Dù hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) chưa cao, nhưng tạo sức ép cho doanh nghiệp này tái cấu trúc nợ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020, lũy kế 6 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu 7.746 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 439,9 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Mảng bán buôn của PNJ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh khi xuất khẩu phải đối mặt với sự gián đoạn kể từ quý 1/2020. Ngoài ra, khách hàng mua sỉ đã giảm trữ hàng trong bối cảnh giá vàng tăng cao kỷ lục.
439 tỷ đồng là tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế bán niên 2020, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, doanh số trang sức bán lẻ được kỳ vọng sẽ ổn định trong nửa cuối 2020 sau khi PNJ mở lại tất cả các cửa hàng và triển khai nhiều chiến dịch ưu đãi, giúp doanh thu mảng bán lẻ trang sức tăng trưởng tích cực. VNDIRECT kỳ vọng phân khúc bán lẻ của PNJ sẽ tiếp tục có sự phục hồi nhẹ trong nửa cuối 2020. Theo đó, PNJ sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 1,3%, nhưng lợi nhuận ròng giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự phóng nói trên dựa trên cơ sở doanh thu trên mỗi cửa hàng vàng dự kiến sẽ giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi đó, doanh thu trên mỗi cửa hàng bạc sẽ giảm 20% trong năm 2020 trước khi đạt mức tăng hàng năm là 2,0%/năm.
Trong những năm gần đây, PNJ chi mạnh cho việc tăng hàng tồn kho, nên PNJ phải gia tăng nợ vay để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và nhu cầu chi đầu tư mua sắm tài sản cố định. Số tiền đi vay năm 2018 hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 1.209 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2019, số tiền đi vay cũng xấp xỉ bằng năm 2018. Điều này cho thấy, PNJ đang tận dụng đòn bẩy tài chính để vừa mở rộng quy mô, vừa tăng vốn vay tài trợ cho tồn kho.
Một chuyên gia tài chính ví von mô hình hoạt động của PNJ không khác gì các công ty bất động sản. Tài sản chủ yếu hình thành trên nợ vay. Tính đến hết quý 2/2020, tổng nợ phải trả của PNJ giảm nhẹ xuống mức 3.461 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ tăng nhanh trở lại nếu PNJ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng của mình. Nhiều chuyên gia nhận định, số lượng cửa hàng mở mới của PNJ sẽ nhiều hơn số lượng cửa hàng đóng cửa, nên tổng số cửa hàng của PNJ có thể sẽ tăng lên 360 cửa hàng vào cuối năm 2020.
Giá vàng tăng mạnh có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận trang sức của PNJ trong quý 3 nhờ giá vốn hàng tồn kho thấp. Tuy nhiên, nhu cầu về các sản phẩm trang sức sẽ giảm khi thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do vậy, tái cấu trúc nợ vay là một thách thức không nhỏ đối với PNJ.
Ông Nguyễn Văn Hải- Tổng Giám đốc AVA cho rằng, gia tăng nợ vay là một lựa chọn hợp lý với PNJ trong bối cảnh nợ phải trả vẫn đang ở dưới mức vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, thì PNJ phải cân nhắc tăng nợ phải trả. Bởi về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải luôn thực dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trang trải nợ vay… Nếu không, doanh nghiệp có thể mất cân đối trong tài chính.
“Nếu không thực hiện tái cấu trúc nợ, các doanh nghiệp nói chung và PNJ nói riêng đang có vấn đề về vay nợ sẽ khó thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp hoặc cải thiện hoạt động kinh doanh của mình, mặc dù có tiềm năng phát triển. Ngoài ra, mục đích của việc đạt được mức nợ vay bền vững là cân bằng lợi ích của các nhóm lợi ích khác nhau của doanh nghiệp (bao gồm các bên cho vay, nhà cung cấp, nhân viên và cổ đông)”, ông Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm