Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài cuối: Chính sách cho Việt Nam

ThS NGUYỄN HOÀNG NAM 09/10/2023 04:00

Giải pháp hoán đổi nợ bằng các dự án xanh và thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu vừa giúp giảm bớt gánh nặng nợ của các nền kinh tế...

>>>Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 4: Gặp nhau ở tần số nào?

Một là, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý cho giải pháp hoán đổi nợ xanh. Để cải thiện bình đẳng kinh tế và hành động vì khí hậu, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể hoán đổi các khoản thanh toán nợ quốc gia để đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoán đổi nợ xanh, chính phủ Việt Nam đã phải có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong việc nghiên cứu tiền khả thi các dự án một cách chặt chẽ, đảm bảo năng lực tài chính (ngân sách nhà nước), tuân thủ cam kết minh bạch và uy tín quốc tế thông qua các chương trình chi tiêu quốc gia hài hòa.

Giải pháp hoán đổi nợ bằng các dự án xanh và thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu vừa giúp giảm bớt gánh nặng nợ của các nền kinh tế, vừa góp phần đẩy nhanh hiệu quả phát triển môi trường bền vững. Ảnh minh họa

Giải pháp hoán đổi nợ bằng các dự án xanh và thúc đẩy phát triển tài chính khí hậu vừa giúp giảm bớt gánh nặng nợ của các nền kinh tế, vừa góp phần đẩy nhanh hiệu quả phát triển môi trường bền vững. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, quá trình đàm phán hoán đổi nợ xanh giữa chủ nợ và bên vay nợ phải được thiết lập có lộ trình chuẩn bị, dưới hình thức văn bản ký kết ở phạm vi quốc gia. Các văn bản này sẽ có sức ảnh hưởng lớn đối với chiến lược và chính sách quốc gia nên Việt Nam cần xem xét xây dựng khung chương trình về hoán đổi nợ xanh dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Ở một góc nhìn khác, pháp luật trong nước quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định 94/2018/NĐ-CP, hoán đổi nợ là việc cùng mua, cùng bán 02 hoặc nhiều hơn các khoản nợ khác nhau của cùng một chủ thể phát hành tại cùng một thời điểm với mục tiêu cơ cấu lại danh mục nợ. Tính đến hiện tại, nước ta chỉ có quy định hoán đổi nợ với 3 sản phẩm là cổ phiếu (Điều 50 Nghị định 155/2020/NĐ-CP), trái phiếu (khoản 7 Điều 8 Nghị định 93/2018/NĐ-CP) và tài sản bảo đảm (Nghị định 65/2022/NĐ-CP), Việt Nam chưa thiết lập những quy định cụ thể đối với hoán đổi nợ xanh.

Hai là, xây dựng chính sách quốc gia về hoán đổi nợ xanh và tài chính khí hậu có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam trong cả vấn đề giải quyết tình trạng hoán đổi nợ lấy dự án khí hậu nói riêng và tài trợ thúc đẩy phát triển môi trường quốc gia nói chung. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần xác định tiềm năng và vai trò của giảm gánh nặng tài chính đến từ các khoản đầu tư phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Ngoài ra, một cách khác mà Việt Nam có thể cân nhắc khi triển khai các chương trình tài chính khí hậu và hoán đổi nợ xanh là xây dựng thêm các chính sách trợ cấp có điều kiện về khí hậu và cơ cấu lại nợ toàn diện theo phương thức tối ưu nhất (quản lý việc vay và cho vay, giám sát tiến độ thực hiện dự án hoán đổi nợ xanh, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bên tham gia).

>>>Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 3: Bàn về tài chính khí hậu

Ba là, phát triển thị trường tín chỉ các-bon giúp giảm áp lực lên bài toán chọn lựa giữa kinh tế và môi trường. Hoạt động phát triển thị trường các-bon trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016 và Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 về phê duyệt đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới, Việt Nam có kế hoạch hình thành và phát triển thị trường tín chỉ các-bon, cụ thể như nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, kinh doanh tín chỉ các-bon do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường các-bon được giao cho Bộ tài chính chủ trì. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế giao dịch tín chỉ các-bon trên thị trường, bao gồm thủ tục đăng ký trực tuyến, sàn giao dịch tín chỉ các-bon, chính sách thanh toán vẫn chưa hoàn thiện.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần thiết lập cơ chế đầy đủ, minh bạch trong giao dịch để tạo sự an tâm đối với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, hướng đến xây dựng sản phẩm thân thiện với môi trường và phát triển thị trường tài chính bền vững. Qua đó, thu hút các Quỹ đầu tư khí hậu (CIF), Quỹ khí hậu xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tham gia vào thị trường tài chính và các chương trình, dự án về phát triển môi trường ở nước ta.

Có thể bạn quan tâm

  • 12 định chế tài chính tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam

    12 định chế tài chính tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam

    14:00, 02/10/2023

  • Điều gì đang chờ đợi AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng?

    Điều gì đang chờ đợi AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng?

    02:00, 02/10/2023

  • Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 2: Hoán đổi nợ xanh trên thế giới

    Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 2: Hoán đổi nợ xanh trên thế giới

    04:02, 06/10/2023

  • Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 1: Hoán đổi nợ xanh trong thời đại mới

    Sự giao thoa giữa kinh tế và môi trường - Bài 1: Hoán đổi nợ xanh trong thời đại mới

    05:00, 05/10/2023

  • Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững

    Tăng khả năng tiếp cận tài chính xanh bền vững

    02:30, 25/09/2023

  • Khơi dòng tài chính xanh: “Định danh” trái phiếu xanh

    Khơi dòng tài chính xanh: “Định danh” trái phiếu xanh

    03:02, 11/09/2023

ThS NGUYỄN HOÀNG NAM