Người đứng đầu Ngân hàng Trung ương (NHTW) Liên bang Nga bày tỏ sự tin tưởng vào tiền tệ kỹ thuật số và đồng tiền số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC).
Nga dự định thử nghiệm CBDC
Điều này dường như cho thấy có một sự "đồng thuận" cao về cách nhìn tương lai của tiền tệ kỹ thuật số của Nga với Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia đang có sự quan tâm nhất định với đồng CBDC, đặc biệt là Trung Quốc với chiến lược tiên phong thử nghiệm rộng rãi đồng tiền này.
Trả lời CNBC trong cuộc phỏng vấn độc quyền, Thống đốc Ngân hàng TW Nga, bà Elvira Nabiullina cho biết, cần có hệ thống thanh toán nhanh, rẻ và tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành giải quyết vấn đề đó.
“Tôi nghĩ đó là tương lai cho hệ thống tài chính của chúng tôi vì nó tương quan với sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số”, bà Elvira Nabiullina nói.
Matxcova đã xuất bản một bài báo tham vấn về đồng Rúp kỹ thuật số vào tháng 10 năm ngoái và đặt mục tiêu có một nguyên mẫu sẵn sàng vào cuối năm 2021. Theo bà Nabiullióa, các cuộc thử nghiệm có thể bắt đầu vào năm tới.
Điều này có thể khiến Mỹ cảm thấy lo lắng, bởi; "Nếu Nga, Trung Quốc và Iran tạo ra các loại tiền tệ CBDC để hoạt động bên ngoài đồng đô la và dẫn đến xu hướng các nước khác sẽ theo sau, thì đó sẽ là điều đáng báo động”, Michael Greenwald, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ.
Các đồng CBDC không giống như tiền điện tử, chẳng hạn như Bitcoin. Cũng năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, CBDC sẽ được phát hành và kiểm soát bởi các cơ quan chức năng và giá trị của một đồng Rúp kỹ thuật số sẽ bằng một Rúp tiền mặt.
Tại Nga, giống như Việt Nam hiện tại, tiền điện tử là bất hợp pháp và bị cấm sử dụng để thanh toán.
Nabiullina nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện từng bước một, bởi vì đó là một dự án rất khó về công nghệ, pháp lý…”.
Trước đó, Phó Thống đốc thứ nhất Olga Skorobogatova của Ngân hàng TW Nga cho biết, họ sẽ thử nghiệm đồng Rúp kỹ thuật số vào năm 2022. Nó hoạt động trong một hệ thống phân cấp sao cho ngân hàng trung ương sẽ mở ví cho các ngân hàng thương mại để lưu trữ Rúp kỹ thuật số. Các ngân hàng này sau đó sẽ mở ví cho khách hàng. Hợp đồng thông minh cũng sẽ là một trọng tâm, vì ngân hàng muốn các giao dịch có điều kiện trở thành một lựa chọn.
Báo cáo cũng lưu ý rằng đồng Rúp kỹ thuật số sẽ luôn thuộc quyền sở hữu của người dùng cuối. Trong trường hợp ngân hàng phá sản, ví sẽ vẫn có sẵn thông qua các tổ chức khác.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang phát triển các loại tiền kỹ thuật số của mình, mà những người đứng đầu các ngân hàng đó thường có quan điểm ủng hộ và cho rằng CBDC sẽ giúp thúc đẩy ngành tài chính, ổn định hệ thống thanh toán, giúp các giao dịch xuyên biên giới trở nên dễ dàng hơn.
Nhưng Thống đốc Nabiullina dự đoán sẽ có những thách thức trong việc tìm kiếm “giải pháp chung” giữa các hệ thống được phát triển độc lập bởi các quốc gia khác nhau.
Bà nói: “Nếu mỗi ngân hàng tạo ra hệ thống riêng của mình, các hệ thống công nghệ với tiêu chuẩn của từng nước, thì sẽ rất khó tạo ra một số kết nối giữa các hệ thống này để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới”.
Chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ
Nabiullina cũng cân nhắc về các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà bà mô tả là "rủi ro dai dẳng” đối với Nga.
Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong những năm qua, từ nghi ngờ đầu độc các chính trị gia đối lập, cho đến cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng.
Bà nói: “Đó là lý do tại sao chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa và toàn bộ chính sách kinh tế vĩ mô của Nga khá thận trọng. Dự trữ của Matxcova là khá lớn, có thể chịu được mọi tình huống tài chính hoặc địa chính trị và có lẽ đa dạng hơn so với dự trữ của các quốc gia khác”.
Đáng chú ý, bà Nabiullina cho biết, “Khử đô la hóa” là một phần của chính sách mở rộng để quản lý rủi ro ngoại tệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga đang dần rời xa việc sử dụng đồng USD như một cách để tự bảo vệ mình khỏi tác động của các lệnh trừng phạt có thể nhắm vào tất cả các công ty sử dụng đồng tiền này.
Nabiullina cho biết bà nhận thấy xu hướng đối với các quốc gia đang dự trữ đa dạng hơn các loại tiền tệ, nhưng nó có khả năng thay đổi chậm. “Nó sẽ xảy ra, nhưng không nhanh lắm”, người đứng đầu NHTW Nga nhận định.
Mối quan tâm mạnh mẽ đến tiền điện tử và đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các ngân hàng trung ương về việc liệu họ có nên phát hành tiền kỹ thuật số của riêng mình hay không.
Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc phát triển tiền kỹ thuật số của riêng mình. Họ đã bắt đầu thực hiện sáng kiến này từ năm 2014. Các quan chức NHTW Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lớn ở các thành phố lớn bao gồm Thâm Quyến, Thành Đô và Hàng Châu.
J.Christopher Giancarlo, cựu Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ cho biết: “Thử nghiệm của Trung Quốc có quy mô rất lớn. Khi thế giới đến Bắc Kinh vào mùa đông tới để tham dự Thế vận hội mùa đông, họ sẽ sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số mới để mua sắm, thanh toán dịch vụ. Thế giới sẽ sớm chứng kiến CBDC hoạt động trong vòng một năm tới”.
Hiện nay Mỹ đang cố bắt kịp xu hướng này. Vào cuối tháng 2/2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Mỹ có khả năng sẽ ra mắt công chúng đồng USD kỹ thuật số trong năm nay. Và mới đây nhất, Phó Chủ tịch Giám sát của Fed ông Randal Quarles đã thông tin rằng Fed đang làm việc cùng Văn phòng kiểm soát tiền tệ và FDIC trong “một cuộc chạy nước rút” để nghiên cứu và phát triển một khuôn khổ quy định cho tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số liên quan đến các ngân hàng.
Ba cơ quan tại Mỹ hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc chạy nước rút đó.
Có thể bạn quan tâm