4 tips bỏ túi để gửi tiền tiết kiệm đảm bảo an toàn
Càng gần Tết nguyên đán Tân Sửu, những thông tin, vụ việc bốc hơi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng càng khiến khách hàng quan tâm hơn về việc làm sao để gửi tiền tiết kiệm an toàn.
Các chuyên gia cho biết thời gian gần đây, việc “chọn mặt nhà băng gửi tiền” đã không còn là ưu tiên duy nhất. Theo đó, lãi suất huy động tiết kiệm càng xuống thấp, người dân càng có xu hướng ưu tiên chọn các nhà băng "phát giá" trả lãi cao hoặc thêm nhiều lợi ích khác để gửi tiền. Song dù ngắn hạn hay về lâu dài, để tiết kiệm vừa kênh bảo toàn vốn an toàn nhất vừa có thể sinh lời thêm khoản nhàn rỗi, đồng thời tránh rơi vào các tình huống không mong đợi dù hi hữu khi mất tiền gửi, người dân cần lưu ý một số vấn đề sau.
Đảm bảo đúng quy trình gửi tiền
Người gửi tiền được khuyến nghị nên tuân thủ đúng quy trình gửi tiền tại ngân hàng, vì các ngân hàng là tổ chức tín dụng đều hoạt động theo quy định, hướng dẫn của Luật các tổ chức tín dụng, quy định của Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng nên tự mình thực hiện các thủ tục gửi tiết kiệm tại quầy theo hướng dẫn của giao dịch viên ở chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng, không nhờ hoặc ủy thác cho bất kỳ ai.
Ngược lại, người gửi tiền cũng có quyền yêu cầu các nhân viên ở chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng phải tuân thủ đúng quy trình mở sổ gửi tiết kiệm, dưới sự giám sát có tính hệ thống và có ghi nhận của camera. Tuyệt đối không chấp nhận giao dịch bên ngoài phòng giao dịch dù nhân viên ngân hàng là người quen, thân.
“Một số khách hàng vì lý do cá nhân thường không muốn xuất hiện tại ngân hàng. Hơn thế, đôi khi là khách VIP nên cũng được nhân viên ngân hàng chuyên biệt phục vụ riêng, sẵn sàng đến tận nơi. Do đó, một số người có thói quen gửi tiền trước, nhận sổ sau, ủy thác trên tư cách cá nhân với nhân viên không có sự giám sát, ghi nhận của hệ thống. Đây là lý do thường tạo các lỗ hổng để dễ thất thoát, bốc hơi, gian lận khoản tiền gửi. Khách hàng nên tuyệt đối nói không với các lựa chọn này", chuyên gia nhấn mạnh.
Thường xuyên kiểm tra mọi chi tiết tiền gửi
Thực tế cho thấy có nhiều khách hàng khi gửi tiền tiết kiệm, nhận sổ được nhân viên giao, chỉ đọc qua loa thông tin hoặc thậm chí không đọc, kiểm sổ tiết kiệm trước khi rời khỏi quầy giao dịch. Lại có người mang sổ về và…quên. Vì vậy mới có tình trạng có khách hàng gửi sổ tại một nhà băng lớn, đến mấy…chục năm sau mới nhớ ra và đi kiểm tra, bất ngờ vì nhận được khoản lãi dồn giá trị khủng. Tuy đây chỉ là trường hợp hi hữu song chuyên gia nhấn mạnh: Khách hàng nên luôn kiểm tra sổ của mình ngay khi giao dịch xong cũng như cất sổ ở nơi an toàn, kiểm tra định kỳ.
Với khách hàng mở sổ tiết kiệm online, nên kiểm tra đúng địa chỉ website chính thức ngân hàng trước khi đăng ký và giao dịch gửi tiền. Sau khi mở tài khoản tại ngân hàng gửi tiền thì nên thường xuyên kiểm tra tài khoản tiết kiệm/ tài khoản có. Ngoài ra nên đăng kí thêm dịch vụ báo tin nhắn qua SMS Banking để theo dõi bất kỳ biến động nào trong tài khoản.
“Mặc dù ngoài Luật các Tổ chức Tín dụng, hiện nay ngành ngân hàng đã ban hành nhiều quy định gửi tiền với các Thông tư, văn bản dưới Luật như Thông tư 48 đưa ra các quy định cụ thể về đối tượng gửi tiết kiệm, hình thức tiền gửi tiết kiệm, địa điểm nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm…Theo đó, người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của TCTD và xuất trình giấy tờ xác minh định danh của người gửi tiền/người đại diện theo pháp luật. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn giao dịch cho cả TCTD và người gửi tiền; hay Thông tư 49 nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của pháp nhân, cá nhân là người cư trú và người không cư trú muốn gửi tiền có kỳ hạn khi có nguồn tiền nhàn rỗi hoặc thu nhập hợp pháp… Nhưng“đồng tiền liền khúc ruột” – người gửi tiền phải luôn là chủ động kiểm tra các khoản tiền gửi của mình”, Lãnh đạo một ngân hàng khuyến nghị và khẳng định thêm đây không phải là hàm ý “đẩy bóng trách nhiệm” cho người gửi tiền; mà là để đảm bảo sự chắc chắn trước hết vì lợi ích của người gửi và sau nữa vì chính TCTC. "Bởi không TCTD nào đã nhận tiền gửi của khách hàng, lại muốn xảy ra các vụ việc bốc hơi, biển thủ, làm gian lận…tiền gửi của khách hàng”.
Không để lộ thông tin sổ/ tài khoản tiết kiệm của mình dưới bất kỳ hình thức nào
Lãnh đạo của một ngân hàng cũng cho biết, trong thực tế có rất nhiều tình huống khác nhau mà người gửi tiền khi có vụ việc xảy ra, không biết để lộ thông tin từ đâu.
Chẳng hạn như nhiều bạn trẻ với khoản tiết kiệm đầu tiên có trong đời, mở xong tài khoản tiết kiệm, có thể “hứng chí” chụp hình nguyên cuống sổ chia sẻ với bố mẹ, thậm chí chia sẻ ngoài vòng bạn bè trên mạng xã hội. Một số trường hợp đôi khi còn vì mục đích chứng minh tài chính cá nhân, xác nhận sổ tiết kiệm và chia sẻ thoải mái cho các tổ chức, dịch vụ bên ngoài… mà không nắm rõ thông tin của mình sẽ “lưu lạc” tới đâu. Đây đều các lổ hổng cho tội phạm lợi dụng có các hành vi sai trái.
Bên cạnh đó, không loại trừ vẫn có những nhân viên, giao dịch viên không đảm bảo đạo đức của người làm ngân hàng. Chỉ cần có sơ hở và trước sự hớ hênh của giá trị tiền kèm thông tin phơi bày hoàn toàn hay, sự dễ dãi, ủy quyền, tin tưởng quá mức của khách hàng...có thể bị cám dỗ. Do đó, khách hàng tuyệt đối không cho mượn sổ tiết kiệm; không ký khống giấy tờ; nếu rơi vào trường hợp mất sổ hoặc thấy có giao dịch bất thường trên tài khoản phải thông báo kịp thời cho ngân hàng. Khách hàng không nên chia sẻ các thông tin cá nhân cũng như thông tin tiết kiệm cho người không tin tưởng. Cũng như không vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro và tuân thủ các quy định, lưu ý (nếu có) bổ sung, trong giao dịch trực tuyến.
An toàn hàng đầu, lãi suất… theo sau
Một lần nữa, các chuyên gia nhấn mạnh mặc dù bất kỳ người gửi tiền nào cũng sẽ căn cứ trên việc ngân hàng trả lãi suất cao hay thấp để làm căn cứ cân nhắc và quyết định sự lựa chọn nơi gửi tiền. Chính vì thế, hệ thống các ngân hàng trước nay luôn chạy đua về ưu đãi lãi suất để thu hút các đối tượng khách hàng của mình ngày một nhiều hơn và hơn ai hết khách hàng là người được hưởng những ưu đãi này. Thậm chí có những khách hàng có giá trị tiền dự kiến gửi lớn, sẵn sàng tìm kiếm và có đàm phán tiền gửi có lợi nhất, nhưng lại không ưu tiên hay chú trọng tuân thủ các yêu cầu gửi tiền theo quy định chung.
Vì vậy, bên cạnh lãi suất, khách hàng nên tùy vào nhu cầu của bản thân mà chọn sản phẩm tiết kiệm cho phù hợp nhưng phải an toàn và hợp lý, đúng mọi quy định, dù là gửi tiết kiệm có kỳ hạn nào, mở tại quầy hay online.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến nghị ngày nay các ngân hàng cũng đã đầu tư công nghệ hiện đại và triển khai xác thực định danh điện tử (e-KYC). Khách hàng nên dành thời gian để được nhân viên tư vấn công nghệ này, đăng ký thông tin và xác thực định danh để đảm bảo có thể giao dịch tiện ích, an toàn và bảo mật, đặc biệt tiết kiệm thời gian cho các lượt giao dịch online về sau.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 11/1 – 17/1: Bitcoin vượt đỉnh, tín dụng nào cho DNNVV lãi suất từ 2%?
06:00, 17/01/2021
Nhiều khả năng nửa đầu năm 2021, NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành
05:00, 13/01/2021
“Kỷ nguyên lãi suất cho vay thấp”
11:30, 15/12/2020
Lãi suất cho vay có thêm dư địa giảm
11:30, 30/11/2020
Vẫn còn khả năng giảm lãi suất cho vay
11:30, 29/10/2020
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: "Bùng nổ" làn sóng giảm lãi suất cho vay mới?
06:00, 24/10/2020