Rủi ro biến đổi khí hậu và các tài sản mắc kẹt
Vấn đề tài sản mắc kẹt do những rủi ro của biến đổi khí hậu đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho cả người làm chính sách và các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
>> Chuyển dịch kinh tế "nâu" sang "xanh": Cần định chế tài chính chuyên biệt
Trong vài năm qua, chủ đề “tài sản bị mắc kẹt” do các yếu tố rủi ro liên quan đến môi trường ngày càng lớn hơn. Những yếu tố này bao gồm các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu về mặt vật lý cũng như các phản ứng của xã hội và quy định đối với biến đổi khí hậu (BĐKH). Mặc dù vấn đề này đang ngày càng trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm đáng kể của các nhà nghiên cứu, chính phủ và các tổ chức tài chính và các tập đoàn ở nhiều quốc gia, vẫn có rất ít nghiên cứu cụ thể về vấn đề này ở Việt Nam.
Trong hoạt động của các ngân hàng hiện nay, việc cho vay và nhận thế chấp tài sản là phương thức được coi là tương đối an toàn và là một loại hình giao dịch được sử dụng rộng rãi và khi xác lập quan hệ thế chấp, điều mà các ngân hàng quan tâm là lựa chọn tài sản nào để bảo đảm, việc xử lý tài sản đó có thuận tiện không khi khách hàng không trả được nợ. Vấn đề tài sản mắc kẹt do những rủi ro của biến đổi khí hậu sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho cả người làm chính sách và các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Quan niệm về tài sản mắc kẹt
Tài sản bị mắc kẹt là một thuật ngữ đã tồn tại kể từ khi hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động đầu tư tồn tại. Có rất nhiều ví dụ về sự mắc kẹt tài sản trải dài trong lịch sử kinh tế.
Ví dụ như đầu những năm 1990, khi ô tô dần trở thành phương tiện vận chuyển được ưa thích thì những nhà sản xuất roi ngựa hoặc sản xuất thùng xe ngựa sẽ gặp khó khăn. Hoặc như sự ra đời của điện thoại thông minh đầu thập kỷ 21 đã khiến cho nhiều các sản phẩm khác như máy tính cầm tay, đồng hồ báo thức, camera không chuyên hoặc báo giấy chìm vào quên lãng. Và điều này là không phải là một điều tốt đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này.
Từ những ví dụ trên chúng ta có thể mường tượng ra được ý tưởng của tài sản mắc kẹt là gì. Theo định nghĩa của Dự án Tài sản mắc kẹt của Caldecott và cộng sự (2013) thì tài sản mắc kẹt là “những tài sản bị ghi sổ, giảm giá hoặc chuyển đổi thành nợ không lường trước được hoặc sớm hơn so với dự kiến”. Đây là một định nghĩa chung của tài sản mắc kẹt, tuy nhiên gần đây ý tưởng tài sản mắc kẹt được sử dụng rộng rãi trong bối cảnh môi trường khi các tải sản bị mắc kẹt do các nguyên tố môi trường như biến đổi khí hậu hay sự thay đổi thái độ của xã hội đối với vấn đề môi trường. Dưới góc độ của một nhà quản lý rủi ro thì khái niệm tài sản mắc kẹt rất quan trọng để có thể tránh được những tổn thất kinh tế khi tài sản mắc kẹt được chuyển đổi thành nợ.
>>ADB công bố quỹ IF-CAP, tài trợ hàng tỷ đô la chống biến đổi khí hậu
Như vậy đứng trên góc độ rủi ro tài chính và kế toán thì tài sản bị mắc kẹt có thể được hiểu là tài sản bị lỗi thời hoặc không hoạt động được theo dự kiến ban đầu, được ghi nhận trên bản cân đối kế toán như một khoản lỗ.
Nguyên nhân dẫn đến tài sản mắc kẹt
Có rất nhiều nguyên nhân hoặc nhân tố môi trường tạo ra những tác động đến giá tài sản.
Đối với các nghiên cứu liên quan đến nguyên nhân hay các rủi ro dẫn tới các tài sản bị mắc kẹt, ban đầu các nguyên nhân chính được các nghiên cứu chỉ ra là rủi ro tài chính hay rủi ro về chính sách. Rủi ro tài chính xảy ra khi mà giá của một sản phẩm hoặc nhu cầu của sản phẩm đó sụt giảm và khiến cho tính kinh tế của quá trình sản xuất sản phẩm đó không còn khả thi trong khi rủi ro về chinh sách xảy ra khi mà có sự thay đổi trong chính sách về môi trường của các chính phủ khiến cho một nhóm tài sản nhất định trở thành tài sản bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây về tài sản mắc kẹt đều chỉ ra ra rằng có rất nhiều các nguyên nhân gây ra tài sản mắc kẹt và tài sản mắc kẹt được hình thành có thể là do tổng hòa của các rủi ro đó. Các rủi ro khác ngoài rủi ro tài chính và rủi ro chính sách bao gồm rủi ro công nghệ (công nghệ mới xuất hiện khiến các sản phẩm cũ, công nghệ cũ trở thành “mắc kẹt”), rủi ro môi trường (biến đổi khí hậu khiến cho các tài sản trở nên “mắc kẹt”) hoặc rủi ro xã hội (chuẩn mực xã hội hoặc hành vi của người tiêu dùng thay đổi.
Gần đây có một xu hướng nghiên cứu chính của tài sản mắc kẹt đó là tập trung vào mối quan hệ giữa tài sản mắc kẹt và biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2010, khái niệm tài sản mắc kẹt được gắn liền với biến đổi khí hậu khi mà các chính sách về môi trường cũng như những chính sách về chuyển dịch sang năng lượng xanh được đưa ra và đưa vào thực hiện.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự hình thành của tài sản mắc kẹt. Các nghiên cứu về tài sản bị mắc kẹt trong ngành năng lượng sử dụng nghiên liệu hóa thạch được chú ý nhiều hơn do những lo ngại về việc gây ô nhiễm của tài sản hóa thạch và do những thay đổi chính sách về môi trường từ nâu sang xanh của các quốc gia. Các doanh nghiệp có liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ bị ảnh hưởng bởi những sự thay đổi này.
Tiếp theo: Rủi ro biến đổi khí hậu và tài sản mắc kẹt ở Việt Nam
*PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) cùng cộng sự.
Có thể bạn quan tâm
Tài chính xanh và công nghệ blockchain đưa phát thải ròng về 0
09:31, 09/01/2023
Bài toán tài chính xanh của Trung Nam Group
05:10, 04/11/2022
8 khuyến nghị phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
15:30, 01/07/2022
Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh
05:30, 21/01/2022
Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh
17:00, 19/02/2022
Tài chính xanh – còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xanh
01:39, 03/03/2022