Gói hỗ trợ 115.000 tỷ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đất năm 2021…
Trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, khi bệnh dịch COVID-19 gây khủng hoảng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có gói hỗ trợ 62.000 tỷ vào năm 2020.
Trước tình hình bệnh dịch còn phức tạp, mới đây, Chính phủ giao cho Bộ LĐTB&XH tổng kết lại gói hỗ trợ lần một sau đó sẽ có báo cáo Chính phủ. “Mới đây, chúng ta có Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn tiền nộp thuế…Đây là một gói hỗ trợ 115.000 tỷ và Chính phủ đã ký”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết thêm đây là tập hợp các giải pháp của các ngành, các lĩnh vực khác nhau để hướng tới một mục tiêu chung là hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.
Về tiến độ, trong tháng 2 Bộ KH&ĐT đã có văn bản xây dựng đề cương dự kiến các giải pháp báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, và yêu cầu các bộ, ngành liên quan như Tài chính, Lao động thương binh và xã hội … có ý kiến cũng như có đề xuất để gửi lại Bộ KH&ĐT.
Trong quá trình này, sự tích cực cũng như chủ động của các cấp, các ngành đã phát huy hiệu quả tốt trên cơ sở rà soát các giải pháp trong năm 2020 để đề xuất những giải pháp mới cũng như kiến nghị mới trong năm 2021. Bộ KH&ĐT đang chờ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để có báo cáo chung.
Trong lĩnh vực tiền tệ, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01 về cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí… Ngân hàng Nhà nước đã chủ động rà soát, cập nhật, ban hành Thông tư số 03 ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01, tiếp tục thực hiện trong năm 2021.
Trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng một gói hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 là cực kỳ cần thiết. PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp nhận định năm 2020, các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, nếu không thay đổi sẽ đánh mất cơ hội phục hồi sau Covid-19.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, gói hỗ trợ cần bảo đảm nguyên tắc nhanh, đúng đối tượng và phải triển khai quyết liệt.
Theo đó, chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ phải hướng đến mục tiêu cao hơn là hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phục hồi và cấu trúc lại. “Gói hỗ trợ này phải đủ lớn, kéo dài sang cả năm 2022 nhưng phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế và các xu thế phát triển mới trên thế giới. Gói hỗ trợ cũng cần bao quát được các đối tượng, nhưng phải tính toán để nguồn lực hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm tới các lĩnh vực, doanh nghiệp quy mô lớn để tạo hiệu ứng lan tỏa như ngành hàng không...”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Hơn nữa, cũng theo vị chuyên gia, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không tất tay một lần vì phía trước còn nhiều khó khăn. Nguyên tắc quan trọng là phải tiến hành như trong thời chiến, phải nhanh, quyết liệt, đồng bộ.
Có thể bạn quan tâm
19:33, 05/05/2021
19:13, 05/05/2021
18:48, 05/05/2021
18:06, 05/05/2021
Có thể bạn quan tâm
19:33, 05/05/2021
19:13, 05/05/2021
18:48, 05/05/2021
18:06, 05/05/2021
Có thể bạn quan tâm
19:33, 05/05/2021
19:13, 05/05/2021
18:48, 05/05/2021
18:06, 05/05/2021