Trung Quốc lo ngại dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường
Trung Quốc đã phát đi cảnh báo về nguy cơ dòng tiền “nóng” của các nhà đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi đất nước, gây rủi ro cho thị trường vốn, khi Fed sớm cắt giảm chính sách nới lỏng tiền tệ.
Nguy cơ mất dòng vốn ngoại
Tại Diễn đàn Thường niên Tài chính Quốc tế Trung Quốc tổ chức mới đây, các cơ quan quản lý tài chính nước này đã phát đi cảnh báo về sự thoái lui của dòng vốn nước ngoài khỏi thị trường, được coi là gây nguy hại. Dòng tiền “nóng” có khả năng sẽ gia tăng, khi Hoa Kỳ chuẩn bị nới lỏng quy mô tiền tệ, đẩy giá trị của đồng Đô la Mỹ tăng cao trong quá trình này.
Phát biểu trên truyền hình, Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã kêu gọi tăng cường giám sát dòng tiền xuyên biên giới để duy trì sự ổn định của thị trường vốn.
“Việc một số nhà đầu tư nước ngoài di dời tài sản của họ khi xem xét những thay đổi của chính sách tiền tệ quốc tế, là điều bình thường. Điều này sẽ không dẫn đến dòng tiền vào hoặc ra lớn. Tuy nhiên, chúng ta phải ngăn chặn một số tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, gây ra những thay đổi lớn của thị trường bởi các quyết định đầu tư của họ. Đó mới là điều cần đặc biệt chú ý ”, Fang nhấn mạnh.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các cam kết lặp đi lặp lại từ Bắc Kinh, đối với việc mở cửa thị trường tài chính hơn nữa đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời theo dõi chặt chẽ công tác quản lý rủi ro.
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và làm tăng cung tiền, giảm lãi suất, khiến đồng Đô la Mỹ mất giá, buộc các nhà đầu tư phải nhanh chóng chuyển dòng vốn sang các thị trường khác, cũng như nắm giữ những đồng tiền có giá trị hơn. Nhưng đến nay, khi Mỹ dự tính cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình, các nhà đầu tư sẽ bị lôi kéo để rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc và đầu tư trở lại Mỹ.
Thực tế, khả năng dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đề xuất giảm dần việc mua trái phiếu, được đưa ra tại Hội nghị Chuyên đề Kinh tế Jackson Hole vào tháng trước mà CSRC lên tiếng không phải là lần đầu. Mà vốn dĩ các đợt giảm giá trước đây của Mỹ, cũng đã kích hoạt dòng tiền nóng tháo chạy khỏi Trung Quốc, điển hình như năm 2015, khiến cổ phiếu cũng như đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá nhanh chóng.
Chính vì vậy, Fang đã tuyên bố rất rõ thông điệp đối với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, các hành động gây nguy hại sẽ bị ngăn chặn kịp thời khi được phát hiện và không giải thích gì thêm về các biện pháp đối phó.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc nhắc lại: “Nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ không giới hạn, được các nền kinh tế phát triển lớn áp dụng đã làm méo mó giá vốn, làm trầm trọng thêm sự không phù hợp về tài nguyên, thúc đẩy đầu cơ thị trường và làm suy yếu sự hỗ trợ cho nền kinh tế thực”.
Củng cố cho lĩnh vực ngân hàng
So với Trung Quốc, ở nhiều quốc gia, các cơ quan tài chính đang tiếp tục chiến dịch giải quyết rủi ro tài chính, giảm thiểu quy mô của lĩnh vực tín dụng đen, thúc đẩy ngân hàng số và tái cấu trúc các bộ máy ngân hàng gặp trục trặc và suy yếu.
Trong một động thái hồi đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tiến hành “kiểm tra sức khỏe toàn diện” trên tất cả 4.015 ngân hàng Trung Quốc, con số này tăng từ 1.550 ngân hàng vào năm 2020. Các bài kiểm tra được công bố trong báo cáo ổn định tài chính hàng năm của PBOC, được thực hiện khi có các cú sốc về kinh tế vĩ mô, khả năng trả nợ, thanh khoản và rủi ro thị trường chéo.
Theo đó, chỉ có 30 ngân hàng lớn nhất đất nước, chiếm 76,1% tổng giá trị cho vay của cả nước, được coi là có năng lực mạnh mẽ để đối phó với các thách thức, cũng như rủi ro tín dụng và thị trường. Còn 3.985 ngân hàng quy mô vừa và nhỏ còn lại, vốn chịu nhiều nợ của chính quyền địa phương, khu vực bất động sản và các doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ an toàn vốn đã giảm mạnh, khi tài sản tín dụng của họ xấu đi.
PBOC nhận định, nếu tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ tăng gấp đôi, tỷ lệ an toàn của các ngân hàng này sẽ giảm xuống 10,53% từ mức 12,12% hiện tại, trong khi 34,9% số ngân hàng sẽ không đáp ứng các yêu cầu quy định.
"Nhìn chung, rủi ro tài chính có xu hướng giảm và vẫn có thể kiểm soát được, PBOC cam kết tăng cường phòng ngừa rủi ro tài chính, bao gồm các hệ thống giám sát và đẩy nhanh việc loại bỏ rủi ro của các tổ chức tài chính nhỏ, hứa sẽ duy trì hoạt động ổn định của thị trường tài chính và chú ý phòng ngừa các cú sốc từ rủi ro bên ngoài”, PBOC kết luận trong báo cáo của mình.
Trong khi đó, tại thị trường vốn của Việt Nam vừa qua cũng đã chứng kiến mức độ bán ròng của các nhà đầu tư ngoại lên tới 4 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định đây là hệ quả tất yếu trong chu kỳ đầu tư của khối ngoại sau một thời gian dài tham gia thị trường và điều này không có quá nhiều ảnh hưởng. Mặt khác, sau sự thoái lui, dòng vốn được kỳ vọng trở lại sẽ lớn hơn con số 4 tỷ USD trước đó. Mặt khác, hệ thống các ngân hàng Việt Nam cũng đang tăng tốc hướng tới mô hình ngân hàng số toàn diện, bắt kịp với xu hướng tài chính kỹ thuật số toàn cầu, nhằm nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro tại khu vực này.
Có thể bạn quan tâm
Các công ty Trung Quốc chưa nguôi tham vọng “Mỹ tiến”!
05:00, 08/09/2021
[eMagazine] Trung Quốc chuẩn bị “đánh đổ” một trụ cột của dịch vụ thời 4.0
04:08, 07/09/2021
Trung Quốc “mập mờ” và "con mắt" cảnh giác của thế giới
06:01, 06/09/2021
Trung Quốc sắp có sàn giao dịch chứng khoán thứ 3
04:30, 05/09/2021
Kinh nghiệm "siết" thời gian chơi game của trẻ em từ Trung Quốc
10:11, 05/09/2021