Điểm mặt những vụ đa cấp tài chính lừa đảo “khủng” năm 2020
Hàng trăm nghìn nạn nhân sập bẫy đa cấp, số tiền lừa đảo lên tới trăm tỷ đồng và bao hệ luỵ từ những công ty núp bóng đa cấp là kết quả mà cơ quan chức năng đã phanh phui trong suốt một năm qua.
Làn sóng kinh doanh núp bóng mô hình đa cấp vẫn luôn âm ỉ trong đời sống xã hội từ nhiều năm nay, khiến không ít người vì mơ ước làm giàu nhanh mà phải ngậm trái đắng. Đặc biệt năm 2020, sự bùng phát của các hình thức kinh doanh này càng nở rộ và biến thể không ngừng.
Từ kinh doanh “phân quyền”...
Ngày 28/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đã tiến hành bắt tạm giam các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Gold Time để phục vụ công tác điều tra về hành vi: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 Bộ Luật hình sự. Trong đó, ông Nguyễn Khắc Đồi là Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của công ty.
Gold Time đã tạo ra “ma lực” gì để thu hút hơn 360.000 thành viên tham gia vào mạng lưới và thu về gần 900 tỷ đồng, phải chăng là một cái bánh vẽ quá ngọt? Trên thực tế, Gold Time bán phân quyền kinh doanh với giá 3 triệu đồng trên một người tham gia, khi giới thiệu người tham gia mới, nhà đầu tư sẽ nhận được 10% (F1), 0,5% (F2) lần lượt cho đến F11, giới thiệu được càng nhiều người đầu tư, số tiền hoa hồng được hưởng sẽ càng lớn.
Tuy nhiên một miếng bánh không thể ăn mãi, Nguyễn Khắc Đồi cùng các đồng phạm đã nghĩ ra những dự án khống đầy triển vọng như Công ty Công nghệ Gold Time Tech; Quỹ đầu tư G Capital; Trang thương mại điện tử Gvinawell Mart; Công ty tài chính Gvina Finance,... cùng những lời có cánh, sẽ đưa Gold Time sánh ngang với các thương hiệu tầm cỡ như Amazon hay Alibaba,… và trở thành "trụ cột của quốc gia khởi nghiệp".
Khi đến với Gold Time, hàng trăm nghìn con người từ công nhân, nông dân lam lũ, đến các sinh viên nghèo mang giấc mơ đổi đời với vỏn vẹn 3 triệu đồng. Không may thay, mỗi 3 triệu đồng “chắt chiu” nộp vào Gold Time đều được chia nhỏ và chi trả cho người vào trước đó, số còn lại sẽ đút túi những kẻ cầm đầu của Công ty này.
Cho đến khi Bộ Công an vào cuộc, tạm giữ khẩn cấp lãnh đạo công ty, hệ thống ngừng hoạt động, lợi tức ngừng phân chia, những người tham gia mới bàng hoàng tỉnh mộng. Gold Time được coi là một vụ lừa đảo gây rúng động nhiều vùng quê nghèo, lôi kéo số đông người “sập bẫy” với số tiền khủng. Sau vụ việc, cộng đồng Gold Time cũng âm thầm rã đám, nhưng những mất mát về tài sản bao gồm cả tiền bạc và lòng tin thì không thể đo đếm được.
... đến mua hàng tích điểm
Ngoài ra, hình thức mua hàng tích điểm hoàn tiền cũng là một chiêu trò biến tướng trên nền tảng kinh doanh theo phương thức đa cấp đã "làm mưa làm gió" nhiều tháng qua. Đỉnh điểm, vào tháng 11/2020, nhiều người dân đã nộp đơn tố cáo sàn Thương mại điện tử Bigbuy24h.com thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam, do Nguyễn Văn Anh là chủ sở hữu và trực tiếp quản lý. Công an tỉnh Thanh Hoá cũng đã khởi tố vụ án và đang củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng trong công ty này. Con số thống kê bước đầu của Công an tỉnh Thanh Hoá về vụ lừa đảo đã lên đến 500 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều người già đã 70- 80 tuổi, gom góp được chút tiền dưỡng già thì nay, vì nhẹ dạ trước những lời dụ dỗ “một vốn bốn lời” mà trắng tay.
