Xu hướng nào cho thị trường tiền ảo năm 2021?
Mặc dù Việt Nam chưa có khung pháp lý cho sự phát triển, lưu hành các loại tiền số song đây là thị trường được nhiều người quan tâm. Xu hướng nào sẽ dẫn dắt thị trường tiền ảo tới đây?
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nhóm phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với 3 vị chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ - số hóa tài chính: Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX, Bà Phùng Trang - Tổng giám đốc Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số Bvnex.com và Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain.
- Hiện có luồng ý kiến cho bitcoin là “bong bóng”, quan điểm của ông/bà ra sao?
Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX:
Có thể chúng ta đã quá quen với các khái niệm như bong bóng dot-com, bong bóng bất động sản… và hiện nay nhiều người gọi bitcoin là bong bóng bitcoin hay bong bóng tiền ảo.
Thời điểm cách đây 4 năm là năm 2017 thì có thể nhiều nhà đầu tư, phân tích nhận định là bong bóng do sự tăng ảo và thiếu nền tảng của bitcoin với công nghệ chuỗi khối lên ngôi và gục ngã vào 2019 nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì tôi lại cho rằng Bitcoin không là bong bóng mà nó cùng với thế giới tiền ảo sẽ dần tạo nên những bước tiến vững chắc và ngày càng mạnh hơn.
Các ứng dụng DeFi sẽ ngày một nở rộ, các ứng dụng công nghệ Blockchain sử dụng các đồng tiền ảo sẽ được sử dụng nhiều hơn, nhu cầu thị hiếu nắm giữ, mua bán bitcoin và các đồng tiền khác cũng sẽ tăng theo và nó sẽ là thị trường đầy tiềm năng phát triển một cách bền vững trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, Bitcoin cũng như bất kỳ thị trường tài chính nào cũng sẽ chịu tác động của tài chính toàn cầu, cũng sẽ có chu kỳ tụt dốc hay cực thịnh, “down trend” hay “up trend”, đây cũng là điểm tạo nên hấp dẫn cho thị trường tài chính mới này.
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain:
Đối với các thị trường hay các trò chơi tài chính mới, thì ban đầu số lượng người tham gia ít. Nhưng càng ngày độ hấp dẫn của nó càng cao và tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư, từ đó tạo nên độ nóng cho trò chơi. Quan điểm BTC đang tạo ra bong bóng thì cũng không sai và không có gì đáng ngạc nhiên trong thị trường tài chính mới và đầy rủi ro như tiền ảo.
Các nhà đầu tư ít kiến thức về tiền ảo sẽ cảm thấy sự tăng nóng này tiềm ẩn những rủi ro không lường trước được nên họ coi đó là bong bóng. Còn theo quan điểm của tôi cũng như những chuyên gia trong lĩnh vực này thì những đợt sụt giảm mạnh của BTC sau khi lập đỉnh là những sự điều chỉnh cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững của BTC trong tương lai.
Quay trở lại lịch sử ngành công nghệ chúng ta cũng có thể thấy được điều tương tự trong những năm 90 của thế kỷ trước khi có sự xuất hiện của Internet. Các công ty dotcom ra đời như nấm mọc sau mưa. Chỉ cần gắn mác internet là cổ phiếu công ty tăng vọt tạo nên bong bóng dotcom. Nhưng sau khi bong bóng vỡ thì chúng ta đã chứng kiến một kỷ nguyên mới của các công ty Internet và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, hình thành nên những mô hình kinh doanh mới dựa trên internet. Tôi tin rằng điều tương tự cũng sẽ xảy đến với công nghệ blockchain mà đại diện tiêu biểu là BTC.
