VEPR hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020

Diendandoanhnghiep.vn VEPR dự báo khả năng tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam đạt 2,6-2,8%. Với kịch bản bất lợi, nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng 1,8-2%.

Theo đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch trong nước và trên thế giới.

Toạ đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 do VEPR tổ chức ngày 21/10.

Toạ đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 do VEPR tổ chức ngày 21/10. 

Điểm yếu của nền kinh tế

Theo đó, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong Quý 3/2020, đạt 2,62%. Tính chung chín tháng đầu năm, GDP tăng 2,12%.

Trong chín tháng đầu năm, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động so với chín tháng đầu năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 2,98%, lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm 2020 ở mức 3,85% do giá dịch vụ ăn uống, lương thực, thực phẩm tăng.

Tỷ giá trung tâm tại NHNN gần như đi ngang trong suốt Quý 3/2020. Tỷ giá tại các NHTM có xu hướng tương tự. Tỷ giá có thể giữ mức thấp đến hết năm do VND khó giảm mạnh giá trị so với đồng USD, một phần vì đồng USD đang có xu hướng suy yếu.

Tuy vậy, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa có thể kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện những rủi ro bất ngờ.

Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại, sức khỏe hệ thống ngân hàng – tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương, sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI, thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu, chất lượng lao động thấp, hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề, tiến trình cổ phần hóa DNNN bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp. 

Khả năng cao tăng trưởng mức 2,6-2,8%

Từ những dữ liệu này, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8%, khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020.

VEPR đánh giá kịch bản 2,6-2,8% khả năng cao sẽ đạt được năm 2020. Trước đó, ở báo cáo gần nhất công bố vào tháng 7 vừa qua, VEPR dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam đạt 3,8%.

“Mức dự báo hiện tại thấp hơn so với ước tính của chúng tôi trong báo cáo trước đây do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số TP lớn ở miền Trung trong tháng 7 làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch. Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8-2,0%”, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR đánh giá.

VEPR cho rằng do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự các nước trên thế giới, ví dụ nới lỏng tiền tệ quy mô lớn.

“Ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động”, kinh tế trưởng VEPR khẳng định.

Do đó, các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng. Đồng thời, khuyến khích tín dụng, tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành đối với nhóm doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đẩy nhanh đầu tư công. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu nhằm tránh phụ thuộc nhiều vào một số đối tác kinh tế lớn, cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh và từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc như COVID-19 đem tới.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết VEPR hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714072700 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714072700 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10