Anh và Mỹ cùng cảnh báo nạn rửa tiền qua các công ty tiền điện tử
Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính của Anh đã cảnh báo một số lượng "cao đáng kể" các công ty tiền điện tử không đáp ứng được các yêu cầu của Vương quốc Anh về việc ngăn chặn rửa tiền.
Theo Business Insider, tại Anh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử phải đăng ký với Cơ quan quản lý tài chính (FCA). Cơ quan quản lý đã đưa ra một cơ chế cấp phép tạm thời cho các công ty có đơn đăng ký chưa được phê duyệt để cho phép họ tiếp tục giao dịch.
FCA cho biết hôm thứ Năm rằng, họ đã lùi thời hạn cho cái gọi là Chế độ đăng ký tạm thời từ ngày 9/7/2021 đến ngày 31/3/2022.
“Một số lượng lớn doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc theo Quy định về chống rửa tiền, dẫn đến số lượng doanh nghiệp rút đơn đăng ký tăng chưa từng thấy", cơ quan này nói trong một tuyên bố.
Chỉ có năm công ty tiền điện tử hiện đã đăng ký với FCA. Còn hàng chục công ty nộp đơn đang ngồi trong danh sách Chế độ đăng ký tạm thời.
Các loại tiền điện tử như Bitcoin từ lâu đã bị đeo bám bởi những lo lắng về việc sử dụng chúng trong các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tấn công mạng. Đó là bởiì những người giao dịch không tiết lộ danh tính của họ. Các quan chức cũng đã cảnh báo về bản chất đầu cơ của tài sản tiền điện tử.
Vào tháng 1, FCA đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc cho các nhà đầu tư tiền điện tử.
Cơ quan quản lý cho biết: “Đầu tư vào tiền điện tử, hoặc các khoản đầu tư và cho vay liên quan đến chúng, thường bao gồm việc chấp nhận rủi ro rất cao với tiền của nhà đầu tư. Nếu người tiêu dùng đầu tư vào những loại sản phẩm này, họ nên chuẩn bị sẵn sàng để mất tất cả tiền của họ".
FCA đã nhắc lại lập trường của mình vào thứ Năm, cảnh báo rằng nhiều loại tiền điện tử “có tính đầu cơ cao và do đó có thể mất giá nhanh chóng”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey, người trước đây là Giám đốc điều hành của FCA, tháng trước cũng đưa ra một tuyên bố tương tự. Tiền điện tử “không có giá trị nội tại”, ông nói và khẳng định thêm: “Chỉ mua chúng nếu bạn chuẩn bị mất tất cả tiền của mình".
Tại Mỹ, quốc gia này cũng đang hết sức thận trọng với các hoạt động của thị trường tiền điện tử. Cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ đã nói rằng ông hy vọng các quan chức sẽ thiết lập một "chu vi pháp lý" cho tiền điện tử.
Michael J. Hsu, Quyền Trưởng Văn Phòng Tổng Kiểm Toán Tiền Tệ (OCC) nói với Financial Times rằng, các cơ quan giám sát hệ thống tài chính Mỹ muốn phối hợp “nhiều hơn nữa” để quản lý thị trường tiền điện tử trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.
Phát biểu trên là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, các nhà quản lý Mỹ có kế hoạch đóng vai trò tích cực hơn trong thị trường tiền điện tử.
Quyền trưởng OCC cho biết, để quản lý tiền điện tử phụ thuộc rất nhiều vào việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ .
Tại Mỹ, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn có cách tiếp cận thị trường này với những chính sách mạnh tay hơn so với các chính sách từ Nhà Trắng ở thời kỳ Donald Trump.
Bộ trưởng Tài chính bà Janet Yellen cho biết vào tháng 2 rằng, việc lạm dụng tiền điện tử và tài sản ảo là một vấn đề ngày càng tăng. Bà nhấn mạnh việc sử dụng chúng trong việc rửa tiền, khủng bố và buôn bán ma túy.
Michael J. Hsu cho biết, sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính thông qua các công nghệ như blockchain và sự nổi lên của các công ty fintech nhắc nhở ông về cuộc khủng hoảng tài chính. Ông cho biết các công nghệ mới mang lại nhiều hứa hẹn nhưng cũng có rủi ro lớn.
Những cảnh báo của các quốc gia phát triển và có sức ảnh hưởng với thị trường tài chính toàn cầu dường như một lần nữa đang phát đi những thông điệp rằng: Rất cần sự thận trọng trong việc giao dịch và mở rộng thị trường tiền điện tử. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa sẽ là các chính sách cụ thể hơn, gây áp lực để co hẹp, làm thị trường này tiếp tục bốc hơi vốn hóa trong thời gian tới?
Có thể bạn quan tâm