Một số doanh nghiệp trên thế giới đã và đang xúc tiến thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số.
Nhiều chuyên gia nhận định điều này sẽ dẫn tới làn sóng chạy đua thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số trong thời gian tới. Phóng viên DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Phùng Trang – Tổng giám đốc Sàn giao dịch Tiền kỹ thuật số Bvnex.com về vấn đề này.
- Bà đánh giá như thế nào về việc BitPay vừa nộp hồ sơ xin thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số ở Mỹ?
Năm 2020, đặc biệt là nửa cuối 2020, ngành công nghiệp Blockchain nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng đã đón nhận nhiều tin tốt, trong đó phải kể đến các ngân hàng lớn trên thế giới, như JP Morgan, Goldman Sach… đã đưa ra những bình luận có lợi cho sự phát triển của bitcoin. Thêm vào đó, ngân hàng DBS- ngân hàng hàng đầu Châu Á, cũng công bố sẽ cung cấp dịch vụ liên quan đến giao dịch mua/bán bitcoin và một số topcoin khác.
Hiện nay, Mỹ đã đưa một số điều luật mới mở cho các ngân hàng cung cấp một số dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số. Thêm vào đó, các tổ chức không phải ngân hàng mà cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số đều phải xin giấy phép hoạt động ở mỗi tiểu bang khác nhau. Vì vậy, việc Bitpay xin cấp phép thành lập ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ được hiểu như sau:
Thứ nhất, thế giới sẽ có ngân hàng đầu tiên chuyên phục vụ khách hàng quan tâm đến tiền kỹ thuật số, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh cho Bitpay.
Thứ hai, các dịch vụ do Bitpay cung cấp sẽ không cần phải xin giấy phép của từng tiểu bang.
Thứ ba, Bitpay sẽ trở thành ngân hàng dễ dàng tương thích và hợp tác với những tổ chức đang hoạt động/ cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như Paypal, các đơn vị phát hành USD Stablecoin hợp pháp, sàn giao dịch Coinbase…
Sau động thái này của Bitpay, chắc chắn Mỹ sẽ tập trung nghiên cứu các điều luật liên quan đến Fintech, hoặc có thể trong nay mai sẽ có cái gọi là “Ngân hàng tiền kỹ thuật số tín thác Quốc gia".
Một khi đã có ngân hàng chuyên phục vụ khách hàng quan tâm đến tiền kỹ thuật số, phục vụ các đối tác/ tổ chức hoạt động/ cung cấp dịch vụ liên quan thì có thể sẽ dẫn tới cuộc chạy đua ngân hàng tiền kỹ thuật số trong thời gian tới.
- Theo bà, một ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ có cơ chế hoạt động ra sao? Thách thức đối với ngân hàng này là gì?
Điều kiện đầu tiên để ngân hàng tiền kỹ thuật số hình thành là sự ổn định giá của đồng bitcoin. Tuy nhiên trên thực tế, giá bitcoin đang dao động quá mạnh và nhanh. Điều này sẽ đặt ra thách thức rất lớn đối với ngân hàng tiền kỹ thuật số trong việc nhận bitcoin nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung làm tài sản đảm bảo… Theo tôi, để giá bitcoin ổn định thì sẽ cần thêm thời gian.
Một khi ngân hàng tiền kỹ thuật số ra đời thì việc quan trọng nhất cần giải quyết được, đó là cho vay ngang hàng, người dư vốn và người cần vốn sẽ giải quyết được nhu cầu nhanh chóng và kịp thời hơn, tránh được các khâu thủ tục rườm rà.
Ngoài ra, ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ cần nhiều loại hình công nghệ như Blockchain, AI, Bigdata… và giảm thiểu nhiều về chi phí nhân công vận hành.
- Ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ có triển vọng ra sao trong tương lai, thưa bà?
Theo tôi, ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ phụ thuộc vào động thái công nhận tiền kỹ thuật số nói chung và bitcoin nói riêng của các nước. Trên thực tế, có khá ít quốc gia hoàn thành triệt để khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số. Tôi hy vọng trong vài năm tới chúng ta sẽ thấy Mỹ, Singapore, Thuỵ Sỹ… là những nước đầu tiên có khung pháp lý rõ ràng về tiền kỹ thuật số.
- Theo bà, ngân hàng tiền kỹ thuật số sẽ tác động ra sao tới thị trường tài chính thế giới?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, sẽ cần thêm thời gian để ngân hàng tiền kỹ thuật số chính thức đi vào hoạt động. Nếu có, thì tốc độ quay vòng dòng tiền và thúc đẩy kinh tế sẽ rất mạnh mẽ vì người cần vốn hoặc cần vay sẽ tiếp xúc được nguồn vốn một cách kịp thời. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cũng một phần bắt nguồn từ tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng, vì vậy tôi nghĩ cần kiểm soát chỉ số này nếu ngân hàng tiền kỹ thuật số ra đời.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm