Hiện nhiều NHTW lớn trên thế giới rất quan tâm tới tiền kỹ thuật số, thậm chí Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) còn lên kế hoạch chuẩn bị phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Cuộc đua tiền kỹ thuật số
Trước đây, các NHTW không mấy quan tâm tới các đồng tiền ảo, bởi số lượng các đồng tiền này là hữu hạn và phạm vi sử dụng cũng hạn chế. Hơn nữa, việc giá trị biến động liên tục với cường độ rất lớn càng khiến cho các đồng tiền này khó được sử dụng rộng rãi.
Thế nhưng, quan điểm của các NHTW đã thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời của các đồng tiền ảo có giá trị ổn định (stablecoin), đặc biệt khi Facebook dự định phát hành đồng Libra – một đồng tiền ảo dạng stablecoin với sự tham gia của khá nhiều tên tuổi lớn. Sở dĩ như vậy là do nếu được phát hành, Libra có thể làm thay đổi hệ thống tiền tệ thế giới và đe đọa đến vai trò hiện nay của các NHTW.
Mặc dù phản đối mạnh mẽ Libra, song nhiều NHTW cũng thừa nhận, nếu không nhanh chóng tiếp cận, họ sẽ bị thua trong cuộc đua công nghệ hiện nay. Thậm chí không ít NHTW đã lên kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Trong đó, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới vào ngày 26/10 vừa qua để điều chỉnh các quy định đối với công nghệ blochkchain và tiền điện tử để mở đường cho sự xuất hiện của đồng tiền kỹ thuật số của nước này.
Theo dự kiến, đồng tiền số của PBoC có thể được phát hành thông qua hệ thống hai cấp: cấp 1 là NHTW chỉ phát hành đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cho các ngân hàng thương mại, sau đó các ngân hàng này sẽ phát hành thêm cho công chúng. Bên cạnh đó, đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc cũng được quản lý theo mô hình tập trung, trái ngược với các đồng tiền ảo hiện nay, để ngăn chặn việc phát hành quá mức và đảm bảo khả năng quản lý của PBoC.
Tuy nhiện, hiện vẫn chưa rõ đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có sử dụng công nghệ blockchain hay không. Theo ông Mu Changchun, Vụ phó Vụ thanh toán PBoC, lúc đầu Trung Quốc nghiên cứu xây dựng một nguyên mẫu trên cơ sở hạ tầng blockchain, nhưng sau đó gặp phải vấn đề về khả năng mở rộng. “Vì chúng tôi sẽ sử dụng tiền tệ kỹ thuật số để thay thế tiền mặt, do đó để đạt được sự chấp nhận ở cấp độ bán lẻ, vấn đề đầu tiên không thể bỏ qua là nhu cầu đối với các giao dịch khối lượng lớn”, ông Mu Changchun cho biết.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 22/11/2019
00:25, 15/08/2019
03:16, 02/07/2019
02:03, 06/09/2019
15:38, 28/08/2019
Cách tiếp cận của Việt Nam
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa hội đủ điều kiện, cả về hạ tầng công nghệ lẫn hành lang pháp lý cho việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Thậm chí TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để theo kịp xu hướng phát triển các sản phẩm thanh toán trên thế giới, việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là thực sự cần thiết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định pháp lý hiện hành để phát triển các sản phẩm thanh toán cung cấp dưới dạng tiền điện tử và tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử.
Với tinh thần đó, tại Dự thảo Nghị định quy định định về thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP, khái niệm “tiền điện tử” lần đầu tiên được đề cập một cách khá chi tiết.
Cụ thể, tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng. Các hình thức của tiền điện tử bao gồm: ví điện tử, thẻ trả trước, tiền di động. Đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).
Dựa trên định nghĩa này có thể hiểu, tiền điện tử được quy định tại Dự thảo trên khác biệt về bản chất với các đồng tiền ảo đang lưu hành trên thế giới như bitcoin, etherium...
Thứ nhất, tiền điện tử là một là một hình thái biểu hiện trên môi trường điện tử của đồng tiền pháp định nên nó có địa vị của đồng tiền pháp định. Trong khi các đồng tiền ảo là đồng tiền phát minh, không có đơn vị tiền pháp định nên cũng không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ và cũng không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, tổ chức phát hành tiền điện tử được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; cung tiền điện tử là cố định. Trong khi người phát hành các đồng tiền ảo là công ty phi tài chính thuộc khu vực tư nhân hoặc dưới dạng phần mềm mã nguồn mở; cung tiền là không cố định. Vì thế, giá trị của các đồng tiền ảo cũng biến động liên tục với cường độ lớn.
Theo các chuyên gia, tiền điện tử theo cách hiểu của NHNN cũng không phải là đồng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain mà nhiều NHTW trên thế giới đang rất quan tâm hiện nay.
Tuy nhiên xét ở chừng mực nào đó, quan niệm về tiền điện tử của NHNN hiện nay khá tương đồng với cách tiếp cận của Trung Quốc. Vì lẽ đó, đồng tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc nếu được phát hành sẽ là một tham khảo rất hữu ích cho Việt Nam trong việc xem xét phát triển tiền kỹ thuật số trong thời gian tới.