Theo đó, Nguyễn Văn Anh đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt khách hàng hoành tráng tại các khách sạn lớn với những lời “có cánh” về những dự án nghìn tỷ đồng, hứa hẹn đưa Bigbuy24h trở thành trang thương mại điện tử top đầu Việt Nam, một “Alibaba thứ 2” khiến các nạn nhân như rơi vào mê hồn trận.
Cụ thể, cả người mua và người bán khi tham gia sàn TMĐT Bigbuy24h đều được hoàn lại số tiền tương đương 50-100% giá trị sản phẩm. Chỉ cần người tham gia nộp tiền vào ví cá nhân trên ứng dụng, họ sẽ ngay lập tức được nhân 3-4 lần số tiền đã nộp, trả hằng ngày theo cam kết, khoảng 0,2% trên tổng số dư. Đồng thời, nếu mời thêm người tham gia thì sẽ được trả thêm hoa hồng giới thiệu.
Tuy nhiên từ tháng 5/2020, website Bigbuy24h.com và app bắt đầu ngừng hoạt động, các thành viên tham gia sàn TMĐT Bigbuy24h không thể đăng nhập vào app đã tải về điện thoại. Lãnh đạo công ty này cũng cắt đứt mọi liên lạc, đồng thời các trụ sở làm việc của Bigbuy24h cũng bị chủ sở hữu thu hồi để cho người khác thuê lại. Mọi thông tin đều bặt vô ấm tín, hàng nghìn người dân chìm trong cảnh tiền mất tật mang, nhiều người còn lâm vào cảnh nợ nần vì vay mượn đầu tư số tiền khủng.
Tương tự như Bigbuy24h, cái tên MyAladdinz cũng không quá xa lạ với cộng đồng đầu tư. Để tham gia, mỗi người phải bỏ ra 100 USD tương đương khoảng gần 2,4 triệu đồng, sau đó được quy đổi ra “Gem” và dùng đồng Gem này để mua bán, trao đổi hàng hoá trên app Myaladdinz và được hoàn tiền đến 80% nhưng được trả bằng Gem chứ không phải tiền thật. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp. Myaladdinz đã vươn vòi bạch tuộc của mình đi đến khắp các tỉnh thành, mời chào người dân tham gia.
Ngay sau đó, công an tỉnh Hà Tĩnh và công an Bình Phước đã đồng loạt phát đi cảnh báo người dân khi sử dụng ứng dụng App thanh toán này. Đồng thời cơ quan chức năng chỉ ra rằng, về bản chất, Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó lấy lại được số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng này đã bị mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng đã từng cảnh báo, việc "hoàn tiền" với giá trị % cao chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05- 0,1%/ngày), không có ý nghĩa về việc "hoàn tiền" như đã quảng cáo.
Tuy nhiên, thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.
Những vụ việc đình đám trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân về các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trá hình, có dấu hiệu lừa đảo ở quy mô lớn. Những miếng “phô mai” thì luôn ở trong “bẫy chuột” và mỗi người dân cần tự ý thức, nâng cao hiểu biết pháp luật, tránh trở thành nạn nhân bị cộng đồng đa cấp “tẩy não”, không chỉ tiền mất tật mang mà còn dẫn đến lôi kéo, dụ dỗ người khác vào con đường phi pháp, trái quy định pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 800 tỉ đổ vào đa cấp Gold Time, ông “trùm” chiếm đoạt được bao nhiêu tiền?
11:55, 18/09/2020
Gold Time Group tạo "bánh vẽ" thu hút nhà đầu tư
15:00, 24/08/2020
Tạm giữ khẩn cấp lãnh đạo tập đoàn Gold Time
11:21, 19/08/2020
Bộ Công an cảnh báo: App MyAladdinz huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép
00:50, 09/09/2020
Ứng dụng MyAladdinz: Dấu hiệu "huy động vốn đa cấp bất hợp pháp, kinh doanh lừa đảo"
04:50, 03/09/2020
"Ông chủ" đứng sau ứng dụng MyAladdinz Việt Nam là ai?
03:02, 27/08/2020