Bà Phùng Trang - Tổng giám đốc Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số Bvnex.com:
Có nhiều chuyên gia kinh tế trước đây cũng gọi coi Bitcoin là “bong bóng” điển hình như các tổ chức tài chính lớn JP Morgan cũng đã từng cảnh báo Bitcoin nhưng trong năm 2020 đã đưa ra dự báo về giá Bitcoin với một con số lớn. Về quan điểm cá nhân, tôi không coi Bitcoin là “bong bóng” nhưng tôi cũng không phủ nhận việc giá Bitcoin có thể sụt giảm mạnh bất cứ lúc nào.
- Nhìn về tương lai, một xu hướng đã xuất hiện là ngân hàng tiền ảo, ông/bà đánh giá hoạt động của các ngân hàng này sẽ trên cơ chế như thế nào?
Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX: Thuật ngữ “ngân hàng tiền ảo” trong tiếng anh gọi là “crypto bank”, được định nghĩa là các tổ chức ngân hàng cung cấp các tiêu chuẩn của hoạt động liên quan đến tiền như gửi và rút tiền, tiết kiệm, cho vay và đi vay, đồng thời cho phép đầu tư vào nhiều thị trường sinh lời.
Tuy nhiên, có thể thấy ngân hàng tiền ảo rất khác với ngân hàng truyền thống thông thường khi các hoạt động khó được kiểm soát, việc cho vay, gửi tiền, rút tiền, đầu tư, tiết kiệm cũng hoàn toàn là phi tập trung. Có nhiều thời điểm cơ chế ngân hàng phi tập trung này cũng chính là một trong những vấn đề nóng hổi khi bàn về tương lai tài chính toàn cầu theo quan điểm của các chuyên gia về tài chính nhận định.
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain:Hiện tại chúng ta đang chứng kiến một làn sóng mới mang tên DeFi (Decentralized Finance) – Tài chính phi tập trung được hình thành và đang rất nóng trong cộng đồng tiền ảo. Tài chính phi tập trung là nền tảng của ngân hàng tiền ảo. Nó áp dụng công nghệ blockchain để cung cấp các dịch vụ như của ngân hàng truyền thống nhưng trên môi trường phi tập trung. Nó không chịu sự chi phối, áp đặt bởi bất kỳ một đơn vị chủ quản ngân hàng hay tổ chức tài chính nào, mà được quản lý bởi cộng đồng tham gia và thực thi bằng những hợp đồng thông minh không thể bị can thiệp. Nó đem lại sự minh bạch và chính xác cho các dịch vụ và giao dịch của ngân hàng tiền ảo.
Bà Phùng Trang - Tổng giám đốc Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số Bvnex.com:Nếu như có cái gọi là ngân hàng tiền ảo thì tôi nghĩ điều tiên quyết phải có đó là sự ổn định về giá của đồng Bitcoin. Về cơ chế hoạt động của ngân hàng tiền ảo tôi không chắc chắn sẽ tương tự như ngân hàng truyền thống, nhưng thay vì cung cấp các dịch vụ liên quan tiền pháp định, thì loại hình chính được phục vụ ở đây là Bitcoin và tiền kỹ thuật số. Vấn đề rõ nét nhất mà một ngân hàng tiền kỹ thuật số có thể giải quyết đó là cho vay ngang hàng, hoặc vòng quay vốn nhàn rỗi trong dân. Để thực hiện cho vay ngang hàng thì tài sản đảm bảo sẽ là Bitcoin hoặc những đồng tiền kỹ thuật số có giá trị cao, giá ổn định và luôn đảm bảo tính thanh khoản.
Nếu có thể hợp thức hoá cho vay ngang hàng bằng tiền kỹ thuật số thì thì tốc độ quay vòng dòng tiền và thúc đẩy kinh tế sẽ rất mạnh mẽ vì người cần vốn hoặc cần vay sẽ tiếp xúc được nguồn vốn một cách kịp thời. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cũng một phần bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng, vì vậy tôi nghĩ cần kiểm soát chỉ số này nếu ngân hàng tiền kỹ thuật số ra đời.
- Tác động của sự phát triển tiền ảo và thị trường này đối với kinh tế toàn cầu dự báo như thế nào thưa ông/bà?
Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX: Cá nhân tôi thấy rằng, ngân hàng tiền ảo hiện tại chưa tác động nhiều đến tài chính thế giới do vốn hoá quá nhỏ và cộng đồng tham gia không đáng kể. Tuy nhiên trong tương lai gần nó có thể tác động đến tài chính toàn cầu ở các góc độ như sau:
Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát sẽ có thể tăng, sự xoay vòng vốn lớn từ những giao dịch tiền trên các ngân hàng tiền ảo này sẽ có những ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Quy luật là nếu tiền ảo Bitcoin được sử dụng nhiều hơn sẽ dẫn đến sự gia tăng vòng quay của tiền và sự gia tăng này có thể dẫn đến lạm phát nhiều hơn.
Ở Việt Nam, dù chưa có số liệu chính xác về tổng lượng giao dịch tiền ảo và tỷ lệ giá trị của loại tiền này lưu thông trong thị trường nhưng sự “góp mặt” của nó trong thanh toán, đầu tư... đã ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, điều này sẽ khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khăn hơn.
Thứ hai, tiền ảo sẽ tạo ra một thời kỳ mới với định nghĩa mới trong giới tài chính đó là “Tài chính phi tập trung”, các tổ chức tài chính, ngân hàng trung ương truyền thống sẽ khó nắm bắt và xác định cung cầu trên thị trường do không kiểm soát được chính xác tổng lượng giao dịch tài chính của người sử dụng. Do giao dịch tiền ảo là ẩn danh nên nó thực sự sẽ khiến khả năng cân đối và điều phối chính sách tiền tệ của các quốc gia trên toàn cầu.
Thứ ba, các tổ chức tài chính, công nghệ mới cũng đã vào cuộc và nhận thấy tiềm năng lớn của ngân hàng tiền ảo, tôi cho rằng trong những năm tới, thị trường tài chính sẽ rất sôi nổi với sự góp mặt này và tăng tính hấp dẫn, thanh khoản lên nhiều lần.
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain: Nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn thế giới tài chính, đe doạ đến thị phần của các ngân hàng truyền thống. Việc tiền ảo ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi sẽ thúc đẩy sự phát triển của DeFi trong những năm tới. Nếu các chính phủ cho phép các dịch vụ DeFi phát triển tự do lành mạnh thì chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự biến mất hay sụp đổ của nhiều ngân hàng truyền thống.
- Thời gian qua, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ đều đang lên kế hoạch phát hành đồng tiền fiat điện tử (tiền pháp định số) do NHTW phát hành. Theo ông bà, quyết định này xuất phát từ đâu? Và điều gì sẽ xảy ra với thị trường tài chính tiền tệ trong tương lai?
Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX: Tôi rất nể phục các quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh Châu âu… khi họ đã ra các điều luật cụ thể để quy định tiền ảo được hoạt động theo khung pháp lý của quốc gia họ. Thời gian qua Trung Quốc và Ấn độ cũng đã liên tiếp ra mắt các đồng tiền quốc gia mình khi họ nhận thấy việc tiền ảo phát triển và tồn tại song hành với thị trường tài chính truyền thống là điều tất yếu.
Thực tế việc phát hành tiền ảo trung ương này là xu hướng chung để bảo vệ lợi ích quốc gia và kiểm soát tài chính trong nước. Chúng ta đều biết rằng tiền ảo giao dịch ẩn danh, nhà nước không thể quản lý, ngoài việc tạo ra các hệ luỵ rất lớn cho xã hội như lừa đảo, kinh doanh đa cấp không hợp pháp, huy động vốn trái phép thì 2 yếu tố dẫn đến việc nhà nước phải sử dụng đồng tiền ảo trung ướng đó là đảm bảo kiểm soát tổng lượng giao dịch, kiểm soát cung cầu, cân đối tài chính tiền tệ quốc gia liên quan đến tiền ảo và cuối cùng là chống thất thoát vê thuế và chảy máu ngoại tệ khi khả năng giao dịch xuyên biên giới của tiền ảo là vô hạn. Đối với Trung Quốc thì việc ra đời tiền ảo quốc gia còn mục đích tạo ra đối trọng với đồng USD và thậm chí là đồng Libra (tiền ảo của Facebook).
