Kéo startup blockchain về Việt Nam (kỳ 1): Khai sinh trong nước, quốc tịch nước ngoài

VÂN ANH 17/06/2022 05:30

Có nhiều startup Việt với vốn hóa lên đến hàng tỷ USD, số tiền được đầu tư mỗi lần lên đến hàng trăm triệu USD, nhưng tổng tiền thuế mà Việt Nam có thể thu được từ startup này chỉ vỏn vẹn 0 đồng.

>> Bitcoin mất mốc 30.000 USD/BTC, thị trường NFT lao dốc

Việt Nam – Điểm nóng trên bản đồ blockchain thế giới

Năm 2021 là một năm đánh dấu sự thành công to lớn của lĩnh vực blockchain nói chung và các startup Việt nói riêng khi chỉ trong một năm, lượng vốn được các quỹ đầu tư đổ vào thị trường blockchain toàn cầu đạt 25 tỷ USD, tăng gần 700% so với năm 2020. Startup Việt cũng không nằm ngoài cuộc đua công nghệ này khi trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt sáng lập và có khoảng 10 startup của người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.

Axie Infinity đang là tựa game NFT bán chạy nhất mọi thời đại, vượt qua cả CryptoPunks hay NBA Top Shot. Ảnh: BitcoinNews.

Axie Infinity đạt tựa game NFT bán chạy nhất mọi thời đại, vượt qua cả CryptoPunks hay NBA Top Shot vào cuối 2021. Ảnh: BitcoinNews.

Nhắc đến thị trường Việt Nam không thể không nhắc đến điểm sáng Sky Mavis - Công ty chủ quản của tựa game Axie Infinity do đội ngũ người Việt sáng lập. Tựa game blockchain này đã từng gây sốt toàn cầu khi kêu gọi thành công 152 triệu USD từ quỹ đầu tư Andreessen Horowitz và một số nhà đầu tư khác.

Axie Infinity đã trở thành một hiện tượng công nghệ toàn cầu khi thu hút hàng trăm nghìn game thủ trên toàn thế giới và vốn hóa của đồng AXS từng đạt kỷ lục khi chạm móc 10 tỷ USD vào tháng 11/2021, đưa tựa game này trở thành tựa game blockchain đắt giá nhất mọi thời đại.

Hay có thể kể đến Kyber Network – nền tảng giao dịch phi tập trung đã huy động thành công 52 triệu USD từ 21.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ tại 100 quốc gia trên thế giới và lọt vào top 10 dự án huy động vốn bằng tiền mã hóa năm 2017.

Vào sáng ngày 28/4, token KNC của dự án Kyber Network đã đạt ngưỡng 5,66 USD, tăng gần gấp đôi tháng 3/2022 và tăng trưởng hơn 300% so với mốc đầu năm 2022. Theo CoinMarketCap, với mức tăng trưởng này cùng với 177, 8 triệu KNC đang lưu thông trên thị trường đã giúp vốn hóa của startup Việt này đạt 1 tỷ USD, trở thành startup thứ 3 của đội ngũ phát triển người Việt đạt tỷ USD.

>> Xung đột Nga - Ukraine: Giới tài phiệt Nga tránh lệnh trừng phạt bằng tiền ảo

“Tất cả những điều này khiến cho các nhà đầu tư, nhà phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới cũng đã mệnh danh là thị trường Việt Nam là một trong những thị trường nóng, rất đáng quan tâm và là điểm đến tiếp theo cho lĩnh vực blockchain và khoa học công nghệ”, bà Đoàn Kiều My – Trưởng làng Công nghệ Tiên phong Techfest Việt Nam chia sẻ.

Khai sinh Việt Nam – Quốc tịch nước ngoài

Được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng khi sở hữu cộng đồng sử dụng Internet lớn cùng với nguồn nhân lực trẻ trình độ cao tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các startup blockchain của Việt Nam đều đăng ký kinh doanh tại nước ngoài.

Nhóm sáng lập Axie Infinity với phần lớn là người Việt Nam

Nhóm sáng lập Axie Infinity với phần lớn là người Việt Nam, trụ sở ở TP HCM, đăng ký kinh doanh ở Singapore

Tiêu biểu như trường hợp của Sky Mavis, một startup Việt giúp màu cờ Việt Nam ghi danh trên bản đồ blockchain thế giới, nhà sáng lập là người Việt, đội ngũ nhân sự và văn phòng đều ở TP HCM thế nhưng đăng ký kinh doanh lại ở Singapore.

Theo ông Nguyễn Hoàng Duy – Giám đốc Marketing công ty Mirai Studio cho biết, đây không phải vấn đề mới vì từ trước đến nay không chỉ các công ty trong lĩnh vực blockchain mà các công ty công nghệ khi khởi nghiệp phần lớn đều chọn một quốc gia khác.

Với việc đặt trụ sở ở nước ngoài và hoạt động tại công ty con tại Việt Nam, các startup chỉ xử lý những công đoạn gia công cho công ty mẹ như: sửa lỗi hệ thống, thiết kế đồ họa, bổ sung tính năng... thay vì vận hành chính thức các mảng mang lại doanh thu. Trong khi đó, doanh thu chủ yếu đến từ các giao dịch mua bán vật phẩm, đơn vị tiền ảo kiếm được,... Mà những doanh thu này lại không liên quan đến hoạt động công ty con đặt tại Việt Nam.

Vì thế, không khó hiểu khi rất nhiều các startup Việt có vốn hóa lên đến hàng tỷ USD, số tiền được đầu tư mỗi lần lên đến hàng trăm triệu USD nhưng tổng tiền thuế mà Việt Nam có thể thu được từ startup này chỉ vỏn vẹn 0 đồng.

Các chuyên giá đánh giá, nếu doanh nghiệp trụ sở tại quê nhà, Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ những nguồn vốn đầu tư mà bên cạnh đó còn chú trọng đầu tư vào đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực. Bên cạnh đó còn tạo ra được một tiền đề để thế giới có đánh giá tích cực về Việt Nam khi nhắc đến lĩnh vực công nghệ nói chung và lĩnh vực blockchain nói riêng.

“Dự án đặt ở nước ngoài, chúng ta không mang được hình ảnh thương hiệu Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp, dẫn đầu về xu thế công nghệ. Đây là một dạng chảy máu chất xám khi nhân lực đến từ Việt Nam, do kỹ sư trong nước thiết kế nhưng lại mang "quốc tịch' nước láng giềng", ông Cris Duy Trần - Đồng sáng lập FAM Central, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp quốc gia, nhận định.

* Kỳ 2: Rào cản và giải pháp

Có thể bạn quan tâm

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Blockchain là cơ hội cho ngành du lịch

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Blockchain là cơ hội cho ngành du lịch

    12:27, 23/05/2022

  • Blockchain thay đổi thói quen con người

    Blockchain thay đổi thói quen con người

    13:59, 17/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Số hóa ngành du lịch bằng công nghệ Blockchain

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Số hóa ngành du lịch bằng công nghệ Blockchain

    11:33, 18/05/2022

VÂN ANH