Doanh nghiệp gia đình ưu tiên niềm tin cạnh doanh thu và lợi nhuận

LÊ MỸ 14/06/2023 16:25

"Niềm tin" không phải là một khái niệm hay một giá trị vô hình mà có thể "định lượng", có thể trở thành một trong những tài sản cốt lõi, thu hút khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư vào doanh nghiệp.

Mở rộng giá trị niềm tin -

Mở rộng giá trị niềm tin - "chữ Tín bằng vàng", cần được tập trung từ cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp

Chiến lược ESG để thu hút vốn cho doanh nghiệp tư nhân

Theo Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam năm 2023 của PwC Việt Nam mang chủ đề "Chuyển đổi để xây dựng niềm tin", các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) đang đối mặt với “khoảng cách niềm tin”. Họ đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn giành được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này.

Đáng chú ý, các DNGĐ Việt Nam đang bắt đầu điều chỉnh tham vọng tăng trưởng của mình trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn; và niềm tin được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong điều chỉnh. xây dựng kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng của doanh nghiệp.

Cụ thể, chỉ khoảng 14% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm tới, thấp hơn một nửa so với kết quả 33% trong cuộc khảo sát DNGĐ Việt Nam trước đây của PwC. Các DNGĐ Việt Nam cũng chọn ưu tiên cải thiện năng lực kỹ thuật số và tái tư duy hoạt động kinh doanh, cân nhắc việc thay đổi / điều chỉnh mô hình kinh doanh với ưu tiên hàng đầu là mở rộng sang các thị trường mới trong vòng hai năm tới.

Theo đó, các DNGĐ đang cần tập trung vào thế mạnh của mình để thích nghi và phát triển. Và sức mạnh đến từ các mối quan hệ, hay nói cách khác, việc xây dựng niềm tin với các bên liên quan là cần thiết.

Trong đó, khảo sát cho thấy bốn bên liên quan chủ chốt đảm bảo sự phát triển và thành công trong tương lai bao gồm: Khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên và thành viên gia đình. Khách hàng (75%), nhân viên (61%) và nhà đầu tư (61%) là những đối tượng quan trọng nhất đối với DNGĐ để xây dựng niềm tin. Trong khi đó, niềm tin của các thành viên trong gia đình đang bị xem là ít quan trọng hơn (28%).

“Khoảng cách niềm tin” giữa các thế hệ trong DNGĐ

Khảo sát của PwC cho thấy các DNGĐ Việt Nam, cũng giống như các DNGĐ trên toàn cầu và khu vực, đang phải đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin. Cụ thể là, các DNGĐ đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn đạt được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này. Rõ ràng các DNGĐ cần phải thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp và các bên liên quan chính.

Tuy nhiên, nếu đi vào từng doanh nghiệp, đặc biệt ở các DNGĐ Việt Nam, sẽ thấy giá trị của niềm tin giữa các thế hệ đặc biệt được đề cao. Chẳng hạn như ở trường hợp của các thế hệ sáng lập - lãnh đạo CTy Bánh kẹo ABC (ABC Bakery), bà Kao Siêu Phương - Phó GĐ Công ty, cũng là ái nữ của ông Kao Siêu Lực, nhà sáng lập cho biết thế hệ thứ nhất vẫn là ngọn lửa truyền cảm hứng, nhà lãnh đạo quan trọng của công ty. Và tại ABC Bakery là một DNGĐ, thì " tín nhiệm cha con với nhau rất quan trọng". Chẳng hạn như mặc dù ông Kao Siêu Lực là lãnh đạo, nhưng đồng thời cũng còn là 1 nhà đầu tư, bà Phương ở vị trí của mình "phải làm sao để thuyết phục ba bỏ tiền ra làm", cũng như cho nhân viên, đối tác, khách hàng thấy được, tin tưởng vào kế hoạch phát triển của mình, chấp nhận và kiên trì tới cùng. 

Trong khi đó, ở cương vị nhà sáng lập, ông Kao Siêu Lực của ABC Bakery lại cho biết việc thuyết phục con cái đi học ở nước ngoài và được ghi nhận thành tựu ở nước ngoài chấp nhận về làm việc, về nối nghiệp là không dễ. "Lập nghiệp đã khó, giữ được sự nghiệp còn khó hơn. Một DNGĐ có làm ăn, phát triển, mở rộng tới đâu mà không có thế hệ người kế nhiệm thì theo tôi là chưa thực sự thành công", ông Kao Siêu Lực chia sẻ.

Niềm tin của khách hàng là quan trọng nhất

Nhìn nhận tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, các DNGĐ đã đặt sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%). Mặc dù hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững, khảo sát cho thấy các DNGĐ Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI). Cụ thể, khi được yêu cầu xếp hạng năm ưu tiên hàng đầu trong hai năm tới, chỉ 17% số người được hỏi chọn tăng cường trách nhiệm xã hội của tổ chức; 6% chọn cải thiện kết quả thực hiện liên quan đến tính đa dạng và hòa nhập; không ai chọn giảm phát thải carbon của tổ chức và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Nhìn nhận tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, các DNGĐ đã đặt sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%), bên cạnh mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Con số này cao hơn đáng kể so với toàn cầu (77%) và Châu Á Thái Bình Dương (76%).

Đây là lúc các DNGĐ Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và chuyển trọng tâm, nguồn lực vào ESG cũng như cho khách hàng thấy hành động của mình. Tuy nhiên, chỉ 34% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu phi tài chính đã xác lập. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, PwC Việt Nam cho biết: “Việc báo cáo các mục tiêu phi tài chính liên quan đến ESG có thể phức tạp. Tuy nhiên, các DNGĐ có thể bắt đầu từng bước nhỏ bằng cách tập trung vào các vấn đề ESG chính có liên quan đến ngành và các bên liên quan. Ví dụ, doanh nghiệp có thể chia sẻ về cách họ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, vốn là vấn đề mà người tiêu dùng đang rất quan tâm. Hoặc, DNGĐ có thể chia sẻ về các hoạt động trách nhiệm xã hội/từ thiện mà theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện có 72% DNGĐ đang thực hiện những hoạt động này.”

Bằng cách minh bạch về các hoạt động kinh doanh và duy trì chất lượng nhất quán trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, các DNGĐ có thể tạo nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin với khách hàng. Theo các chuyên gia PwC, điều này có thể mang lại thành công lâu dài.

Niềm tin - Giá trị lớn với nhà đầu tư

Bày tỏ bất ngờ về "khoảng cách niềm tin" giữa các thế hệ DNGĐ theo khảo sát mà PwC đưa ra, bà Nguyễn Thị Minh Giang, đồng sáng lập kiêm TGĐ Lãnh đạo - Văn hóa Công ty Newing cho biết nhiều năm kinh nghiệm than gia quản lý điều hành các quỹ đầu tư tư nhân ở Việt Nam, theo bà, điều thu hút các quỹ đầu tư đến với doanh nghiệp trước hết chính là cách doanh nghiệp tạo dựng niềm tin.

"Chẳng hạn như trước đây tôi làm ở Mekong Capital, giá trị niềm tin là mà tất cả các doanh nghiệp đều tự hào cũng như khi quỹ đồng hành, đều đặt niềm tin như giá trị nền tảng, điều kiện cần lên hàng đầu. "Niềm tin không phải điều gì quá cao xa mà nó được thể hiện bằng sự trân trọng lời nói, làm đúng như lời nói nhân viên khách hàng, với nhà đầu tư. Tất nhiên, với mỗi doanh nghiệp, không khó để xác định niềm tin, làm sao biến nó thành thói quen, duy trì nó. Nhưng làm sao để đưa nó vào quy trình, quy định, phát triển nó, là vấn đề".

Theo ông Peter Bartels - Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và Gia đình toàn cầu PwC Germany, trên bình diện toàn cầu niềm tin vẫn là một trong những điều ưu tiên. Mỗi thị trường khác nhau có đặc điểm khác nhau nhưng ở thị trường nào cũng cần giá trị niềm tin. Các vấn đề về nguồn lực của nhà cung cấp, công nghệ, số hóa… đều là yếu tố để doanh nghiệp tạo dựng giá trị niềm tin và tiếp tục mang lại giá trị - nguồn lực to lớn hơn cho doanh nghiệp, nhưng nhìn chung vẫn chưa được các DNGĐ chú trọng, minh bạch và truyền thông nhiều. 

Theo báo cáo của PwC, các nhà đầu tư ngày nay chia sẻ những giá trị và mục tiêu tương đồng với doanh nghiệp có thể cung cấp khả năng tiếp cận vốn, chuyên môn và trách nhiệm giải trình để giúp doanh nghiệp phát triển và thành công. Do đó, sự tin tưởng của nhà đầu tư là rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp.

