Giao dịch liên kết (kỳ IV): Áp dụng điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng
Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, có một số bước không thể thiếu trong thực hiện giao dịch liên kết, dưới sức ép của COVID-19, trong đó có việc áp dụng điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng.
Báo cáo về chuỗi giao dịch liên kết của Deloitte đề cập các bước cơ bản về thực hiện giao dịch liên kết trong tái cấu trúc tập đoàn, công ty, đặc biệt khi khủng hoảng bởi COVID-19 đang quét qua thế giới.
Một số bước tiếp theo được đề cập, hoàn thiện sau khi phân tích chi tiết về giá chuyển nhượng; Điều chỉnh giá chuyển nhượng; Xem xét/ điều chỉnh cấu trúc tập đoàn... là xem xét/điều chỉnh các hợp đồng giao dịch liên kết; Áp dụng điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng giao dịch liên kết.
Điều chỉnh các hợp đồng giao dịch liên kết
Đánh giá chuyên sâu lại các hợp đồng giao dịch liên kết hiện có (dù đã được hoặc không được cụ thể hóa bằng một hợp đồng chính thức) là cần thiết nhằm xác định liệu một hợp đồng có cần được xem xét/điều chỉnh trong điều kiện khủng hoảng hiện tại. Việc điều chỉnh hợp đồng nên phản ánh kết quả phân tích. Thêm vào đó, đối với các hợp đồng tài chính, liệu các chính sách giá này có cần được xem xét lại khi môi trường kinh doanh đang cực kỳ biến động và không thể lường trước?
Chẳng hạn, khoản vay lớn hoặc mức lãi suất cao hơn mặc dù có thể giúp Tập đoàn tuân thủ theo nguyên tắc giá giao dịch độc lập, nhưng cũng đồng thời đặt bên đi vay vào tình trạng chịu áp lực tài chính cao hơn và chịu rủi ro vượt mức cho phép. Tương tự, các chính sách giá trong tương lai cũng cần tham khảo đến dự báo thị trường sau COVID-19. Điều này giúp trình bày rõ ảnh hưởng của đại dịch. Một phần phân tích ngành chi tiết cũng góp phần giải thích các ảnh hưởng của đại dịch đối với ngành hoạt động của công ty.
Áp dụng điều khoản bất khả kháng
Điều khoản bất khả kháng trong một hợp đồng giao dịch liên kết quy định các trường hợp/ điều kiện nằm ngoài khả năng kiểm soát của các bên, có khả năng làm cho việc thực hiện hợp đồng gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Nếu các điều khoản này được áp dụng, bên phát sinh sự kiện bất khả kháng có thể đình chỉ, trì hoãn hoặc được miễn thực hiện trách nhiệm mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào. Một vài điểm lưu ý khi thực hiện phân tích giá chuyển nhượng và phân tích so sánh được tóm tắt như sau:
Việc đánh giá mức trọng yếu liên quan tới ảnh hưởng của COVID-19 để công ty áp dụng các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng giao dịch liên kết hay không cần một phân tích thông tin cụ thể về hoạt động kinh doanh của công ty và phân tích này cũng cần được ghi nhận phù hợp và đầy đủ.
Ngoài ra, cũng cần xem xét khoảng thời gian công ty không thể thực hiện nghĩa vụ của mình theo như hợp đồng giao dịch liên kết. Ví dụ, trong trường hợp hợp đồng dài hạn nhưng ảnh hưởng của đại dịch khiến một bên không thể thực hiện nghĩa vụ trong ngắn hạn, liệu đã có đủ điều kiện để thực hiện các điều khoản bất khả kháng?
COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thay đổi nhân công, gián đoạn hoạt động kinh doanh và suy giảm lợi nhuận hoặc phát sinh lỗ. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh, có thể sẽ phát sinh các trường hợp không thể thực hiện hợp đồng, do đó, cần áp dụng điều khoản bất khả kháng. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách cẩn trọng trong từng trường hợp xem tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh do đại dịch gây ra có đủ để thực hiện các điều khoản bất khả kháng. Thêm vào đó, việc giảm lợi nhuận hoặc lỗ không thể là lý do dẫn tới việc thực hiện các điều khoản bất khả kháng do đây là nghĩa vụ thực hiện hợp đồng và không đảm bảo một mức lợi nhuận cố định.
Một số lưu ý: Câu hỏi muôn thuở là liệu việc đàm phán lại các điều khoản đã được ký kết giữa các bên liên kết (bằng cách áp dụng các điều khoản bất khả kháng) có tuân theo nguyên tắc giá giao dịch độc lập? Để trả lời vấn đề này, chúng ta cần phải phân tích đâu là phản ứng của các bên độc lập với các điều kiện tương đồng? Liệu các bên độc lập có đàm phán lại hợp đồng theo cách thức tương tự không? Và đôi khi, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng theo hướng tiếp cận mới (ví dụ như một hợp đồng mới phản ánh các áp lực thương mại do COVID-19 gây ra) có thể đem lại hiệu quả tốt hơn việc đàm phán lại hợp đồng hiện có.
Thực hiện thu thập chứng từ bổ trợ
Nếu ảnh hưởng của COVID-19 đòi hỏi phải thay đổi chính sách giá chuyển nhượng, các chuỗi cung ứng trong tập đoàn, phương pháp định giá..., đây là thời điểm tốt để chuẩn bị các hồ sơ chứng từ hỗ trợ cho quá trình thanh kiểm tra. Sẽ rất hữu ích nếu công ty có thể ghi nhận lại các áp lực thương mại gây ra bởi COVID-19 (và các phân tích liên quan tới thuế/giá chuyển nhượng), như sụt giảm về đơn đặt hàng, gián đoạn nguồn doanh thu, gián đoạn chuỗi cung ứng truyền thống, chi phí phát sinh do công suất nhàn rỗi… trên cơ sở thời gian thực tế phát sinh dưới hình thức email, biên bản họp hoặc các ghi chú/báo cáo. Việc chủ động thu thập thông tin này sẽ tiết kiệm thời gian và nỗ lực của công ty trong các cuộc thanh/kiểm tra thuế trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Sức ép tái cấu trúc nợ ở PNJ
11:30, 25/08/2020
Tái cấu trúc doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng COVID-19
04:00, 21/08/2020
Blockchain có thể thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế hậu COVID-19
05:30, 19/08/2020
Tái cấu trúc để doanh nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ
08:38, 23/05/2020
Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử
11:20, 03/06/2020