Nhân dân tệ điện tử (Kỳ II): Hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Trung Quốc đang có tham vọng bá chủ tài chính toàn cầu thông qua phát hành đồng Nhân dân tệ (CNY) điện tử. Vậy Việt Nam cần có chính sách nào về vấn đề này?
Phóng viên Tạp chí DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn, Tổng giám đốc CTCP Tài chính Thế hệ mới FinanceX xung quanh vấn đề này.
- Việc Trung Quốc phát hành CNY điện tử báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên tài chính mới, thưa ông?
CNY điện tử không phải là một loại tiền điện tử phi tập trung như Bitcoin... Bản thân người dùng khó có thể cảm thấy sự khác biệt đáng kể trong việc sử dụng hệ thống thanh toán bằng CNY điện tử so với WeChat Pay hoặc AliPay. Đối với Chính phủ, cấu trúc dữ liệu blockchain sẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc và kiểm soát các giao dịch chưa từng có.
CNY điện tử là một loại tiền điện tử đầu tiên được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ ở quy mô lớn. Trong khi đó, các dự án cạnh tranh như Libra (Facebook) và Ton (Telegram) đã buộc phải thay đổi kế hoạch phát hành. Ngày nay, Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai trên thế giới và ít phụ thuộc nhất vào giá dầu. Trong khi USD, dù vẫn chiếm ngôi bá chủ toàn cầu, nhưng đang chịu nhiều sức ép. Đây là cơ hội tốt nhất cho Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa CNY thông qua CNY điện tử trong những năm tới.
Sau khi Trung Quốc phát hành CNY điện tử, chắc chắn sẽ có nhiều Chính phủ nhanh chóng nghiên cứu và phát hành tiền điện tử theo hình mẫu của Trung Quốc. Do đó, chúng ta đang dần bước vào một kỷ nguyên mới - kết thúc lưu hành tiền mặt vật chất và xuất hiện tiền điện tử do các ngân hàng trung ương phát hành. Nếu điều này xảy ra, sẽ thay đổi hoàn toàn hệ thống tiền tệ quốc tế.
- Theo ông, thách thức đối với CNY điện tử là gì khi nhiều quốc gia vẫn đang thiếu hành lang pháp lý thanh toán xuyên biên giới?
Dù rằng có rất nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia lớn đầu tiên phát hành tiền điện tử, nhưng rõ ràng trong tình hình hiện nay, CNY điện tử sẽ gặp không ít khó khăn do hành lang pháp lý thanh toán xuyên biên giới ở hầu hết các nước chưa hoàn thiện.
Nhìn rộng ra các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia hay chính Việt Nam thì những quy định về việc chấp nhận thanh toán xuyên biên giới, hay đơn giản như các quy định về tiền ảo, tiền mã hoá, các chế tài về chống rửa tiền, tiền không rõ nguồn gốc vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Xu hướng thanh toán không tiền mặt là không cưỡng lại được, nhưng sử dụng tiền điện tử sẽ là thách thức về mặt pháp lý rất lớn cho đồng CNY với tham vọng quốc tế hoá đồng tiền này của Trung Quốc.
- Theo ông, với việc Trung Quốc phát hành CNY điện tử, Việt Nam nên có động thái chính sách nào về vấn đề này?
Theo tôi, phát hành tiền điện tử sẽ là xu hướng tất yếu, không thể cưỡng lại được. Việc dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP đưa vào khái niệm tiền điện tử cũng phần nào cho thấy Việt Nam đã bắt đầu có kế hoạch nghiên cứu phát hành đồng tiền này. Tuy nhiên, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình này, nếu không, sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này.
Về bản chất, tiền điện tử không được coi là một loại tiền tệ mà chỉ là hình thái biểu hiện khác của đồng tiền pháp định (dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán). Và khái niệm tiền điện tử trong Dự thảo Nghị định nói trên cũng đang được xây dựng theo định hướng tư duy này. Chúng ta nên phân biệt tiền điện tử thông thường và tiền điện tử Blockchain, vì hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, Dự thảo Nghị định này chỉ đề cập đến tiền điện tử thông thường, chưa liên quan đến tiền điện tử được xây dựng trên nền tảng công nghệ Blockchain phi tập trung. Về dài hạn, Việt Nam cần hướng tới tiền điện tử dựa trên Blockchain.
- Xin cảm ơn ông!
Kỳ III: Ứng phó thế nào với thanh toán xuyên biên giới?
Có thể bạn quan tâm