Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ V): Ngân hàng – Fintech cạnh tranh đến xáp gần
Những thương vụ bắt tay giữa ngân hàng – Fintech ngày càng chặt hơn, qua đó sự cạnh tranh lẫn tương hỗ phát triển vẫn luôn tồn tại.
Điều này góp sức tạo nên sức mạnh tài chính bao trùm, hay còn gọi là tài chính toàn diện, như Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Fintech xuất hiện sau thời kỳ bank 2.0 và ngày càng tạo nên những “cơn bão lũ” như những phương tiện cung ứng dịch vụ thanh toán mới. Thậm chí, Fintech dần dần có khả năng tạo ra những dịch vụ thay thế ngân hàng trên quy mô toàn cầu. Điều này khiến ngân hàng bị đặt vào mối nguy nếu không nhập cuộc ứng dụng những đột phá từ công nghệ 4.0.
Câu chuyện toàn cảnh của mối quan hệ Ngân hàng- Fintech trên toàn cầu, cũng đã đến Việt Nam rất nhanh, khi Việt Nam lựa chọn chiến lược “đi tắt đón đầu”, hưởng ứng công nghệ để phát triển tăng trưởng bao trùm và tài chính toàn diện, tiến đến một nền kinh tế số.
Cách đây khoảng vài năm, mối quan hệ giữa ngân hàng-Fintech ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng. Dù rằng, sự cạnh tranh đã hiện hữu rất cụ thể. Chẳng hạn, sự xuất hiện của ví điện tử đã khiến ngành ngân hàng – với những tổ chức có thu phí các dịch vụ thanh toán hóa đơn định kỳ và hóa đơn tiêu dùng nhỏ lẻ, bị thu hẹp lại. Một số tổ chức đã phải chọn giảm thu phí dịch vụ và tìm giải pháp thay thế để giữ được tỷ trọng và thực thi định hướng tiếp tục tăng thu dịch vụ nhiều hơn và hẹp dần phụ thuộc tín dụng truyền thống.
Việc các ví điện tử kết nối với các tài khoản ngân hàng theo quy định trước khi nói đến lợi ích khai thác và mở rộng hệ khách hàng cho các bên, mặt khác, cũng tạo ra ảnh hưởng khoản tiền nhàn rỗi (vốn CASA) mà khách hàng gửi vào ngân hàng, khi không ít cá nhân chuyển tiền từ ngân hàng, bỏ sẵn ở ví điện tử cho tiện bề thanh toán.
Thậm chí, ở một số kênh thanh toán kết nối dịch vụ công, khu vực trước nay mặc nhiên có sự ưu ái hợp tác cùng những ngân hàng lớn, nhóm “big four” với lợi thế “có vốn Nhà nước” cộng hưởng cùng sự hiện diện ở hầu hết mọi địa phương tỉnh thành, cũng bị ví điện tử “tấn công” chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số phương tiện kết nối thanh toán quốc tế, ví dụ mua bảo hiểm quốc tế trên những chuyến bay quốc nội, mua các gói du lịch nội địa lẫn quốc tế trên các trang bán gói du lịch nổi tiếng toàn cầu với ưu đãi và khuyến mãi liên tục, ngoài sự kết nối của các thẻ thanh toán quốc tế, sự hiện diện của ví điện tử cũng hữu hiệu và linh hoạt hơn hẳn so với sự kết nối của các phương tiện thanh toán điện tử khác từ ngân hàng như tài khoản internet banking, mobile banking.
Dù vậy, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc VISA tại Việt Nam và Lào, vẫn nhận định rằng trong xu thế phát triển của Fintech, các ngân hàng sẽ không nhìn về hướng cạnh tranh mà cần phải phối hợp, bắt tay để tạo ra một hệ sinh thái tài chính rộng lớn, toàn diện, phục vụ và khai thác thị trường.
Điều dự báo này đã thực sự xảy ra. Ngày càng có nhiều thương vụ bắt tay giữa Ngân hàng – Fintech, với sự hiện diện của loại hình thanh toán ứng dụng công nghệ số đa dạng hơn. Một loại các ngân hàng đã kết nối với nhóm ví điện tử có thị phần lớn như MoMo, VNPay. Ví điện tử “light” giữ e-wallet và ngân hàng số Timo dịch chuyển từ sự hợp tác VPBank về với VietCapital Bank...
Cho đến hiện tại, nhìn nhận một cách định tính trong nhóm các ngân hàng nhỏ chiếu dưới, VietCapital Bank đã và đang là ngân hàng có sự “cựa quậy” mạnh hưởng ứng số hóa để nỗ lực thay đổi, và cuộc bắt tay sở hữu một phần Timo dự kiến sẽ mang đến thay đổi ngoạn mục cho tổ chức này. Một số các ngân hàng khác cũng đã bắt tay những “ví ngoại”, điển hình như HDBank hợp tác với TrueMoney – một trong 3 Fintech được đánh giá tốt nhất trên thị trường Đông Nam Á. Hay LienVietPostBank mới đây đã hợp tác với SmartPay (mà trước đó Fe Credit, VietCapital Bank. CIBM Bank cũng đã triển khai vụ bắt tay cùng đối tác này).
Nói về mối quan hệ, bắt tay giữa ngân hàng - Fintech, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch LienVietPostBank thẳng thắn cho biết việc hợp tác với Smart Pay là để giúp mở rộng khai thác data khách hàng của các bên, đặc biệt khi Smart Pay có sự tăng trưởng mạnh về đối tượng khách hàng khu vực tiểu thương. Cùng với đó là nhóm khách hàng chuyển kiều hối về Việt Nam rất lớn, nhất là từ khu vực Bắc Mỹ.
Khẳng định dù có thể khai thác chung đối tượng, cung cấp cùng dịch vụ hoặc tương hỗ cho các dịch vụ của nhau giữa ngân hàng- Fintech, Chủ tịch SmartPay Marek E. Forysiak cũng nói rằng: "Thị trường tài chính của Việt Nam còn có quá nhiều dư địa, có thể ví như một đại lộ thênh thang trong khi đó, mỗi một dịch vụ Fintech hay ngân hàng chỉ là vài con đường ngách". Ông Marek E. Forysiak kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều loại hình Fintech cung cấp dịch vụ tài chính hiện đại, đa dạng, ví dụ như sự xuất hiện đang được cho sẽ rất mới mẻ tới đây là Mobile Money - loại hình mà ví điện tử không nên "e ngại cạnh tranh". Cùng với đó, sự hợp tác, ngày càng “xáp gần” giữa ngân hàng và Fintech, theo Marek E. Forysiak, đã và sẽ tiếp tục mang đến hỗ tương cần thiết cho một thị trường tài chính phát triển, mang lại lợi ích phục vụ toàn diện cho người dùng.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ IV): Lực đẩy từ mobile money
06:00, 28/09/2020
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Fintech- "cú hích" thúc đẩy tài chính toàn diện
06:00, 26/09/2020
Phát triển tài chính toàn diện (kỳ III): Rút ngắn bất bình đẳng xã hội
11:02, 22/09/2020
Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ II): "Đòn bẩy" từ công nghệ số
11:30, 21/09/2020
Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ I): Kinh nghiệm từ các quốc gia
06:00, 18/09/2020