Thuế nào cho thị trường phân bón?: Diễn biến bình thường theo thị trường

THÀNH NGÂN thực hiện 27/03/2021 04:25

Bộ Công Thương vừa gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu. Đây là quyết định đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi...

LTS: Kỳ họp cuối cùng của khóa XIII, Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón. Không những vậy, đây cũng là thời hạn cho việc có tiếp tục áp thuế tự vệ cho ngành sản xuất phân bón hay không?

Bộ Công Thương vừa gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu, trong khi phân bón đang tăng giá và có chiều hướng “chảy ngược” ra thị trường thế giới. Ông Bùi Đăng Duẩn – Phó TGĐ Công ty DAP Đình Vũ đã lý giải câu chuyện này thế nào?

- Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, thưa ông?

Phải khẳng định rằng, dù giá phân bón tăng mạnh nhưng hoàn toàn không có chuyện phân bón trong nước khan hiếm. Hiện nay sản xuất trong nước và lượng phân bón nhập khẩu đủ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước mà các doanh nghiệp còn đóng vai trò bình ổn thị trường. Cụ thể, khi giá phân bón thế giới tăng khoảng 30% thì giá phân bón trong nước chỉ tăng khoảng 10%. Đây là vai trò bình ổn của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Mấy tuần nay, giá phân bón khu vực miền Nam đã ổn định trở lại, cụ thể giá DAP hai tuần trước ở mức 11.500 đồng/kg thì nay chỉ còn 10.800 đồng/kg.

 Tổng nhu cầu phân bón của Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nguồn: FPTS

Tổng nhu cầu phân bón của Việt Nam năm 2021 dự báo đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Nguồn: FPTS

- Nhưng rõ ràng khi nông dân thực sự có nhu cầu (nhất là đối với mặt hàng DAP), thì lại không mua được, thưa ông?

Nhu cầu phân bón DAP trong nước dao động khoảng 800.000 - 1 triệu tấn/năm. Từ đầu năm 2021, nhà máy DAP Đình Vũ hoạt động hết 100% công suất. Kế hoạch các tháng 3 và 4 này, DAP Đình Vũ khẳng định vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất với sản lượng cao, mỗi tháng dự kiến đưa ra thị trường từ 24.000 – 26.000 tấn. Cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 – 50.000 tấn/tháng.

Về năng lực sản xuất trong nước, hiện tại tổng công suất thiết kế của các nhà máy DAP trong nước là 810.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty CP DAP Vinachem (DAP Đình Vũ là 330.000 tấn/năm), Công ty CP DAP số 2 Vinachem (DAP Lào Cai 330.000 tấn/năm) và Công ty CP Hóa chất Đức Giang (DAP Đức Giang 150.000 tấn/năm).

Dựa trên những số liệu này, tôi cho rằng nguồn cung DAP trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất nông nghiệp.

Thậm chí, năm 2020, do khó khăn về thị trường vẫn đang trong tình trạng dư cung, nên hai nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai chưa huy động hết công suất, để giảm hàng tồn kho, hai đơn vị này phải tìm thêm thị trường xuất khẩu.

- Câu chuyện nên hay không nên áp thuế tự vệ với phân bón DAP thời điểm hiện tại, thực chất xuất phát từ việc trên thị trường xuất hiện hiện tượng khan hiếm cục bộ mặt hàng phân bón này. Và đó là nguyên nhân nhiều doanh nghiệp cho rằng nên “dỡ” thuế tự vệ, thưa ông?

Tôi thì cho rằng chưa nên dỡ bỏ thuế tự vệ vì hiện nay giá phân bón trong nước đã chững lại. Mặt khác, Thuế tự vệ bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước và khi thị trường bất ổn bản thân doanh nghiệp sản xuất trong nước đã làm tốt vai trò bình ổn giá. Cụ thể, khi giá phân bón thế giới tăng khoảng 30% thì giá phân bón trong nước chỉ tăng khoảng 10%.

- Có nhiều ý kiến cho rằng giá phân bón tăng cao, thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón lại đẩy mạnh việc xuất khẩu. Ông lý giải sao về nghịch lý này?

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng được 50 – 70% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, thực tế chỉ đáp ứng 30% do thói quen sử dụng của khách hàng. Nếu chúng tôi sản xuất hết công suất thì sẽ thừa, do vậy xuất khẩu là hướng để đảm bảo tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Nhưng không vì vậy mà chúng tôi “găm” hàng phục vụ xuất khẩu mà sẽ ưu tiên thị trường trong nước đầu tiên. Cụ thể, khi có cùng 2 đơn đặt hàng, 1 đơn hàng xuất khẩu và 1 đơn của đại lý tiêu thụ trong nước thì chúng tôi sẽ ưu tiên bán cho đơn hàng tiêu thụ trong nước trước.

- Xin cảm ơn ông!

Bộ Công Thương cho biết sẽ giữ nguyên việc áp Thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu. Đại diện Cục phòng vệ Thương mại – Bộ Công thương cho rằng Thuế tự vệ đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Đồng thời Thuế tự vệ chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng chi phí sản xuất của nông dân, do vậy có dỡ bỏ Thuế tự vệ hay không cần có số liệu cụ thể từ thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế nào cho thị trường phân bón?: Diễn biến bình thường theo thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO