Cần có trần lãi suất vay tiêu dùng và sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng

LÊ MỸ 30/11/2023 11:27

Theo đại diện Bộ Tư pháp, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính...

>>>Nợ xấu tăng thêm do đâu?

Đây là một trong số các vướng mắc căn bản khiến xuất hiện trong thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ.

Quy định hiện hành tiềm ẩn rủi ro dẫn đến tranh chấp

TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) chia sẻ tại hội thảo "Xóa sổ tín dụng đen bằng cách nào", xét về tổng thể Luật và các quy định, đang có sự chồng lấn và các khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện, hỗ trợ các công ty tài chính thu hồi nợ.

Đại diện cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Công An đều nhận định Quy định tổ chức tín dụng được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp; trách nhiệm các cơ quan trong việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…).

Đại diện cơ quan Bộ Tư pháp, Bộ Công an đều nhận định, việc triển khai quy định tổ chức tín dụng được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp; trách nhiệm các cơ quan trong việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…) là cần thiết để "xác thực" tín nhiệm của người đi vay

Chẳng hạn như với pháp luật về tín dụng tiêu dùng, hoạt động cho vay tiêu dùng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản ở tầm thông tư (Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, Thông tư 18/2019/TT-NHNN, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN,…) với nhiều quy định mang tính điều kiện, điều cấm và cần nghiên cứu nâng tầm các văn bản này.

Các văn bản về tín dụng tiêu dùng còn tiếp cận mối quan hệ giữa người cho vay (ngân hàng thương mại, công ty tài chính) với người đi vay ở góc độ người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế và thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay (tổ chức tín dụng).

Tuy nhiên các quy định hiện hành còn tiềm ẩn những vấn đề dễ dẫn đến tranh chấp, lợi dụng để khiếu nại, chây ì thực hiện nghĩa vụ của người đi vay, như về lãi suất, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng, khoản 1 Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN), lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của các tổ, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng… "Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính", bà Thanh nói.

>>>Nợ xấu tiềm ẩn từ cho vay tiêu dùng

>>> Tín dụng đen diễn biến phức tạp, công ty tài chính kẹt nạn bùng nợ

Trong khi đó tại Thông tư 18 năm 2019 của NHNN, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay của các tổ, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

“Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ” - Tiến sĩ Thanh nhận định.

Hay như ở góc độ pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, Điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 quy định “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là một trong những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Từ việc coi đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhà nước đã chuyển sang trạng thái cấm kinh doanh, việc thay đổi chính sách lập pháp đã ít nhiều tạo ra sự hẫng hụt, khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi không còn có thể sử dụng dịch vụ này để thu hồi nợ và loay hoay trọng việc sử dụng giải pháp khác để thay thế.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 chưa rõ ràng trong việc đăng ký hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, dẫn đến một số doanh nghiệp vẫn thực hiện hoạt động cho vay chuyên nghiệp, trong khi Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định “nghiêm cấm cá nhân, tổ chứ không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán” (khoản 2 Điều 8)...

Lãi, phí vay tiêu dùng của Việt Nam tương đối cao

Việt Nam hiện được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Mức lãi suất vay tiêu dùng phổ biến mà các công ty tài chính áp dụng từ 40 - 50%/năm, cá biệt, một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm.

Lãi suất, phí cho vay tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá còn tương đối cao

Lãi suất, phí cho vay tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá còn tương đối cao

Trong khi đó, kinh nghiệm một số nước như tại Nhật Bản, trần lãi suất vay tiêu dùng là 20%/năm. Còn ở Ấn Độ, lãi vay tiêu dùng dao động trong khoảng 12-48%/năm; tại Brazil là 30-70%; tại Mỹ, chỉ khoảng 8-36%/năm; Trung Quốc áp dụng từ 10-40%/năm.

Các nước cho rằng việc kiểm soát lãi vay với việc áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, trần lãi suất cho vay tiêu dùng cũng bảo vệ quyền lợi của bên đi vay.

Theo đó, bà Thanh đề nghị kiểm soát chi phí như phí phạt quá hạn, phí thẩm định… Bởi theo kinh nghiệm tại Nhật Bản, bất kể các món tiền gồm lãi suất, các khoản phí như phí kiểm tra, phí hoa hồng, phí giảm giá,… đều được tính là lãi suất.

Do vậy, Việt Nam cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay. Mức lãi suất 85%/năm là khó có thể chấp nhận được, gây rủi ro cho bên cho vay.

Nghiên cứu mô hình sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng

Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và bền vững, Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Thanh kiến nghị cần xây dựng khung khổ pháp lý nhằm nâng cao nghĩa vụ của người đi vay với tổ chức tín dụng và có các biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bên đi vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ, không thể chây ỳ trả nợ.

"Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay; hạn chế những tranh chấp xảy ra do người vay không trả nợ, cho rằng lãi suất, các khoản phí quá cao, muốn tuyên bố phần quá cao không hợp lý là vô hiệu. Tiếp cận với quan điểm của một số quốc gia về việc kiểm soát lãi vay cho thấy phương pháp áp dụng lãi suất trần đối với riêng các khoản vay tiêu dùng sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của bên vay trước những bất cập từ hoạt động cung cấp tín dụng của các công ty tài chính. Việc quy định mức trần lãi suất là chính sách mà nhiều quốc gia đang theo đuổi", đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Các quy định hiện hành thực tế vẫn tiếp cận theo hướng người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Trong khi đó, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ đảm bảo lợi ích chính đáng của người cho vay công ty tài chính tiêu dùng.

Đơn cử, Thông tư số 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước có quy định về thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng, không đe dọa khách hàng. Số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h; Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bà Thanh cho rằng cần hoàn thiện các quy định pháp luật đề xuất xây dựng một số văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật về mua bán nợ, Luật Dữ liệu cá nhân, Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giao dịch điện tử.

Đáng chú ý, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần cho phép một số hoạt động thu hồi nợ trong phạm vi nhất định (kinh doanh có điều kiện); đồng thời nghiên cứu mô hình sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nợ xấu ngân hàng “tăng nóng”: Cách nào “giảm nhiệt”?

    Nợ xấu ngân hàng “tăng nóng”: Cách nào “giảm nhiệt”?

    02:50, 20/11/2023

  • Nhiều TCTD cắt giảm cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu phát sinh

    Nhiều TCTD cắt giảm cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu phát sinh

    16:04, 16/11/2023

  • Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng chưa đủ mạnh

    Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng chưa đủ mạnh

    05:00, 20/11/2023

LÊ MỸ