Chuyên đề

Các tổ chức tài chính toàn cầu nói gì về trung tâm tài chính Việt Nam tương lai?

Quân Bảo 23/05/2025 17:07

Việt Nam có thể ưu tiên xây dựng một số dịch vụ tài chính mũi nhọn để tạo sự khác biệt cho IFC của mình.

Để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, tại hội thảo “AI Định hình Tương lai Tài chính Việt Nam: Xu hướng quốc tế, Ứng dụng hiện tại và Tầm nhìn Trung tâm Tài chính Quốc tế” ngày 23/05/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia và tổ chức tài chính đã chỉ ra nhiều yếu tố cốt lõi cần được chú trọng. Từ môi trường pháp lý đến việc lựa chọn các sản phẩm tài chính trọng tâm, tất cả đều đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hành động quyết liệt.

ken.jpg
Ông Kenneth đề cao vai trò của hệ thống pháp lý

Theo ông Kenneth Atkinson – Thành viên Hội đồng quản trị Phòng Thương mại Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) - với kinh nghiệm dày dặn tại Việt Nam thì môi trường pháp lý và hạ tầng đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc thu hút các tổ chức tài chính lớn. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền, thiết lập một hệ thống mà các nhà đầu tư có thể thực sự tin tưởng và dựa vào. Ông tin rằng để IFC thực sự thành công, Việt Nam có thể tham khảo việc áp dụng luật án lệ.

Bên cạnh đó, chính sách thuế hấp dẫn là điều cần thiết. Các yếu tố khác như tính minh bạch của thị trường, đạo đức, và tính độc lập cũng là chìa khóa, và điều này trước hết được thúc đẩy bởi môi trường pháp lý. Tầm quan trọng của tích hợp toàn cầu cũng được đề cập, và ông Kenneth Atkinson cho rằng điều này cần diễn ra trên toàn bộ các lĩnh vực, không chỉ giới hạn ở nguồn nhân lực.

tyler.jpg
Ông Tyler gợi ý rằng Việt Nam nên ưu tiên xây dựng một số dịch vụ tài chính cụ thể để tạo sự khác biệt

Nhìn từ kinh nghiệm toàn cầu của tập đoàn tài chính quốc tế Apex Group trong lĩnh vực thị trường vốn, ông Tyler McElhaney – Giám đốc quốc gia Tập đoàn Apex - gợi ý rằng Việt Nam nên ưu tiên xây dựng một số dịch vụ tài chính cụ thể để tạo sự khác biệt cho IFC của mình. Đối với Apex Group, ngành quản lý tài sản là nền tảng cốt lõi. Ông Tyler cho rằng ngành này cần được hỗ trợ bởi các văn phòng gia đình (family offices) và quản lý tài sản tư nhân (private wealth).

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái hỗ trợ. Dù có khung pháp lý tốt nhất cho các nhà quản lý tài sản, nếu không có các dịch vụ hỗ trợ đi kèm, họ sẽ không đến. Tương tự, văn phòng gia đình sẽ không chọn Việt Nam làm nơi đặt trụ sở nếu yếu tố lối sống không phù hợp, khiến họ không thể đưa gia đình đến sinh sống.

Trong khuôn khổ xây dựng IFC, ông Tyler còn nêu bật việc cân nhắc mã hóa (tokenize) và số hóa (digitize) các yếu tố hạ tầng chính như tòa nhà, công trình lớn, như một cách để thu hút dòng "tiền lớn".

ross4.jpg
Ông Ross nhận định chuyển đổi số là điều bắt buộc

Từ góc độ công nghệ, ông Ross Macallister – Trưởng khối tư vấn, quản trị doanh nghiệp tập đoàn kiểm toán toàn cầu KPMG - nhận định rằng việc tận dụng công nghệ và chuyển đổi số là tuyệt đối cần thiết để định vị Việt Nam là một trung tâm tài chính và fintech trong khu vực, cũng như hội nhập tốt hơn với thị trường vốn toàn cầu. Ông chỉ ra những lợi ích tiềm năng từ việc này, bao gồm tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều cơ hội xuyên biên giới hơn, và nâng cao uy tín quốc gia. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ cũng đi kèm rủi ro, mà hai rủi ro chính là an ninh mạng (cyber security) và bảo vệ chủ quyền dữ liệu (data sovereignty).

Các tổ chức quốc tế cũng đang có những hành động cụ thể để hỗ trợ tầm nhìn IFC của Việt Nam. Ông Ross cho biết tập đoàn KPMG đang tích cực tham gia vào công tác vận động chính sách. Ông Tyler chia sẻ rằng Apex Group đang vào Việt Nam với tư cách là một nhà đầu tư, tập trung xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng để các nhà quản lý tài sản toàn cầu có thể vào hoạt động. Ông Tyler, đồng thời cũng đại diện cho BritCham, thông báo rằng BritCham, cùng với các đối tác, đã tham gia vào các nhóm công tác tư vấn phát triển IFC với chính phủ và các ủy ban nhân dân tại các địa điểm tiềm năng như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. BritCham cũng đã thành lập một nhóm công tác dịch vụ chuyên nghiệp với trọng tâm là hỗ trợ sự phát triển của IFC.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế, việc xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng, xác định các dịch vụ tài chính ưu tiên, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, tận dụng công nghệ một cách chiến lược và có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và các tổ chức trong nước lẫn quốc tế.



(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các tổ chức tài chính toàn cầu nói gì về trung tâm tài chính Việt Nam tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO