Kết nối dữ liệu để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

LÊ MỸ 16/06/2023 17:30

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

>> Phó Thủ tướng chỉ đạo 6 giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Nghiên cứu hạ tầng kết nối dữ liệu

Dữ liệu cũng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Phát biểu tại hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh – thúc đẩy phát triển xã hội” trong chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt 16/6" (sự kiện do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) phối hợp báo Tuổi trẻ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan tổ chức), Phó Thống đốc nhận định thông điệp “Dữ liệu và tích hợp dữ liệu mang lại lợi ích gì cho xã hội và người dân” ngày càng khẳng định được dấu ấn, tạo sứ mệnh lan tỏa khi ngành Ngân hàng đang tích cực trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1813 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định 749 phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại sự kiện

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại sự kiện

Ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Theo đó, hội thảo năm nay lấy “dữ liệu” là điểm nhấn, góp phần phát triển hoạt động thanh toán thông minh, thúc đẩy phát triển xã hội, qua đó tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phân tích, khai thác và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nói chung và lan tỏa thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức, trong đó phải kể đến thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.

Chính vì vậy, tại các Quyết định/ Kế hoạch của NHNN về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số đều đặt ra nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu và phát triển hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.

TP.HCM hướng đến dẫn đầu không tiền mặt 

Tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, là TP lớn, trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM rất quan tâm đến xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt và TP luôn có ý thức, có sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng này nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của TP.HCM.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: QUANG ĐỊNH Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (bìa trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: QUANG ĐỊNH Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Với tâm thế này, sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM đã tổ chức triển khai ngay. Đến nay các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại TP.HCM đã đạt 30%. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tuyên truyền rộng rãi hơn nữa.

Hiện TP.HCM đã ban hành chiến lược dữ liệu và thời gian tới sẽ triển khai để làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt.

Lãnh đạo TP.HCM cũng mong muốn lắng nghe ý kiến các ngân hàng, các chuyên gia, nhà cung ứng… gợi ý cho TP.HCM là nên làm gì để đẩy nhanh hơn nữa thanh toán không tiền mặt. TP.HCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này.

“Trong giai đoạn ban đầu hiện nay nên có các quy định bắt buộc để đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt, chẳng hạn giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Như vậy sẽ đẩy nhanh được thanh toán không tiền mặt. Lãnh đạo UBND TP.HCM luôn hoan nghênh các sáng kiến nhằm thúc đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt. Mục tiêu của TP.HCM là hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước”, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.

Những con số "biết nói"

Sau nhiều năm nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay, NHNN đánh giá, hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực. Theo công bố của Bộ Thông tin truyền thông, năm 2021 NHNN được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile-money,...) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Triển khai eKYC và xác thực thông tin tín dụng khách hàng trên cơ sở dữ liệu dân cư được xem sẽ là những bước đột phá trong củng cố, hoàn thiện nền tảng dữ liệu để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Triển khai eKYC và xác thực thông tin tín dụng khách hàng trên cơ sở dữ liệu dân cư được xem sẽ là những bước đột phá trong củng cố, hoàn thiện nền tảng dữ liệu để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành. Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng.  Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023).

Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 52,8% về số lượng; qua kênh Internet tăng 83,76% về số lượng và 2,83% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,84% và 9,47%; qua phương thức QR code tăng 161,6% và 36,62%; qua POS tăng 33,98% và 29,15%; qua ATM giảm 3,49% về số lượng và 5,45% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã ghi nhận những con số đặc biệt cho thấy sự tăng trưởng, đột phá mạnh mẽ từ trong các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

VPBank cho biết tỷ lệ khách hàng giao dịch trên ngân hàng số VPBank NEO chiếm 99% số lượng giao dịch toàn ngân hàng. Kết quả này đến từ nỗ lực không ngừng của VPBank trong đầu tư, tiên phong đưa ra thị trường các dịch vụ và giải pháp gia tăng trải nghiệm, tối ưu hơn nữa lợi ích cho khách hàng. Điển hình như ở giải pháp đi đầu thị trường trong ứng dụng công nghệ eKYC - mở tài khoản online. Tiếp đến là xây dựng ứng dụng ngân hàng số toàn năng - VPBank NEO. Ứng dụng tích hợp toàn bộ các tiện ích, tính năng của ngân hàng điện tử, áp dụng các công nghệ nhận diện sinh trắc học tiên tiến nhất giúp khách hàng giao dịch đơn giản, tiện lợi với tính an toàn và bảo mật cao. Tính đến ngày 31/5, số lượng tài khoản được mở bằng phương thức eKYC đạt hơn 3,9 triệu khách hàng. Từ khi áp dụng mở tài khoản bằng phương thức eKYC, số lượng khách hàng mới mở tài khoản eKYC tăng mạnh qua các năm. Như lượng tài khoản mở năm 2022 tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021...

Hay tại BIDV, TGĐ Lê Ngọc Lâm cho biết, hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số. Để có được con số ấn tượng này, BIDV đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Nhờ đó, 9 sản phẩm ứng dụng của BIDV vừa được vinh danh tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2023. Trong đó, ứng dụng căn cước công dân gắn chip với giao dịch số tại BIDV là sản phẩm xuất sắc được công nhận TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023 trong lĩnh vực Công dân số.Việc xác thực và đối chiếu thông tin qua căn cước công dân gắn chip giúp giao dịch tài chính của khách hàng được thực hiện đơn giản, thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và hoàn toàn tự động.Đồng thời, căn cước công dân gắn chip hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình tác nghiệp so với kiểm tra đối chiếu chứng minh nhân dân thông thường...

Theo dữ liệu được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dẫn ra, đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023), trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt 83,28%). Hai cơ quan này phấn đấu đến tháng 6/2023, hoàn thành xác thực 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng. Đây là một trong những nỗ lực và kết quả ghi nhận nỗ lực của ngành ngân hàng đã và đang tích cực triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ để ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ với nhiều sản phẩm-dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. 

Tại sự kiện năm nay, điểm nhấn sẽ tập trung Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town tại đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM (từ giao lộ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến gần chợ Bến Thành). Sự kiện diễn ra trong 3 ngày từ 16, 17 và 18/6/ 2023.

Lễ hội

Lễ hội Không tiền mặt - Cashless Town

VPBank cho biết sẽ triển hàng loạt ưu đãi Vui ngày không tiền mặt 16/6, hoàn tiền 200,000 VNĐ cho 495 chủ thẻ tín dụng VPBank chi tiêu thỏa mãn điều kiện chương trình sớm nhất, bao gồm thanh toán qua POS và Online và Ưu đãi thẻ tín dụng lên đến 30% tại các ngành hàng.

Các NHTM đã sẵn sàng cho Lễ hội không tiền mặt của TP.HCM

Lễ hội

Gian hàng của Napas thu hút khách tham gia các trò chơi liên quan đến thanh toán không tiền mặt như: ai tạo mã VietQR nhanh nhất; Trò chơi vòng quay may mắn trả lời các câu hỏi hiểu biết về thanh toán không tiền mặt như: Mã QR là gì? Cách tạo mã VietQR để thanh toán? Thẻ tín dụng nội địa là gì?... Hoặc khách hàng có thể trải nghiệm thanh toán mua các sản phẩm chất lượng như bình nước Lock&Lock, mũ lưỡi trai, túi vải canvas... với các mức giá siêu hời như 30.000 - 50.000 đồng trên một sản phẩm hoặc set quà. Công ty này cũng đã chuẩn bị hàng nghìn phần quà cho khách hàng tham gia trò chơi thú vị, qua đó, tăng trải nghiệm và tạo thói quen thanh toán không tiền mặt.

HDBank dành nhiều phần quà khi khách hàng mở tài khoản online và đăng ký sử dụng thẻ HDBank - Petrolimex với tỉ lệ gắp trúng thưởng lên tới 100%.

Visa cũng thu hút khách hàng tại gian hàng bằng thẻ Visa để mua kem Snowee với giá 16.600 đồng (trong khi giá thông thường là khoảng 60.000 đồng). Nếu khách hàng chụp ảnh miễn phí tại photobooth của Visa và đăng trên mạng xã hội với hashtag #Visa #Luônbênbạnnơibạnmuốnđến còn được tặng bộ sticker của cầu thủ bóng đá Huỳnh Như. Vào khung giờ vàng còn có chương trình Lucky draw (quay số may mắn) với giải thưởng là 10 quả bóng chính thức của FIFA Women's 2023 có chữ ký của Huỳnh Như.

Khách hàng hào hứng

Khách hàng hào hứng "check-in" trải nghiệm Tech-Drinks "chỉ với 10k"

Trong khi đó, quét mã QR tại gian hàng của Techcombank, khách hàng có thể được uống cà phê "xịn sò" với giá 10.000đ/ly...

Có thể bạn quan tâm

  • VNSIF gọi vốn cho giải pháp thanh toán không tiền mặt Truepayment

    VNSIF gọi vốn cho giải pháp thanh toán không tiền mặt Truepayment

    01:13, 09/04/2023

  • Thanh toán không tiền mặt trong du lịch

    Thanh toán không tiền mặt trong du lịch

    17:12, 03/03/2023

  • Người tiêu dùng Việt tích cực ứng dụng thanh toán không tiền mặt

    Người tiêu dùng Việt tích cực ứng dụng thanh toán không tiền mặt

    17:30, 20/12/2022

  • Mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt tăng mạnh

    Mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt tăng mạnh

    07:00, 08/12/2022

  • Đưa thanh toán không tiền mặt đến các tiểu thương

    Đưa thanh toán không tiền mặt đến các tiểu thương

    01:30, 25/07/2022

LÊ MỸ