Việc phát triển tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) là xu thế, chắc chắn sẽ xảy ra và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện.
Tiền kỹ thuật số (KTS) do Ngân hàng trung ương (NHTW) phát hành (CBDC), được hiểu là tiền KTS chính thống, có vai trò như tiền truyền thống, nhưng ở dạng số, được phát hành và quản lý bởi NHTW. CBDC đang trong quá trình phát triển và triển khai thử nghiệm.
Đầu tháng 1/2020, BIS đã công bố kết quả khảo sát năm 2019 với 66 NHTW (21 NHTW ở các nước phát triển và 45 NHTW từ các nước mới nổi, chiếm 75% dân số thế giới và 90% GDP toàn cầu) cho thấy 70% cho biết không có ý định phát hành CBDC trong tương lai gần và 30% trả lời rằng đã tích cực chủ động chuẩn bị kế hoạch phát hành; trong đó 10% đang phát triển các dự án thí điểm. Theo đó, BIS ước tính khoảng 20% dân số thế giới có thể tiếp cận CBDC trong vòng 3 năm tới.
Xét trên góc độ toàn cầu, quá trình phát hành đồng CBDC có sự khác biệt lớn giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước mới nổi và có thể chia thành 3 nhóm: (i) Nhóm tiên phong (gồm Trung Quốc, Thụy Điển, Uruguay, Barbados, Bahamas…); (ii) Nhóm ủng hộ tích cực và đang nghiên cứu phát hành (như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Pháp, Arab Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập, Campuchia, Ecuador, Đông Caribê, Canada, Thái Lan, Singapore…); và (iii) Nhóm thận trọng xem xét bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro do CBDC mang lại đối với sự ổn định tài chính, cấu trúc ngân hàng, sự gia nhập của các tổ chức phi ngân hàng trong hệ thống tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ gồm có Mỹ, Đức, Anh, Nga…
Như vậy, việc phát triển CBDC là xu thế, chắc chắn sẽ xảy ra và đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế nhất định về mặt công nghệ, pháp lý… để chính thức vận hành tại mỗi quốc gia cũng như xuyên biên giới.
Ngoài ra, tiền KTS không chính thống do một nhóm người phát hành cũng đang phát triển nhanh. Tính đến hết ngày 15/4/2021, trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của 4.684 loại tiền KTS khác nhau với tổng giá trị vốn hóa gần 2.200 tỷ USD; trong đó, giá trị vốn hóa của 10 đồng tiền KTS phổ biến nhất đạt gần 1.930 tỷ USD (chiếm gần 90% toàn thị trường) và riêng Bitcoin chiếm đến 55% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.
Trong bối cảnh bất định, tiền KTS nói chung và Bitcoin nói riêng đang chứng kiến biến động giá lớn nhất trong lịch sử. Với đồng Bitcoin, từ thời điểm hình thành vào năm 2009 đến nay, đã có 3 đợt biến động giá mạnh vào năm 2013, 2017 và mạnh nhất là từ đầu năm 2020 đến nay. Giá Bitcoin đã tăng đến 170% trong năm 2020 dù bị giảm tới 2/3 giá trị vào tháng 3/2020 do ảnh hưởng của sự bùng phát dịch Covid-19. Trong gần 3,5 tháng đầu năm 2021, giá Bitcoin tăng thêm 37%. Đầu năm 2021, Ngân hàng JPMorgan dự báo đồng Bitcoin có thể đạt mức giá "lý thuyết" trong dài hạn 146.000USD, khi nó bắt đầu cạnh tranh với vàng; còn theo chuyên gia phân tích của Citibank, giá Bitcoin có thể lên đến 318.000USD vào cuối năm 2021 (tương tự sự gia tăng của giá vàng trong thập niên 1970). Ở mức thận trọng hơn, các chuyên gia (của Công ty Quản lý tài sản số - Morgan Creek và Quỹ SkyBridge Capital của Mỹ) cùng dự báo giá Bitcoin có thể đạt 100.000USD cuối năm 2021.
Rõ ràng sức hút của đầu cơ tiền KTS (như Bitcoin) là lớn, nhưng cũng nhiều rủi ro (như rủi ro chưa được công nhận chính thống, rủi ro pháp lý, rủi ro kỹ thuật và mất tiền, rủi ro phục vụ các hoạt động phi pháp. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia cần có cách tiếp cận phù hợp và hợp tác quốc tế trong công nhận (nếu có), quản lý, giám sát các loại tiền KTS này.
Kỳ 3: Thay đổi chính sách tiền tệ và tài khóa
*Viện Đào tạo& Nghiên cứu BIDV
Có thể bạn quan tâm
Ẩn họa từ sự sụp đổ thị trường tiền kỹ thuật số Thổ Nhĩ Kỳ
16:15, 28/04/2021
Trung Quốc lội ngược dòng với tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương
06:00, 15/04/2021
Thụy Điển tham vọng dẫn đầu châu Âu về tiền kỹ thuật số
06:00, 11/04/2021
Thái Lan quản lý đồng tiền kỹ thuật số của mình ra sao?
06:15, 06/04/2021