Cho vay trực tiếp: Cần sự bắt tay giữa Quỹ và Ngân hàng
"Cho vay tín chấp là rất khó khăn, còn cho vay trung và dài hạn thì “đêm dài lắm mộng”, chúng tôi rất tâm huyết muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng nhiều khi không dám cho vay"...
Đó là chia sẻ của một lãnh đạo Quỹ đối với việc hợp tác, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn.
Theo đó, mặc dù quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi thành lập được kỳ vọng trở thành một kênh tiếp cận vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế, nhưng thực tế triển khai không thể có bộ máy đầy đủ như ngân hàng và còn nhiều bất cập.
Theo ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Viện phó Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc trực tiếp với SME, ông Hoè cho rằng nếu hỗ trợ nhưng yêu cầu tất cả khoản vay phải có tài sản đảm bảo thì rất khó cho doanh nghiệp. Ông đề nghị quỹ phát triển DNNVV có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cho vay tín chấp hoặc nhận tài sản đảm bảo bằng các tài sản hình thành từ vốn vay.
Tuy nhiên, ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã – cũng là một trong các quỹ ngoài ngân sách hoạt động tương tự quỹ phát triển SME lại cho rằng, mặc dù quy định hiện nay cho phép các quỹ tài chính ngoài ngân sách được cho vay cả theo tín chấp hoặc có tài sản đảm bảo. Song, phải nhìn nhận vào thực tế ở các DNNVV là nguồn lực tài chính có hạn, dự phòng kém, năng lực quản trị thấp, tính minh bạch không cao và báo cáo tài chính không theo quy định, thậm chí các báo cáo tài chính không chính xác khi báo cáo thuế. Với các doanh nghiệp lớn có thể thuê kiểm toán độc lập, còn với DNNVV thì không có đủ chi phí cho những việc đó.
“Chính vì vậy, cho vay tín chấp là rất khó khăn, còn cho vay trung và dài hạn thì “đêm dài lắm mộng”, chúng tôi rất tâm huyết muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng nhiều khi không dám cho vay, vẫn phải dựa vào các tài sản đảm bảo”, ông Bằng cho biết.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Bằng nêu ra một số điểm nhấn như: Để quỹ vận hành đảm bảo phải cẩn thận từ khâu thẩm định, khi triển khai cho vay nên thí điểm với quy mô nhỏ và số vốn ít và cần thêm thời gian đào tạo, mở rộng. Kế đó, quỹ nên dựa vào các đầu mối tại địa phương như hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, phòng kinh tế các huyện để quản lý thông tin, nắm bắt các vấn đề trong điều kiện quỹ không có phòng giao dịch tại từng địa phương đó.
Ngoài ra, quỹ có thể uỷ thác từng phần trong quá trình cho vay, như thuê các tổ chức tín dụng, ngân hàng để thu hộ, chi hộ, quản lý dòng tiền nhằm tránh rủi ro. Sau này khi áp dụng cho vay trên diện rộng, cần phải mở các chi nhánh theo miền, theo khu vực, hiện đại hoá công nghệ thông tin, nâng cao giải pháp quản trị rủi ro và an toàn vốn mới đảm bảo sự phát triển lâu dài của quỹ.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu quỹ phát triển DNNVV chuyển đổi sang mô hình cho vay trực tiếp thì không thể áp dụng nguyên tắc bảo toàn vốn. Bởi lẽ bảo toàn vốn chính là nếu Chính phủ giao cho quỹ 2 nghìn tỷ đồng thì quỹ phải bảo đảm được 2 nghìn tỷ đồng đó và nếu thất thoát có thể sẽ bị hình sự hoá.
“Trong khi nguyên tắc của tín dụng cho vay là phải có rủi ro, vì vậy tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên áp dụng nguyên tắc khác cho các quỹ khi chuyển đổi sang cho vay trực tiếp là an toàn vốn giống như ngân hàng. Trên tinh thần đó, áp dụng các tiêu chí của Thông tư 41/2016/TT-NHNN và những tiêu chí của Luật các Tổ chức tín dụng cho các quỹ, từ việc không thể cho vay quá 15 % vốn tự có của mình cho một tổ chức kinh tế, một doanh nghiệp và tất cả các bên liên quan không quá 25 %”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Mặt khác, có một số nguyên tắc không thể áp dụng như nguyên tắc dư nợ tín dụng trên huy động không quá 80%, vì các quỹ không được huy động vốn; hay nguyên tắc không thể dùng 40 % huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nhưng bên cạnh đó các quy tắc về hệ số rủi ro và các quy định của Ngân hàng Nhà nước về cho vay phải được áp dụng cho các quỹ. "Hiện nay, quỹ cho vay trực tiếp cũng tương tự như tất cả các ngân hàng chỉ trừ phần huy động. Vì vậy Chính phủ nên quan tâm vấn đề đó để đưa các quy định vào quỹ như một tổ chức tín dụng, trừ phần huy động", chuyên gia nói.
Thậm chí cả vấn đề thanh tra ngân hàng cũng cần được áp dụng và được tham gia vào chương trình của CIC - Trung tâm thông tin của Ngân hàng Nhà nước, để nắm bắt được ngoài kia có bao nhiêu doanh nghiệp nợ xấu, nợ tốt thế nào, việc thẩm định và cho vay sẽ hiệu quả hơn.
Ngược lại, bà Đỗ Thị Bích Mai, đại diện ngân hàng VietinBank lại cho rằng, quỹ được hiểu như một tổ chức với hoạt động phi lợi nhuận và quy mô nhỏ, nếu áp dụng hết các mô hình kiểm soát như một tổ chức tín dụng cũng tốt, nhưng như vậy hành lang pháp lý sẽ bị ràng buộc quá chặt.
“Lấy ví dụ tại VietinBank, chúng tôi cũng xây dựng quỹ và gọi đó là “công ty tài chính vi mô”, hoạt động phi lợi nhuận, liên kết với các liên đoàn lao động và cho vay rất hiệu quả. Khi chỉ là tổ chức tài chính vi mô thì quỹ sẽ tận hưởng được hệ thống hàng rào kiểm soát của ngân hàng và cũng tham gia được vào CIC mà không chịu ràng buộc về những quy chế quá chặt chẽ của tổ chức tín dụng, như vậy sẽ dễ hoạt động hơn và thân thiện với các đối tượng vay hơn”, Bà Mai nói.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng Nhà nước hoàn thành kết nối 2 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia
11:00, 19/01/2021
Ngân hàng phụ thuộc bên thứ ba, rủi ro khách hàng chịu?
13:30, 18/01/2021
Bancasurrance khiến các ngân hàng giàu sụ
05:43, 11/01/2021
Ngân hàng lãi lớn nhìn từ Big 3
06:00, 09/01/2021
“Chạy đua” ngân hàng tiền kỹ thuật số
05:00, 03/01/2021
Cổ phiếu ngân hàng cổ phần tư nhân "dẫn sóng"
04:37, 31/12/2020