Đây cũng có thể là cuộc chiến mới về tiền tệ giữa các quốc gia trong tương lai. Với việc ra đời các loại đồng tiền này, do là những quốc gia rất lớn về dân số, chiếm tỷ lệ lớn GDP toàn cầu nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tài chính tiền tệ thế giới ví như đồng USD sẽ yếu dần, không đủ mạnh để tác động đến tiền tệ toàn cầu như trước, đồng nhân dân tệ sẽ mạnh hơn và tạo sự ảnh hưởng lớn hơn. Giao dịch tiền mặt sẽ ít đi, người dân sử dụng tiền ảo nhiều hơn, thói quen sử dụng ngân hàng truyền thống cũng có thể bị thay đổi mà thay vào đó là ngân hàng ảo, thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Tôi cho rằng tác động này sẽ dần hình thành trong 1 thập kỷ tới khi tiền ảo ngày một phổ biến hơn và lượng người tham gia ngày một đông đảo hơn.
Ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia Blockchain: Chính phủ của các quốc gia bắt đầu nhận ra blockchain là một cuộc cách mạng thực sự và sự tồn tại của tiền ảo là không thể tránh khỏi. Do đó thay vì cấm đoán như thời gian đầu, giờ đây các chính phủ đã trở nên thân thiện hơn với tiền điện tử. Tuy nhiên với vai trò là nhà quản lý và điều phối tiền tệ, các chính phủ không thể để bất kỳ một loại tiền ảo nào được quản lý bởi cộng đồng hay có tính ẩn danh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó việc phát hành đồng tiền điện tử của quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với các chính phủ. Nó thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận công nghệ blockchain nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát việc phát hành và lưu hành tiền tệ trong nền kinh tế. Đưa đồng tiền điện tử quốc gia vào trong lưu thông cũng giúp chuyển hoá nền kinh tế sang phi tiền mặt và đem lại sự minh bạch cao hơn trong xã hội, giảm thiểu các hành vi xấu như rửa tiền, tham nhũng do sử dụng tiền mặt.
Thị trường tiền tệ toàn cầu thì sẽ có sự thay đổi lớn khi các ứng dụng DeFi mang đến cho người dùng những dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn với mức lợi nhuận cao hơn. Các mô hình tài chính phi tập trung mới chưa hề có trong thế giới tài chính trước đây như canh tác lãi suất (yield farming) sẽ xuất hiện làm thay đổi hoàn toàn thế giới tài chính. Người dùng giờ đây sẽ có khả năng tiếp cận những dịch vụ tài chính nhanh hơn và dễ dàng hơn chỉ bằng cách sử dụng smartphone hay máy tính có kết nối internet. Giao thương toàn cầu cũng tăng lên do các dịch vụ này gần như không bị giới hạn bởi quốc gia hay khoảng cách địa lý.
- Việc phát hành tiền fiat điện tử của một quốc gia sẽ làm tăng lên tính tiện lợi và giao thương nội địa lẫn xuyên biên giới? Chúng ta cũng biết Trung Quốc những năm gần đây kinh tế phát triển mạnh, các doanh nghiệp nước này hiện đều nhắm đến thị trường toàn cầu...
Bà Phùng Trang - Tổng giám đốc Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số Bvnex.com: Không riêng gì Trung Quốc, Ấn Độ mà Ngân Hàng Thế Giới đã họp bàn với các tổ chức tài chính lớn để thông qua Stablecoin- Central bank digital currency. Mục đích là để đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán, chuyển tiền quốc tế trong những năm tới đây.
Xin cảm ơn ông/bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay!
Có thể bạn quan tâm