Nợ xấu ngân hàng “tăng nóng”: Cách nào “giảm nhiệt”?

NGUYỄN GIANG 20/11/2023 02:50

“Nợ xấu tăng phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chật vật trả nợ. Do đó, cần các giải pháp mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém…”.

Đây là quan điểm của chuyên gia, TS. Nguyễn Hữu Huân xung quanh câu chuyện nợ xấu tại các ngân hàng tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Vị chuyên gia này cho rằng, nợ xấu tăng có thể gây căng thẳng thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn với hệ thống ngân hàng, nên cần các giải pháp rốt ráo hơn để xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

>>Nợ xấu “phình to”, ngân hàng gặp “khó"

hihihihi

Nợ xấu tăng có thể gây căng thẳng thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn với hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa

Nợ xấu liên tục gia tăng

Theo đó, số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 8/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 5,12%. Trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 144,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2023, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 425,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Trước đó, tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.

Trong khi đó, khảo sát của Công ty Chứng khoán VNDIRECT từ báo cáo tài chính quý III/2023 của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trung bình là 2,24%, mức cao nhất kể từ năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng lớn tăng tốc đáng kể. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu trong quý III/2023 tăng lên 1,21% so với 0,83% vào cuối quý II/2023. Tại Ngân hàng MBBank, nợ xấu vào cuối quý III/2023 đạt 1,89% - mức cao nhất kể từ năm 2016. Tại Ngân hàng Techcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,4% từ mức 1,1% của cuối quý II/2023. Tại Ngân hàng TPBank, tỷ lệ nợ xấu từ mức 0,84% đầu năm 2023, tăng nhanh lên mức 2,2% vào cuối quý II/2023 và đạt 3% vào cuối quý III/2023…

Xem xét các yếu tố để ứng phó

Xung quanh câu chuyện này, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nợ xấu tăng tuyến tính trong những tháng qua phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chật vật trả nợ. Đáng chú ý, theo vị chuyên gia này, số nợ xấu tăng cũng có thể do nhiều khoản nợ nhóm cần chú ý (nhóm 2) buộc phải sang nhóm nợ xấu do không còn đáp ứng điều kiện gia hạn nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

“Tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên tới trên 5% là con số rất cao, song vẫn chưa phản ánh hết thực trạng chất lượng tài sản ngân hàng, bởi nhiều khoản nợ vẫn còn được tiếp tục gia hạn nợ theo quy định. Trong thời gian tới, vấn đề nợ xấu có thể sẽ căng thẳng hơn khi lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ sẽ đến hạn và buộc phải tính vào nợ xấu, tình hình sản xuất, kinh doanh chưa hồi phục mạnh mẽ. Do đó, nợ xấu có thể sẽ chạm đỉnh vào quý IV năm nay hoặc quý I/2024. Chỉ khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì triển vọng nợ xấu mới có thể bớt xấu”, ông Huân chia sẻ.

Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Huân, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã nỗ lực thực hiện việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và ghi nhận một số kết quả nhất định, song nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo với ngành ngân hàng trong thời gian tới. Xét trong bức tranh chung có thể thấy, nếu việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chậm chạp thì “cục máu đông” này có thể sẽ lan rộng, gây căng thẳng thanh khoản và rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống.

“Cần các giải pháp mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để quy trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng thị trường mua bán nợ công khai, minh bạch để thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư”, vị chuyên gia kiến nghị.

>>Lật tẩy chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng

hihiii

Chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu cần tăng cường hơn nữa quyền của chủ nợ. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, chuyên gia Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhận định, nợ xấu gia tăng là điều tất yếu, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta ứng xử với nó như thế nào. "Không nên quá lo ngại về câu chuyện nợ xấu gia tăng, nhưng cũng cần xem xét kỹ 4 yếu tố để có những ứng phó kịp thời", ông Hòe nói.

Theo đó, các ngân hàng thương mại phải gia tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro, điều này có thể làm các ngân hàng suy giảm rất lớn về lợi nhuận, nhưng đây là điều đương nhiên. Để xử lý vấn đề này, NHNN cũng đã cho giãn thời gian trong 2 năm, mỗi năm 50% làm giảm áp lực cho các ngân hàng.

Ngoài ra, nợ xấu tăng lên thì rõ ràng cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp sẽ mất đi. Bởi vì, khi doanh nghiệp có nợ xấu nhảy sang nhóm 3, thì theo quy định sẽ không được cấp tín dụng nữa. Câu chuyện này được NHNN tạm xử lý bằng thông tư cho phép giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Nhưng nếu đã cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ mà vẫn tiếp tục rơi vào nợ xấu thì buộc phải chấp nhận.

Chuyên gia cũng cho rằng, việc sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu cần tăng cường hơn nữa quyền của chủ nợ. Các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, bởi vì bảo vệ hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh chính là bảo vệ sự lành mạnh, phát triển của nền kinh tế.

"Nếu chúng ta không ủng hộ các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu thì sẽ rất khó để họ có nguồn tiền quay trở lại để tiếp tục cho vay", ông Hoè nói. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, cần hình thành thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam một cách minh bạch và phải chấp nhận nguyên tắc thị trường một cách đơn giản.

“Cần một hành lang pháp lý đối với câu chuyện mua bán nợ xấu, tạo động lực cho thị trường phát triển. Thêm nữa, dịch vụ đòi nợ thuê cần minh bạch và được kiểm soát. Các dịch vụ mua bán nợ, đòi nợ thuê cần được phát triển một cách chuyên nghiệp dựa theo các hành lang pháp lý của Chính phủ để hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu”, chuyên gia Phạm Xuân Hòe nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nợ xấu “phình to”, ngân hàng gặp “khó

    Nợ xấu “phình to”, ngân hàng gặp “khó"

    03:10, 16/08/2023

  • Lật tẩy chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng

    Lật tẩy chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng

    11:15, 29/10/2023

  • Cần cơ chế cởi mở hơn để xử lý nợ xấu

    Cần cơ chế cởi mở hơn để xử lý nợ xấu

    17:27, 14/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nợ xấu ngân hàng “tăng nóng”: Cách nào “giảm nhiệt”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO