhánh giao dịch ở mọi vùng miền của đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Khi việc tiếp cận tín dụng ngân hàng khó như vậy, trong khi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp là rất lớn, thì bắt đầu xuất hiện các loại hình tín dụng phi chính thức hay còn gọi là tín dụng đen. Điều này vừa gây tốn kém chi phí và rủi ro cho người dân khi tiếp cận loại hình dịch vụ tín dụng này.
“Trong khoảng 2-3 năm qua, đã có cả trăm doanh nghiệp dồn dập tham gia vào thị trường P2P. Từ các doanh nghiệp trong nước cho đến các tổ chức quốc tế cũng tham gia vào thị trường này, cho thấy Việt Nam là một thị trường sôi động và tiềm năng” – ông Trần Việt Vĩnh cho biết.
Tuy nhiên, việc thiếu quy định pháp lý dẫn đến doanh nghiệp P2P gặp rủi ro trong triển khai mô hình kinh doanh, cản trở việc kêu gọi đầu tư. “Chúng tôi có thể bị hồi tố vì doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ mà pháp luật chưa quy định rõ ràng. Bởi tại thời điểm triển khai dịch vụ, chúng tôi không vi phạm pháp luật, nhưng có thể vào một thời điểm nào đó, quy định được ban hành lại coi dịch vụ mà chúng tôi đang cung cấp là không phù hợp” – CEO Fiin lo ngại.
Không chỉ vậy, chưa có hành lang pháp lý cho Fintech khiến các nhà đầu tư, quỹ đầu tư hạn chế, chưa dám đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chính bởi vậy, cơ chế thử nghiệm Fintech nói chung và P2P nói riêng sẽ góp phần "cởi trói" cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. “Tôi đã chờ thời điểm này từ 3 năm qua. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài chính như chúng tôi sẽ rất hạnh phúc khi điều này sớm được triển khai”, ông Trần Việt Vĩnh chia sẻ.
Khi cơ chế thử nghiệm Finrtech được triển khai, hy vọng rằng các khó khăn về pháp lý, hồi tố và việc gọi vốn đầu tư đối với những doanh nghiệp Fintech và P2P lending sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Có thể bạn quan tâm
TS. Nguyễn Trí Hiếu: P2P lending "giải cơn khát vốn" cho doanh nghiệp hậu COVID-19
11:30, 15/05/2020
Cấp bách khung pháp lý cho P2P
11:00, 08/11/2019
P2P Lending, lựa chọn mới cho start-up “khan vốn”
06:25, 19/06/2019
Sẽ thí điểm cho vay ngang hàng (P2P)
17:01, 01/04/2019
Định danh cho P2P
12:30, 16/03/2019