Gói kích cầu mới có kích lạm phát?
Gói kích cầu thứ 2 đã được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu vào đầu năm 2021.
Gói này, một lần nữa lại được khởi xướng bởi TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. Theo đó, TS. Cấn Văn lực nhấn mạnh nền kinh tế cần gói kích cầu thứ 2 quy mô khoảng 93.000 tỷ đồng, tương đương 1,48% GDP của 2020. Gói này gồm 3 cấu phần: gói tài khóa, gói tiền tệ tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi và gói an sinh xã hội.
Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành gói tài khóa hỗ trợ gia hạn thời hạn thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng trị giá 115 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là gói 1.000 tỷ đồng dự kiến gia hạn các loại thuế phí và phí.
Một số gói hỗ trợ khác cũng đã và đang tiến hành như: Gói tiền tệ cho vay Vietnam Airlines 4.000 tỷ đồng; hay về phía các ngân hàng, hiện vẫn đang triển khai cho vay ưu đãi, áp dụng Thông tư 03/2021/TT-NHNN kéo dài thêm chính sách hỗ trợ.
Ông Bùi Tiến Đức, Chuyên gia Nhóm Tư vấn tài chính FDIT nhận xét, theo số liệu của Tổng cục thống kê về lạm phát tháng 5 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng lạm phát bình quân chỉ tăng 1,29% so với đầu năm nay, mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay.
Do đó, nếu thêm một gói kích cầu thận trọng và không theo hướng “rải tiền máy bay” thì lạm phát Việt Nam sẽ không thêm nhiều áp lực so với dự báo.
Bên cạnh đó, cần nhớ rằng lãi suất của nền kinh tế còn dựa vào nội tại của ngân hàng, mà nay được cải thiện mạnh mẽ, do đó NHNN hoàn toàn có dư địa để giữ lãi suất thấp thực thi tiếp hỗ trợ tín dụng mới.
“Chúng ta chấp nhận tăng bội chi, hoặc xa hơn là gia tăng hệ số nợ trên GDP nhưng sẽ hỗ trợ được nhiều người dân, giữ được doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh. Dân sống khỏe, còn doanh nghiệp, không lo tăng trưởng kinh tế không vững vàng”, ông Bùi Tiến Đức nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm