HUBA kiến nghị gia hạn nợ vay 1 năm và giảm thuế VAT 8% tới 2024

LÊ MỸ 06/01/2023 13:15

Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) kiến nghị NHNN nên có chính sách giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, cùng giải pháp hỗ trợ về tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho trái phiếu doanh nghiệp,

Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Doanh nghiệp, Doanh nhân đồng hành cùng Thành phố đổi mới - phát triển” giai đoạn 2017 – 2022 và tổng kết 2022, phương hướng 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa, thị trường vốn...

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA phát biểu tại Hội nghị

>>NHNN: 2023, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất

Theo đó, về chính sách tiền tệ, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp; cụ thể: tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau. Nhà nước cho vay ngừng việc, nghỉ việc và cho vay khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc luân phiên…, cần có chính sách hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh kiểm tra các ngân hàng thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng chế tài cần thiết và thời hạn tới hết năm 2023.

Về chính sách tài khóa, theo Hiệp hội, việc miễn giảm thuế TNCN nên tiếp tục thực hiện từ tháng 7/2022 đế hết 30/6/2023 là cần thiết. Đồng thời, tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2024. Cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp.

Phương hướng hoạt động của Hiệp hội cũng kiến nghị giải pháp về chính sách hỗ trợ thị trường vốn trái phiếu và bất động sản. Cụ thể theo HUBa, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, Nhà nước cũng cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội.

>>Vỡ nợ doanh nghiệp bất động sản: Có còn "giọt nước tràn ly"?

Ngoài ra, còn có một số đề xuất khác như:  Đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường để giữ giá cả và ổn định đời sống nhân dân; Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp chủ quyền nhà - đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục hoàn công xây dựng … để người dân, doanh nghiệp hoàn tất pháp lý chủ quyền có thể thế chấp vay vốn đưa vào sản xuất kinh doanh; 

Các đơn vị dẫn đầu cụm thi đua được vinh danh tại Hội nghị.

Theo HUBA, đến nay Hiệp hội tổ chức 65 phiên, tập hợp hơn 8.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp tham gia sinh hoạt với nhiều chuyên đề hấp dẫn cập nhật cho doanh nhân những chủ trương chính sách mới, định hướng phát triển kinh tế và hội nhập của Thành phố. Ảnh: Các đơn vị dẫn đầu cụm thi đua được HUBA vinh danh 

Đáng chú ý HUBA cũng cho rằng cần mở trói cho cơ chế quản lý để đất nông nghiệp được sử dụng vào đúng mục đích phát triển nông nghiệp ở mọi cấp độ công nghệ từ thấp đến cao. Hiện nay nhiều đất đai ven đô bỏ hoang chờ lên giá gây lãng phí của cải xã hội, người dân sử dụng đất đều bị cản trở không được phép làm công trình phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên đất nông nghiệp.

Năm 2023, theo nhận định của HUBA, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chạy đua vũ trang, tái bố trí lực lượng và tăng cường các liên minh quân sự có nguy cơ tiếp tục được thúc đẩy. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, song tiềm ẩn nhiều rủi ro do các yếu tố địa chính trị. Phát triển bền vững, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh ngày càng trở thành xu hướng chính, mô hình phát triển được nhiều nước lựa chọn. Làn sóng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, tạo cơ hội để các nước đang phát triển như Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lãnh đạo HUBA dự báo nền kinh tế trong nước, cũng như trên địa bàn Thành phố sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng. Báo cáo tại Hội nghị của Lãnh đạo HUBA cho biết từ giữa quý 4 năm 2022: Nhiều doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực dệt may, da giầy, chế biến gỗ,…) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi do xung đột chiến Nga - Ukraine tác động đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản,…) gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp; HUBA cũng đề cập đến 2 "vấn đề nóng" trên địa bàn TP HCM đã diễn ra trong quý 4, đó là tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là tâm lý xã hội chưa an tâm. Mặt khác, là "tình hình hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, người dân và xã hội".

Năm 2022, theo tổng kết của HUBA, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố là 505.196 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là 9.774.019 tỷ đồng. "Vừa qua, Thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, phần nhiều doanh nghiệp bị giảm hoặc không có doanh thu, nhiều nơi phải đóng cửa, một bộ phận người lao động không có việc làm… Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều chung tay hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tích cực đóng góp hỗ trợ cho các lực lượng chống dịch tuyến đầu, công nhân và người dân bằng các hành động thiết thực", Hiệp hội đánh giá.

Báo cáo cũng cho biết Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các ngành, các cấp trên địa bàn Thành phố luôn quan tâm thực hiện các chính sách của người lao động, trong đó có công tác tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm, kịp thời hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động trong quá trình làm việc. Thành phố đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là 7.040,4 tỷ đồng, trong đó 5.153,9 tỷ đồng là nguồn vốn cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ, 1.886,5 tỷ đồng thực hiện các chính sách, giải pháp không hoàn lại cho hộ trong Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố và các hoạt động đảm bảo.

Cũng theo Hiệp hội, trong năm qua, 6 tháng đầu năm, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố dần khôi phục nhịp độ hoạt động vốn có sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ…. Tuy nhiên 6 tháng cuối năm lại gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, nhất là trong ngành may, gỗ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị triển khai giảm thuế VAT 2%

    Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị triển khai giảm thuế VAT 2%

    05:00, 06/01/2023

  • Tiếp tục giảm thuế VAT để tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển

    Tiếp tục giảm thuế VAT để tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển

    00:00, 01/01/2023

  • Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023

    Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023

    17:27, 31/12/2022

  • TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: NHNN có hạ lãi suất?

    TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: NHNN có hạ lãi suất?

    12:00, 17/12/2022

  • Hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp: Không cào bằng, tùy đối tượng

    Hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp: Không cào bằng, tùy đối tượng

    05:00, 17/07/2021

LÊ MỸ