Doanh nghiệp mòn mỏi chờ sửa Luật thuế 71
Khi bắt đầu đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 - Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về Thuế (Luật thuế 71) đã là từ năm 2015-2016, đến nay, các doanh nghiệp phải chờ đợi.
Nhiều năm kiến nghị
Nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong nước, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 có hiệu lực từ năm 2015. Theo đó, các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra… Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Chính phủ về giảm giá thành phân bón, hỗ trợ người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp, thì trong quá trình triển khai Luật này đã tạo ra tác dụng ngược.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Cty CPSX&TMTH Cường Phát, nhãn hiệu phân bón Sao Nông cho biết, nghe thì có vẻ như doanh nghiệp và nông dân sẽ hưởng lợi từ chính sách này, nhưng sự thật không phải như vậy. Tại khoản 1 điều 3, Luật số 71/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… là mặt hàng không chịu thuế GTGT, có nghĩa là doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
“Khi doanh nghiệp không phải chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Do đó, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng, chúng tôi ước tính mức tăng dao động từ 5-8% tuỳ vào sản phẩm phân bón. Cụ thể, kể từ sau khi Luật số 71/2014 đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất từ 0% thì giá trung bình các loại phân đạm tăng 6,7 - 7%, supe lân tăng 5,9 - 6,2%, DAP tăng 7,0 - 7,3%, NPK tăng 5,0 - 5,5%, lân nung chảy tăng 6,0 - 7,0%...”, ông Cường cho biết.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cũng cho hay, chính vì quy định của Luật 71, các nhà sản xuất phân bón trong nước gặp khó, đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất phân đạm, như Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình liên tục nặng nợ. Ngay cả đối với Đạm Phú Mỹ có nhiều thuận lợi như đặt ở vùng logistics tốt, khấu hao nhà máy bằng 0 nhưng lợi nhuận cũng liên tục giảm. Từ khi bắt đầu đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật 71 đã là từ năm 2015-2016, đến kỳ họp cuối năm 2020 của Quốc hội khóa XIII cũng chưa sửa được, đến nay các doanh nghiệp vẫn “dài cổ” đợi.
"Gỡ khó về Luật 71 cho chúng tôi, cũng là cách giúp gián tiếp cho người nông dân mua được phân bón nội có chất lượng đảm bảo, có giá không bao gồm chính sách thuế trong đó”, bà Hiền chia sẻ.
Thua trên sân nhà
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện xu thế sử dụng phân bón trên thế giới đã dần thay đổi. Thay vì các loại phân bón truyền thống thì thị trường đang dần hướng tới các loại phân bón thế hệ mới như phân bón tan chậm, phân bón có điều khiển, phân bón kết hợp với các yếu tố khác. Tuy nhiên do tác động của nhiều yếu tố trong đó có Luật thuế 71 nên nhiều doanh nghiệp chưa thể đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới này.
“Khi tổng mức đầu tư tăng lên không được hoàn thuế khấu trừ VAT, thì nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng áp dụng công nghệ để sản xuất ra các loại phân bón thế hệ mới, điều này trực tiếp ảnh hưởng tới bà con nông dân. Quốc Hội cần tính toán sớm sửa đổi Luật thuế 71 để giải quyết những bất cập đã phát sinh qua năm năm thực hiện Luật này”, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam phân tích.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Bùi Văn Thắng, giám đốc công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cũng chia sẻ, với việc đầu tư dây chuyền hiện đại thì mức chi phí sẽ tăng lên, như vậy doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành sản phẩm, nên không ai mặn mà đầu tư mới.
Như vậy, chính sách miễn thuế nêu trên đang “lợi bất cập hại” khi gia tăng sức ép cho các nhà sản xuất phân bón nội địa, không tạo động lực đầu tư dây chuyền công nghệ cao để cho ra các sản phẩm phân bón thế hệ mới. Đồng thời khiến doanh nghiệp ngày một lạc hậu và đi thụt lùi so với tiến trình phát triển của thế giới, gián tiếp gây ra việc giảm nộp ngân sách Nhà nước, do làm ăn kém hiệu quả.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ phân bón của Việt Nam hiện nay đang ở mức 11 triệu tấn một năm, chủ yếu là phân vô cơ chiếm khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, lượng phân nhập khẩu ước khoảng 4 triệu tấn một năm do được ưu đãi thuế GTGT. Theo đó, phân bón ngoại đang cạnh tranh trên sân nhà rất gay gắt, dẫn tới cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam khó đạt được kết quả như mong đợi.
Một số chuyên gia cho rằng, trong dài hạn, Luật thuế 71 vẫn không được sửa đổi, các doanh nghiệp trong nước nguy cơ phải chuyển hướng kinh doanh, nhường sân lại cho các sản phẩm phân bón ngoại nhập giá rẻ tràn vào Việt Nam. Nếu các sản phẩm nhập ngoại có giá thành rẻ, kém chất lượng, nhất định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền nông nghiệp nước nhà. Đặc biệt là sản phẩm nông sản Việt đang từng ngày nỗ lực để vươn ra quốc tế, tham gia vào những chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi quy trình sản xuất và chất lượng nghiêm ngặt.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội phân tích, điểu chỉnh Luật thuế 71 có thể ảnh hưởng đến nguồn thu vào ngân sách, bởi vì ngân sách phải cấp bù hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp sản xuất phân bón. Nhưng điều đó là cấp thiết vì sẽ tác động tốt cho cả doanh nghiệp sản xuất trong nước và cho cả người nông dân, khi họ được hưởng những vật tư, vật liệu đầu vào trong nước với giá thấp.
Có thể bạn quan tâm