Sau 5 năm nghiên cứu (bắt đầu từ năm 2014), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã sẵn sàng phát hành đồng tiền Nhân dân tệ phiên bản điện tử (DCEP).
Đồng DCEP dự kiến sẽ được thử nghiệm trước tại hai thành phố Thẩm Quyến và Tô Châu.
Theo nhận định của giới nghiên cứu PboC, đồng tiền này có thể gây ra nhiều tác động đến chính trị, kinh tế, tài chính trên toàn thế giới vì tiền tệ không chỉ là vấn đề kinh tế mà con là vấn đề về chủ quyền.
Bên cạnh đó, việc ra đời đồng tiền DCEP cũng làm nảy sinh một số tác động đối với các ngân hàng thương mại, đối với nền kinh tế và đối với quan hệ giao thương của Trung Quốc với các nước khác trên thế giới.
Về công nghệ, đồng DCEP dựa trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên, trái với tính phi tập trung của blockchain, các giao dịch không ẩn hoàn toàn.
Đồng DCEP cũng không phải là tiền ảo vì giá trị của nó được cố định vào giá Nhân dân tệ chứ không phải được định giá theo thị trường như Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác.
Đồng DCEP hoạt động trên cơ chế 2 tầng, phục vụ cho nghiệp vụ phát hành và thu hồi. Tầng thứ nhất, PBoC sẽ phát hành và thu hồi đồng tiền thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.
Tầng thứ hai, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm cho việc phân bổ đồng tiền kỹ thuật số đến các thành phần cá thể trong thị trường tài chính.
Ngân hàng thương mại sẽ phải kí gửi 100% giá trị dự trữ tại ngân hàng trung ương để đổi lấy tiền điện tử, sau đó phân phối cho người dùng.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải xuống ví điện tử trên điện thoại di động của mình và nạp tiền điện tử DCEP từ tài khoản của họ tại các ngân hàng (tương tự như nạp từ ATM).
Sau đó, họ sử dụng như tiền mặt để thực hiện và nhận thanh toán với bất kì người nào khác có ví điện tử. Điều này phù hợp với tình hình thực tế vì Trung Quốc đang ngày càng trở thành một xã hội không tiền mặt.
Ngay cả những người buôn bán nhỏ lẻ ở các thị trấn nhỏ cũng thích sử dụng ứng dụng thanh toán di động hơn là dùng tiền giấy.
Theo nghiên cứu của Analysys, trong quí I/2019, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động đã xử lí 59.000 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 8.300 tỉ USD) giao dịch tại Trung Quốc, tăng 15% so với một năm trước đó. Trong đó, Ant Financial đã xử lí gần 50% số giao dịch trên, tiếp theo là WeChat Pay của Tencent với 30%.
PBoC cho biết tổng giá trị các giao dịch không dùng tiền mặt (bao gồm cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và giá trị lưu trữ, chuyển khoản và séc) trong năm 2018 của nước này đạt 3,8 triệu tỉ nhân dân tệ. Xu hướng này diễn ra không chỉ ở Trung Quốc mà ở trên toàn thế giới.
Một cuộc khảo sát của Ngân hàng trung ương Thụy Điển cho thấy rằng chỉ có 13% người trong năm 2018 trả tiền mặt cho lần mua gần nhất của họ, giảm từ mức 39% trong năm 2010.
Đánh giá ảnh hưởng của đồng DCEP. Về mặt tích cực, giới chuyên gia cho rằng đồng tiền này có thể bảo vệ Trung Quốc khỏi những đồng tiền ảo như Bitcoin hay Libra (đồng tiền ảo do Facebook phát hành) – đồng tiền được thiết kế và kiểm soát bởi những người khác.
Đồng DCEP cũng giúp Trung Quốc giảm khoảng cách sử dụng đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, qua đó đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Một lợi ích lớn nữa mà đồng tiền điện tử mang lại là làm tăng tốc độ giao dịch. Trong năm 2018, nhu cầu thanh toán của các ngân hàng Trung Quốc là 92 000 giao dịch (GD)/giây.
Tốc độ này vượt xa mức Bitcoin có thể hỗ trợ. Ngay cả đồng Libra cũng chỉ đạt 1000 GD/giây, Paypal đạt 40 000 GD/giây.
Trong khi đó, theo nhận định của PBoC thì tốc độ giao dịch của đồng DCEP có thể đạt 220 000 GD/giây.
Về hoạt động của các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng của DCEP chủ yếu là vấn đề kế toán. Đồng tiền điện tử đại diện cho tiền trong lưu thông (M0), chứ không phải tiền gửi tiết kiệm không kì hạn (M1) mà các NH sử dụng để cho vay lại các công ty và hộ gia đình, nên đồng tiền điện tử cần phải được tách biệt với tiền tiết kiệm thông thường.
Về mặt chính sách, vì tiền điện tử của PBoC được thiết kế để thay thế tiền mặt, nên không có tác động lớn đến nguồn cung tiền và do đó có rất ít ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ.
Nếu loại tiền này được chấp nhận rộng rãi và mọi người được khuyến khích giữ nhiều tiền hơn khiến tiền gửi ngân hàng có thể giảm, nhưng tác động sẽ có thể kiểm soát được. Sự ra đời của đồng DCEP sẽ giúp hỗ trợ việc tập trung hoá tiền tệ. Tiền điện tử giúp cắt giảm chi phí lưu thông của tiền giấy, kiểm soát chính xác nguồn cung tiền.
Do đó về dài hạn, NHTW có thể sử dụng tiền điện tử để thúc đẩy nền kinh tế. Hơn nữa, nếu Trung Quốc có thể chuyển sang bộ công cụ chính sách tiền tệ mới, tiền tệ số hóa sẽ cho phép nước này áp dụng lãi suất âm ngay cả đối với những người nắm giữ tiền điện tử.
Hồ sơ bằng sáng chế được công khai vào tháng 10/2018 mô tả rằng các ngân hàng cho vay cần phải nhập chi tiết về người vay và lãi suất trước khi tiền có thể được chuyển. Điều đó có thể cho phép PBoC kiểm soát chủ động hơn việc cho vay và tài trợ trực tiếp khi thấy phù hợp.
Vì vậy, nhờ DCEP, việc chuyển tiền được thực hiện mà không cần tài khoản ngân hàng nhờ sử dụng cơ chế hoạt động có phần “dễ thở” hơn, cho phép PBoC vạch ra một bức tranh kinh tế tổng thể hơn và khả năng theo dõi được của đồng tiền này sẽ góp phần trong việc chống rửa tiền cũng như các hoạt động phi pháp khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nêu lên một số nhược điểm của đồng tiền này, như đe dọa đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng.
Trái với tính phi tập trung của blockchain, danh tính và thông tin của người dùng có thể sẽ được gắn với các ví điện tử riêng lẻ và điều này tạo ra cơ hội thông tin cá nhân bị xâm nhập.
Ngoài ra, vẫn còn phải xem liệu đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ hoạt động như thế nào trong các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới, bởi đây là nơi đan xen nhiều quy định của nhiều quốc gia khác nhau.