>>Đầu tư theo ESG

Khảo sát Nhà đầu tư toàn cầu của PwC cho thấy các nhà đầu tư xem đổi mới sáng tạo và hiệu quả tài chính là hai lĩnh vực ưu tiên nhất đối với các doanh nghiệp.

Trong 5 năm tới, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng, các nhà đầu tư tin rằng các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực quản lý biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo và công bố báo cáo về những nỗ lực này.

Trong hai năm tới, các DNGĐ Việt Nam ưu tiên cải thiện năng lực kỹ thuật số (58%) và tái tư duy hoạt động kinh doanh, cân nhắc thay đổi/điều chỉnh mô hình kinh doanh (50%). Cả hai tỷ lệ này đều cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu và khu vực. Các DNGĐ đã tập trung vào phát triển sản phẩm và dịch vụ, nắm bắt nhu cầu của khách
hàng, thu hút và giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, họ thừa nhận ít tập trung vào ESG và đổi mới sáng tạo/nghiên cứu & phát triển. Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó TGĐ Dịch vụ Tư vấn Thương vụ PwC Việt Nam cho rằng để trả lời câu hỏi tập trung ESG nhằm thu hút nhà đầu tư của DNGĐ nên bắt đầu từ đâu - câu trả lời không quá cao xa là nên bắt đầu tư ngay khung ESG hiện hữu mà hầu như doanh nghiệp nào cũng có , từ đó, phân tích các cơ hội, rủi ro cho chính doanh nghiệp mình.

Theo báo cáo khảo sát, sự mất cân đối giữa các KPI ngắn hạn và việc đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư (bao gồm những kỳ vọng liên quan đến ESG) có thể làm ảnh hưởng đến sự thành công dài hạn.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng xây dựng niềm tin để bảo vệ sản nghiệp gia đình trong bối cảnh hiện nay và tương lai vô cùng quan trọng. Để bảo vệ di sản gia đình, các DNGĐ cần mở rộng trọng tâm và làm quen với cách tiếp cận mới mang tính chuyển đổi để xây dựng niềm tin. Điều này có nghĩa là các DNGĐ sẽ cần phải thay đổi chính sách và thực hành, xem xét lại các ưu tiên và truyền đạt những thay đổi đó tới tất cả các bên liên quan và giữa các thế hệ. Doanh nghiệp cần tập trung vào ba hành động ưu tiên sau:

Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin hai chiều với các bên liên quan:Các DNGĐ cần phải mô hình hóa những lý tưởng mạnh mẽ trong mối quan hệ với các bên liên quan cả nội bộ và bên ngoài, bắt đầu với một hệ thống nội bộ công bằng để báo cáo hành vi sai trái và cơ chế phản hồi rõ ràng cho khách hàng. Đây là những giải pháp hữu hình giúp xây dựng niềm tin.

Xây dựng niềm tin thông qua minh bạch: doanh nghiệp cần báo cáo công khai và thường xuyên về các mục tiêu ESG và DEI cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp so với các mục tiêu đó.

Lên tiếng về các vấn đề xã hội: Các DNGĐ được kỳ vọng sẽ đóng vai trò năng động hơn, tích cực hơn trước các vấn đề xã hội, mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ quan điểm và hành động của mình trước các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, đa dạng giới (LGBTQ+) và đưa lên các diễn đàn công khai hoặc tuyên bố của công ty.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam lần đầu tiên có quỹ mở đầu tư cổ phiếu theo chuẩn ESG

    Việt Nam lần đầu tiên có quỹ mở đầu tư cổ phiếu theo chuẩn ESG

    18:00, 08/06/2023

  • ESG - điều kiện thu hút FDI chất lượng cao

    ESG - điều kiện thu hút FDI chất lượng cao

    03:00, 05/06/2023

  • Những lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp đầu tư cho ESG

    Những lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp đầu tư cho ESG

    03:00, 05/05/2023

  • Doanh nghiệp “ngại” ESG nếu không có cơ chế khuyến khích

    Doanh nghiệp “ngại” ESG nếu không có cơ chế khuyến khích

    02:30, 12/04/2023

  • Sáng kiến ESG hỗ trợ doanh nghiệp Việt thích ứng tiêu chuẩn quốc tế

    Sáng kiến ESG hỗ trợ doanh nghiệp Việt thích ứng tiêu chuẩn quốc tế

    12:21, 08/04/2023

"

.

LÊ MỸ