Các loại hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, mua nhà, mua xe…được giới thiệu sẽ hoàn trả 80% khi thanh toán qua ứng dụng MyAladdinz, mới đây, Cơ quan Công an đã cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo…
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, một số phụ huynh có con đang học tại trung tâm Anh Ngữ FunLand có địa chỉ tại số 29-31 Tòa nhà Triển Huyền, đường 3, thị trấn Sóc Sơn cho biết: Do có nhu cầu học ngoại ngữ nên nhiều phụ huynh đăng ký cho con học tại trung tâm Anh Ngữ Funland, nhưng điều bất thường là ngay sau đó một số cán bộ của trung tâm này mời các phụ huynh tham gia cài đặt một ứng dụng có tên là Myaladdinz để đóng học phí bằng “gem” thay vì dùng tiền mặt...
Anh Trần Văn, một phụ huynh có con học tại trung tâm này cho biết: Các giáo viên ở trung tâm này được trả lương bằng “gem”, và hầu hết tất cả mọi người đều sử dụng ứng dụng này để thanh toán cho nhau khi mua bán thay vì sử dụng tiền mặt…
“Sau khi thanh toán, họ hoàn trả lại cho đến 80% “gem”, nghĩa là nếu bỏ ra 10 triệu để thanh toán tiền học cho con, phụ huynh sẽ được hoàn lại đến 8 triệu “gem” tương đương để mua sắm những thứ khác thì tội gì không dùng…”, anh Văn chia sẻ.
Cũng theo lời anh Văn, vợ chồng anh có tham gia một nhóm kín trên mạng xã hội Facebook, dành cho những người mua bán “gem” ở lân cận khu vực huyện Sóc Sơn để thuận tiện trao đổi, mua bán. Trong nhóm này có khoảng gần 500 người tham gia…
Theo tìm hiểu, các văn phòng MyAladdinz đã xuất hiện dày đặc khắp các tỉnh thành. Theo đó, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video quảng cáo về ứng dụng này. Những người này cho rằng ứng dụng này có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… và có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn, người dùng càng thanh toán nhiều thông qua ứng dụng thì số tiền hoàn trả càng cao…
Các trang mạng lôi kéo người dùng tham gia ứng dụng bằng đăng ký tài khoản, điền thông tin cá nhân, thông tin về người giới thiệu, đồng thời phải nạp tiền vào tài khoản của mình ít nhất 100 USD (gần 2,4 triệu đồng). Số tiền sau khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1 USD.
Phương thức hoạt động của ứng dụng này là người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng “gem” sẽ được hoàn trả 80% “gem” khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền mặt. Người dùng cũng có thể không cần mua bán gì, chỉ cần dùng tiền thật để mua “gem” (tức là nạp tiền vào tài khoản) rồi sau đó dùng “gem” đổi ra “điểm” để nhận lãi từ 0,2 - 0,1% điểm mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp, tương tự mô hình đa cấp…
Được biết, Myaladdinz là ứng dụng chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Bản chất Myaladdinz không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, mà chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, khi không có người tham gia nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư.
Mới đây, Cơ quan Công an tỉnh Bình Phước đã phải khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, không đăng ký tham gia, nạp tiền vào ứng dụng nêu trên nhằm tránh mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.
Chia sẻ với cơ quan báo chí về những “nguy cơ” khi tham gia sử dụng ứng dụng này, ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena – cho biết, chuyển đổi tiền VNĐ thành “gem” trong ứng dụng MyAladdinz là một dạng biến tướng trong thanh toán. Theo quy định hiện hành, một ứng dụng để thanh toán phải có giấy phép. Việc sử dụng một ứng dụng chưa được cấp phép sẽ đem lại nhiều rủi ro như mất tiền, bị đánh cắp dữ liệu và người dùng phải tự chịu trách nhiệm.
“Hiện nay, sự cố xảy ra trên mạng được cơ quan chức năng xử lý rất chậm, có những trường hợp không xử lý được. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương vẫn chưa có chính sách quản lý nghiêm nên các ứng dụng không phép phát triển tràn lan”, ông Thắng nhận định.
Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, MyAladdinz vừa giống như một “chợ” thương mại điện tử, vừa giống như một ví điện tử mượn danh trữ tiền điện tử (đồng “gem”) nhưng thực chất là một mô hình ponzi, tức một hình thức huy động vốn đa cấp bất hợp pháp, kinh doanh lừa đảo. Ứng dụng này đang lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước, khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó lấy lại số tiền đã đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Mua nhà, xe bằng ứng dụng hoàn tiền đa cấp: Có thật như quảng cáo?
10:01, 26/08/2020
Bất cập quản lý kinh doanh đa cấp
04:27, 20/06/2020
Bộ Công thương: Cảnh báo dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép qua hệ thống Vital4u.net
00:00, 30/07/2019
Đưa kinh doanh đa cấp đúng "đường ray" pháp luật
15:15, 23/07/2020
Kinh doanh đa cấp “núp bóng”… “tour du lịch 0 đồng”?
05:42, 07/06/2019