Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2020: Nhiều cải thiện trong công khai, minh bạch tài liệu
Tại Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2020, tỉnh Vĩnh Long đã dẫn đầu với 93/100 điểm xếp hạng, bỏ xa hai tỉnh có thu chi ngân sách lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), 2 thành viên của Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP), đã công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2020 của Việt Nam. Kết quả cho thấy đã có nhiều cải thiện đáng ghi nhận về công khai minh bạch loại tài liệu bao gồm nội dung, thời hạn và phương tiện để công khai tài liệu ngân sách. Sự cải thiện đáng kể của chỉ số POBI 2020 so với những năm trước đó cho thấy các địa phương đã nâng cao ý thức trong công khai minh bạch ngân sách.
Phát biểu tại Lễ công bố, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường - Chuyên gia Tài chính công (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính)cho biết, công khai minh bạch ngày càng trở thành yêu cầu quan trọng trong việc sử dụng tài sản chung, đặc biệt, gần đây có sự ồn ào trong việc chi tiêu tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Rất nhiều người lên tiếng về việc phải công khai minh bạch, vì đây cũng là một món tiền chung, trong khi đó ngân sách Nhà nước cũng là một quỹ, có sự đóng góp của rất nhiều người và càng cần công khai minh bạch. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải tiết kiệm chi tiêu để phục vụ cho công tác chống dịch.
Do đó, POBI 2020 cũng giống như các năm trước đây, tiếp tục thúc đẩy sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, gia tăng sự công khai ở các cấp và cung cấp thông tin cho người dân cũng như các bên liên quan, để ngày càng hiểu rõ hơn về ngân sách, quản lý ngân sách và quy trình ngân sách Nhà nước. Việc người dân từng bước tham gia vào quản lý ngân sách ở các cấp cho thấy sự trưởng thành của xã hội, cũng như sự tham gia nhiều hơn của người dân với việc quản lý, sử dụng ngân sách.
Việc đánh giá chỉ số công khai minh bạch ngân sách của các địa phương được thực hiện trên bộ tiêu chí gồm 6 tiêu chí chính: tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện, tính tin cậy và tính liên tục.
Về mặt phương pháp, kết quả khảo sát POBI 2020 cơ bản tích cực so với trước đây, hầu như không còn tình trạng các tỉnh không công khai gì. Đơn cử như tỉnh Bình Phước, là tỉnh có điểm thấp nhất, mặc dù địa phương này công khai không nhiều nhưng cũng là một sự thay đổi lớn.
“Tiêu biểu nhất là tỉnh Vĩnh Long, dẫn đầu với 93/100 điểm xếp hạng, ngoài ra, là các tỉnh có chỉ số công bố cao như Hải Dương, Cao Bằng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau nhiều năm thì Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa lọt vào top thứ hạng các tỉnh dẫn đầu, trong khi đây là hai địa phương có chi tiêu ngân sách rất lớn. Cụ thể, Hà Nội xếp thứ 13 trong bảng công bố, còn thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hạng sâu hơn”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.
Cũng có câu hỏi đặt ra là, cần giải thích đằng sau những con số công bố là gì? TTheo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, để lý giải được những điều này, cần có những cuộc phỏng vấn và khảo sát kỹ càng hơn, vì vậy đến nay chưa thể thực hiện ngay được, mà chỉ chấm điểm thông qua các thông tin công bố ở trên website của các địa phương. “Mặc dù chỉ số của các địa phương năm nay đều cao hơn năm trước, nhưng một vấn đề cần tiếp tục cải thiện, đó là sự tham gia của người dân, thể hiện qua việc là trả lời phản hồi của người dân qua email, các hình thức liên lạc, trao đổi,... Hoặc có có fanpage công khai các báo cáo, góp ý của cơ quan dân cử mà điều này có Đà Nẵng đã đạt được rất cao, với sự tham gia của đông đảo người dân”.
Trên bảng xếp hạng POBI, Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những tỉnh có điểm cao, duy trì qua các năm. Đại diện Sở Tài chính tỉnh cho biết, hằng năm, trên cơ sở đóng góp của Liên minh minh bạch ngân sách, tỉnh đã thảo luận và tiếp thu các ý kiến trên tinh thần cầu thị, góp phần đẩy mạnh công khai ngân sách tại địa phương ngày càng tốt hơn.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai công khai ngân sách tại địa phương, công bố dự thảo ngân sách trình Hội đồng nhân dân tỉnh, báo cáo kiểm toán và báo cáo ngân sách dành cho công dân đúng thời gian, báo cáo thực hiện ngân sách hàng tháng, hàng quý đảm bảo đúng nội dung. Tiếp theo là tăng cường thảo luận tham vấn công chúng và hình thành cơ chế phản hồi, trao đổi thông tin, xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách, đồng thời nâng cao chất lượng thông tin của ngân sách, nhằm tạo điều kiện cho công dân, không chỉ những người làm trong lĩnh vực tài chính mà tất cả công dân đều có thể tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến.
Lễ công bố chỉ số POBI 2020 có sự tham gia trực tuyến của đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, Trưởng ban Quản trị quốc gia UNDP Việt Nam, đại diện tổ chức Oxfam Việt Nam, Hội đồng chỉ số từ VEPR và CDI... cùng đại diện một số tỉnh thành, địa phương.
Có thể bạn quan tâm
VEPR: Khu vực sản xuất không được hưởng nhiều lợi ích từ chính sách tiền tệ mở rộng
06:30, 16/02/2021
VEPR: Gói hỗ trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết
13:47, 23/10/2020
VEPR cảnh báo nguy cơ Việt Nam là "điểm trung chuyển" hàng hoá Trung Quốc sang Mỹ
04:45, 22/10/2020
VEPR hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020
12:00, 21/10/2020