Blockchain thay đổi thói quen con người

NGUYỄN VIỆT 17/05/2022 13:59

Blockchain có vai quan trọng có ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và góp phần thay đổi nhiều thói quen của con người.

>>Dự án blockchain “Work-to-earn” của startup Việt với mong muốn khởi tạo nền kinh tế mới

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh tại Lễ công bố và ra mắt Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam), ngày 17/5.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Ảnh: Thanh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. Ảnh: Thanh Tuấn

Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định số 343/QĐ-BNV ngày 27/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có mục đích hoạt động không trái với pháp luật, có điều lệ, có trụ sở, có con dấu và tài sản riêng.

Cơ sở dữ liệu đặc biệt

Đây là Hiệp hội được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các cá nhân và tổ chức có chung sở thích, ngành nghề và mục đích hoạt động. Hiệp hội sẽ hoạt động thường xuyên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội, hội viên và của cộng đồng blockchain Việt Nam; góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước…

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là một quá trình chuyển đổi và hình thành qua nhiều thập niên. Sự sáng tạo, trao đổi, giao dịch, lưu trữ thông tin, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế... ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng.

Cùng với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đã và đang mang lại nhiều sự thay đổi cơ bản về kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Là một phần của lĩnh vực công nghệ số, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một cơ sở dữ liệu đặc biệt để tạo ra bản ghi nhớ chính xác, không thể chối bỏ về lịch sử và nội dung các giao dịch có liên quan. Công nghệ chuỗi khối vì vậy có vai quan trọng có ảnh hưởng tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và góp phần thay đổi nhiều thói quen của con người.

Hiệp hội ra đời sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân quan tâm đến công nghệ chuỗi khối hoạt động hiệu quả hơn, ứng dụng rộng rãi và hiệu quả hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị sau Đại hội, lãnh đạo Hiệp hội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo kết quả Đại hội gửi Bộ Nội vụ để phê duyệt Điều lệ theo quy định.

Sớm ổn định tổ chức Hiệp hội; kiện toàn cơ cấu tổ chức; Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Hội; Quy chế quản lý, sử dụng con dấu của Hiệp hội; Quy chế khen thưởng, kỷ luật; các quy định trong nội bộ Hiệp hội phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra; làm tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát triển hội viên.

Bên cạnh đó, chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hiệp hội; tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội được phê duyệt và phù hợp với pháp luật; không được lợi dụng hoạt động của Hiệp hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tích cực nghiên cứu, thúc đẩy phát triển, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số ở nước ta.

Đồng thời, phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối; phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, triển khai các dự án trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ chuỗi khối, góp phần tích cực vào công cuộc  chuyển đổi số quốc gia.

Cập nhật cơ sở dữ liệu về hội trên website về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ của Bộ Nội vụ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với bộ, cơ quan quản lý nhà nước và hội cùng ngành nghề để góp phần vào việc ổn định, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

6 mục tiêu

Trước đó, ngày 16/5/2022, Đại hội thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã bầu 27 Ủy viên Ban Chấp hành, 09 Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, đặc biệt GS.TS. Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội đã được Đại hội tín nhiệm, thống nhất bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.

GS.TS. Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hội Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam).

GS.TS. Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hội Hiệp hội Công nghệ chuỗi khối Việt Nam (Hiệp hội Blockchain Việt Nam). Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: "Hiệp hội Blockchain Việt Nam cam kết góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu tư vấn xây dựng các hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain.

Trong thời gian tới đây, Hiệp hội rất mong nhận được sự tham gia và đóng góp xây dựng nhiệt tình của các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam nhằm xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh hơn nữa cả về chất và lượng". Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề ra 6 mục tiêu và hoạt động chính.

Thứ nhất, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ là nơi quy tụ những người đam mê hoặc có hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến blockchain ở Việt Nam dựa trên nguyên tắc không phân biệt đẳng cấp, địa vị, hoạt động bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam là một tổ chức kết nối giữa các thành viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, triển khai, kinh doanh công nghệ blockchain đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, Hiệp hội sẽ cùng với các thành viên cùng nhau huy động nguồn vốn tư nhân, hợp tác với một số trường đại học công nghệ liên quan có trụ sở ghiên cứu ứng dụng trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài khoa học, các nghiên cứu ứng dụng về công nghệ Blockchain và đào tạo phát triển đội ngũ kỹ sư công nghệ trong lĩnh vực blockchain.

Thứ tư, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ có nhiệm vụ, vai trờ mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng blockchain trên thế giới; tham gia các tổ chức quốc tế nhằm mục đích tăng cường hợp tác, tăng khả năng trao đổi giữa đội ngũ kỹ sư và nhà kinh doanh các nước. Từ đó góp phần xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ được tổ chức và hoạt động dựa trên sự quản lý thường xuyên của Bộ Nội vụ và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thứ sáu, Hiệp hội sẽ đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội khác giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng và tham mưu giúp xây dựng các hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc ứng dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ blockchain.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án blockchain “Work-to-earn” của startup Việt với mong muốn khởi tạo nền kinh tế mới

    02:51, 17/05/2022

  • Thiếu khung pháp lý cho blockchain: Các startup luôn cảm thấy bất an

    05:16, 03/05/2022

  • Nhiều ý tưởng khởi nghiệp với blockchain

    04:18, 21/04/2022

  • Thực trạng bảo mật trong blockchain

    15:42, 04/04/2022

  • Lĩnh vực blockchain vẫn còn nhiều hạt sạn

    04:37, 04/04/2022

  • Ứng dụng blockchain “nâng tầm” nông nghiệp

    04:00, 20/03/2022

  • Doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư vào AI, Blockchain, Metaverse?

    02:00, 03/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Blockchain thay đổi thói quen con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO