Thí điểm Mobile Money (bài 1): Tiền di động bắt đầu động
Theo thông tin mới nhất, Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel...
Hiểu đúng về Mobile Money
Mobile Money (Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động hay tiền di động) là một sản phẩm tiềm năng trong lĩnh vực Fintech. Công nghệ này được phát triển quy mô lớn tại các nước châu Âu và ngày càng được lan rộng đặc biệt là các nước khu vực của châu Á.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 316 cho phép thí điểm Mobile Money trong 2 năm, người dùng có thể sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Quyết định này đã kích hoạt một kênh thanh toán mới tiện ích khi còn nhiều người Việt Nam chưa có tài khoản và khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Theo đó, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thông qua Mobile Money cũng sẽ tận dụng được tối đa hạ tầng dữ liệu, mạng lưới viễn thông và tăng cường việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện.
Mobile Money được hoạch định là kênh thanh toán không chỉ mang tính tích cực cho người dùng mà các nhà mạng cũng được tiện hơn khi tài khoản di động không còn dùng để nghe gọi...
Về nguyên tắc, Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ, số tiền mà công ty viễn thông nhận được khách hàng phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1. Vì vậy, 100 đồng mua thẻ cào sẽ được 100 đồng trong ví, không thể 90 đồng mua thẻ cào được 100 đồng trong ví như hiện nay.
Có 3 cách để khách hàng nạp/rút tài khoản Mobile Money là thực hiện tại điểm giao dịch của nhà mạng, từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của chính nhà mạng đó. Sau đó, khách hàng có thể dùng tiền trong tài khoản Mobile Money thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị chấp nhận loại tiền này. Đồng thời, chủ thuê bao di động có thể chuyển tiền sang tài khoản Mobile Money của người khác trong cùng một nhà mạng, cũng chuyển tiền sang tài khoản thanh toán tại ngân hàng và ví điện tiện do nhà mạng cung cấp.
Hình thức này tương tự thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương. Tuy nhiên, người dùng không thể quy đổi số dư trong tài khoản viễn thông sang tài khoản thanh toán này và sẽ không được trả lãi với số dư để trong tài khoản thanh toán Mobile Money.
Ngoài ra, toàn bộ tiền trong tài khoản Mobile Money của nhà mạng phải được mang bảo đảm tại ngân hàng và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thanh toán.
Trong một báo cáo ngành toàn cầu giai đoạn 2020-2024 của Research and Markets, thị trường của Mobile Money toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3,4 tỷ USD vào năm 2019 lên 12 tỷ USD vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 28,7% từ năm 2019 đến năm 2024.
Các yếu tố chính thúc đẩy thị trường Mobile Money bao gồm sự gia tăng số lượng thuê bao di động, các sáng kiến của Chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và số lượng doanh nghiệp sử dụng thanh toán kỹ thuật số.
Ứng dụng của Mobile Money
Nếu như sử dụng ví điện tử hiện nay như Momo, Zalopay, ViettelPay..., người dùng khi muốn thanh toán dịch vụ giá trị nhỏ phải chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng qua ví, rồi từ đó thanh toán dịch vụ. Như vậy, những ví điện tử này có chức năng làm trung gian thanh toán để tiện lợi cho người tiêu dùng và bắt buộc người dùng cũng phải có tài khoản ngân hàng.
Còn với Mobile Money, người dùng chỉ cần tài khoản di động là có thể sử dụng trả tiền ngay cho mọi dịch vụ giá trị nhỏ nhanh chóng, thuận tiện mà không cần qua trung gian thanh toán nào.
Theo thông tin mới nhất, Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel. Cụ thể, khách hàng có thể sử dụng Tiền di động Viettel để thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G dù không có tài khoản ngân hàng.
Với những gì mà Mobile Money được hoạch định là kênh thanh toán, nhìn chung đã và đang mang tính tích cực cho người dùng. Nhà mạng vì thế cũng được tiện hơn khi tài khoản di động không còn dùng để nghe gọi, mà còn là cả dịch vụ cho khách hàng.
“Việc triển khai tiền di động sẽ dễ dàng được sử dụng tại cả thành thị và nông thôn, việc thanh toán, chuyển tiền, đặc biệt các giao dịch tiền lẻ hàng ngày sẽ trở nên dễ dàng với người dân hơn bao giờ hết”, Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết.
Hiện tại, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang đi đầu trong việc sử dụng Mobile Money do sự thâm nhập của điện thoại thông minh ngày càng tăng trong khu vực này, mang đến cho các nhà khai thác cơ hội tung ra các dịch vụ ví di động tiên tiến. Đồng thời, việc áp dụng thương mại điện tử đã nhanh chóng góp phần vào việc tăng cường sử dụng các cơ chế thanh toán điện tử, bao gồm cả các dịch vụ Mobile Money.
Có thể bạn quan tâm