Yêu cầu giảm lãi, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế là một phần nguyên nhân giảm thu nhập của các ngân hàng. Thực chất, mức độ chia sẻ và giảm tới đâu?
Trong bức tranh kinh tế tích cực và may mắn của 2020, nhiều ngành kinh doanh khá khó khăn. Ví dụ trước hết như du lịch, hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng và các khu vực dịch vụ -thương mại gắn cùng du lịch…Ngược lại, cũng có những ngành vẫn ăn nên làm ra. Điển hình là chứng khoán và ngân hàng.
Nếu như ngành chứng khoán lãi lớn và thăng hoa theo sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trên chỉ số, giá trị giao dịch bình quân phiên liên tiếp nhắm mốc cao, thì ngành ngân hàng cũng đang báo lãi lớn trong năm qua, bất chấp COVID-19 và các đối tượng khách hàng chung của ngành hầu hết khó khăn.
Trong nhóm big 3 các ngân hàng niêm yết (tạm không tính Agribank), dẫn đầu về báo lãi khủng và thậm chí “gây sốc” với thị trường mới đây là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (HoSE: CTG).
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm của VietinBank, năm 2020, các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đều đạt và vượt, tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng hiệu quả kinh doanh lớn hơn nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng quy mô năm thứ 3 liên tiếp. Dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 7,7% so với 2019. Huy động vốn cân đối tối ưu với tăng tín dụng, giảm chi phí, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế tăng khủng đạt 16.450 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Với con số lợi nhuận vừa công bố, VietinBank đã ghi kỷ lục về mức tăng trưởng lợi nhuận (43,5%) trên toàn hệ thống xét trên các ngân hàng đã tạm thời ước công bố kết quả kinh doanh năm. Đáng chú ý, ngân hàng có tăng trưởng thu nhập ngoài lãi tốt, chiếm 20,1% tổng thu nhập hoạt động. Có nghĩa rằng gần tới 80% tỷ trọng còn lại đóng góp trong tổng thu nhập hoạt động của VietinBank là thu nhập lãi, một tỷ trọng khá cao cho thấy phần lớn động lực tăng trưởng và đóng góp cho lợi nhuận khủng của VietinBank đến từ hoạt động cho vạy. Đây là một kết quả rõ ràng đã tạo hiệu ứng ngoài dự đoán với giới đầu tư và “con tàu” cổ phiếu CTG lập tức rùng rùng chuyển động.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (HoSE: VCB), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này ước tương đương năm ngoái, đạt 23.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của ở mức tốt nhất trong các ngân hàng lớn đạt 14% và chủ yếu tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. Các chỉ số nợ xấu thấp 0,6% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt tới 380%.
Tăng trưởng tín dụng tốt nhưng lợi nhuận không tăng, đây là lần đầu tiên sau 5 năm, Vietcombank không ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận. Vietcombank cho biết nguyên do là đã giảm lãi suất tới 5 lần trong năm, số tiền giảm là 3.700 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong khi đó, một đại diện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HoSE: BID) cho biết với hơn 80,99% cổ phần/ vốn điều lệ thuộc về cổ đông Nhà nước, BIDV đã rất tích cực triển khai các chương trình theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo đó, ngân hàng đã đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Kết quả 2020 của BIDV ước ghi lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019, lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%.
Như vậy, trở lại với kết quả kinh doanh lãi lớn đột biến, câu hỏi đặt ra vẫn là: Việc ghi nhận lợi nhuận lớn của ngân hàng trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, đến từ yếu tố nào? Kết quả giảm thu nhập của ngân hàng nói chung để chia sẻ với nền kinh tế, có chia sẻ thực chất tới đâu? Hay như chính Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã cho rằng năm qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng nọ kia nhưng thực chất chỉ là hô hào mạnh còn triển khai lại rất mờ nhạt. Và Phó Thống đốc phải yêu cầu tinh thần hỗ trợ "một miếng khi đói bằng một gói khi no", hơn lúc nào hết ngân hàng cần giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng. Đây cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngành ngân hàng đầu năm 2021 đã đặt ra, yêu cầu các ngân hàng phải giảm lợi nhuận, chia sẻ thực chất với nền kinh tế trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của DĐDN về lợi nhuận lớn 2020 và yếu tố chia sẻ với nền kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết VietinBank là trường hợp lợi nhuận đột biến duy nhất nổi lên trong nhóm big four. Vì vậy hiện NHNN đang có yêu cầu VietinBank báo cáo, NHNN sẽ làm rõ thông tin.
Có thể bạn quan tâm