Ngân hàng và công ty Fintech bắt tay đem sản phẩm đầu tư lên app
Để đa dạng hệ sinh thái dịch vụ, một số Ngân hàng lựa chọn hợp tác với các công ty Fintech...
>>> Dragon Capital Việt Nam hợp tác MoMo: Ra mắt sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ
Trước bối cảnh công nghệ thay đổi sâu sắc đến thói quen và hành vi người dùng, nhu cầu đầu tư tích lũy qua các ứng dụng ngân hàng tăng mạnh, trở thành xu hướng tất yếu buộc ngành Ngân hàng phải số hóa để thích ứng, tạo thêm nhiều sản phẩm tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu tích lũy và đầu tư đa dạng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng thế hệ GenZ.
Nhu cầu đầu tư qua app ngân hàng tăng mạnh
Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, phần lớn người dân nhạy bén với các loại hình công nghệ và sản phẩm dịch vụ mới. Đây chính là nguồn lực thúc đẩy cho lĩnh vực ngân hàng số và fintech phát triển.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng Fintech của Việt Nam đang xếp thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore. Tổng số công ty Fintech tại Việt Nam tăng 84,5%, kể từ năm 2016. Lượng giao dịch tăng 152,8%, với 29,5 triệu người dùng fintech mới.
Xu hướng trải nghiệm các tiện ích số hóa của người dùng đặt ra thách thức buộc ngành Ngân hàng phải chủ động đổi mới công nghệ, kết nối người dùng với các sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư ngày càng mạnh mẽ.
Thống kê của Ngân hàng nhà nước, 95% ngân hàng đã và đang gấp rút xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Ước tính mức đầu tư cho chuyển đổi số tại 10 ngân hàng thương mại lớn là 15.000 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, 72% các công ty Fintech chủ động “bắt tay” với ngân hàng mang tới những sản phẩm tài chính chuyên nghiệp, bên cạnh hình thức đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm.
Để đa dạng hệ sinh thái dịch vụ, một số Ngân hàng lựa chọn hợp tác với Công ty Quản lý Quỹ mang cơ hội đầu tư tiềm năng tới nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, điển hình như ký kết hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital với các Ngân hàng như VPBank, HSBC Việt Nam, Ngân hàng số TIMO hay ký kết giữa Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu Tư Dragon Capital Việt Nam với TP Bank, Ngân hàng MSB, SeA Bank…
Việc tích hợp sản phẩm chứng chỉ quỹ lên app Ngân hàng, nhà đầu tư có thể bắt đầu lộ trình đầu tư của mình với số tiền chỉ từ 10.000đ, điều này đặc biệt phù hợp với người trẻ đang bắt đầu trải nghiệm đầu tư tích lũy.
>>>Hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển fintech
Theo một cuộc khảo sát gần đây với 4.500 thanh niên châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam cho thấy rất nhiều người trẻ quan tâm đến tích lũy và đầu tư. Trong đó, 88% người trẻ đánh giá tầm quan trọng của tiết kiệm cho tương lai và 65% đã tham gia đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hoặc những hình thức đầu tư khác nhau.
Do vậy, sự kết hợp này sẽ góp phần làm đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ của Ngân hàng, mang cơ hội đầu tư đến gần hơn với nhiều người, đặc biệt là thế hệ gen Z - nhóm dân số chiếm đến 33% lực lượng lao động của Việt Nam vào năm 2025.
Các ngân hàng quốc tế không nằm ngoài cuộc chơi
Tại Việt Nam, “sân chơi” chuyển đổi số không chỉ ghi nhận sự tham gia sôi động của hệ thống ngân hàng trong nước, nhiều ngân hàng quốc tế cũng chủ động kết hợp với công ty Fintech để đưa sản phẩm đầu tư lên ứng dụng của mình.
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô của thị trường vốn đã tăng trưởng trung bình 28,5% mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2021. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường vốn trong nhiều năm tới là động lực để ngân hàng quốc tế kết hợp cùng công ty Fintech mở rộng các sản phẩm đầu tư, tối ưu thế mạnh của đôi bên nhằm mang đến trải nghiệm đầu tư thuận tiện nhất cho khách hàng.
Gần đây nhất, hai Ngân hàng hàng đầu Hàn Quốc là Shinhan Bank và Woori Bank đã ký kết hợp tác với Fincorp - một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam để tích hợp nền tảng đầu tư quỹ mở Fmarket của Fincorp lên ứng dụng Ngân hàng.
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên app Ngân hàng, Nhà đầu tư đã có thể mở tài khoản, thực hiện giao dịch mua bán trực tiếp với hơn 30 quỹ mở (bao gồm quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu và quỹ cân bằng) của 13 công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp tại Việt Nam được phân phối bởi Fmarket. Đây cũng là nền tảng giao dịch Quỹ mở đầu tiên được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động từ năm 2018.
Trước đó, hai Ngân hàng này cũng tập trung nguồn lực để cho ra đời nhiều dịch vụ, tiện ích số. Các chuyên gia ngành Ngân hàng cho rằng, sự cạnh tranh của thị trường tài chính đặt ra thách thức cho ngành Ngân hàng nói chung, đặc biệt Ngân hàng quốc tế phải nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tăng trải nghiệm cho người dùng nếu không sẽ bị mất thị phần trong 3-5 năm tới.
Có thể bạn quan tâm