Địa ốc Alibaba đã lừa hơn 5.700 khách hàng thế nào?
Không chỉ thu hút dư luận về số bị hại lên tới 5.700 người và số tài sản thiệt hại là vô cùng lớn, vụ việc lừa đảo xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba còn đình đám với những “cú lừa thế kỷ”…
>>> Bắt lãnh đạo Địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
>>> Tiếp tục đề nghị truy tố Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba
Ngày 14/11, Cơ quan Công an TP. Hồ Chí Minh thông tin, đơn vị này đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).
Kết luận điều tra bổ sung xác định Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án ma. Sau đó, thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, để lừa bán cho hàng nghìn bị hại, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Tháng 9/2019, Công an TP. Hồ Chí Minh khám xét trụ sở Công ty Alibaba, thu giữ 9,2 tỷ đồng, phong tỏa 45,5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng; kê biên tổng cộng 650 thửa đất với tổng diện tích hơn 447 ha. Ngoài ra, qua công tác định giá, cơ quan chức năng xác định nhiều tài sản giá trị gần 1.478,8 tỷ đồng và các ôtô để bảo đảm thi hành án, khắc phục hậu quả.
Đến nay, vụ án có hơn 5.700 bị hại, theo kết luận điều tra bổ sung kết quả giám định, 257 miếng kim loại màu vàng có chữ Địa Ốc Alibaba thu được trong quá trình khám xét công ty này là vàng, trị giá gần 750 triệu đồng.
Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi), Nguyễn Thái Lĩnh (32 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền; Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.
Từ mẻ lưới “trượt” đầu tay…
Năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Alibaba với ngành nghề môi giới bất động sản, trong đó Luyện là Chủ tịch HĐQT với số vốn góp là 80%, số còn lại do hai em trai là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực nắm giữ.
Để thực hiện mưu đồ lừa đảo, cuối năm 2017, nhận thấy nhiều người dân quan tâm đến các dự án bất động sản ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Luyện chỉ đạo cho “tay chân” của mình là Nguyễn Tú Trinh thảo văn bản gửi Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc đề nghị hợp tác đầu tư rồi tự ý vẽ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 trên khu đất ở xã Tân Phú Trung.
Mặc dù chưa được Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc chấp nhận hợp tác đầu tư (theo thông báo của ông Huỳnh Minh Cường – Phó ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc), nhưng Luyện đã cho nhân viên phát thông tin quảng cáo mời đặt chỗ dự án Tây Bắc Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh khu vực VIII-3 với giá 5.500.000đ/m2.
Theo thông tin giới thiệu thì dự án có tổng diện tích 97,58ha, pháp lý - sổ đỏ, thổ cư 100% nằm ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, sau khi nộp tiền đặt chỗ, một số khách hàng phát hiện 2 Công ty này (thực chất là Công ty mẹ và Công ty con) có hành vi rao bán dự án khi chưa có đầy đủ các thủ tục cần thiết nên đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng.
Đến thời điểm bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các dự án “ma” ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, cơ quan Công an phát hiện Luyện vẫn còn nợ những khách hàng đặt chỗ ở khu đô thị Tây Bắc hàng chục tỷ đồng.
Đến ngày 21/11/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an xác định, Công ty Alibaba của Luyện đã nhận đăng ký đặt chỗ của 493 khách hàng với tổng số tiền thu được là 16,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm này, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra văn bản số 7957 giao cho Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an TP. Hồ Chí Minh tiến hành làm rõ vụ việc để xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, đơn vị này cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Củ Chi, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh tiến hành họp báo công khai để cảnh báo người tiêu dùng về những thông tin sai sự thật của Công ty Alibaba.
Để tránh bị xử lý về tội lừa đảo, và tạo uy tín giả tạo nhằm phục vụ cho hành vi lừa đảo sau này, Luyện đã chỉ đạo cho nhân viên trả lại một phần tiền đặt chỗ cho khách hàng và tự mình viết tâm thư xin lỗi.
… cho tới những chiêu trò tinh vi, liều lĩnh
Rút kinh nghiệm từ mẻ lưới “trượt” trước đó, Nguyễn Thái Luyện cùng đám “tay chân” xây dựng kịch bản lừa đảo theo kiểu đa cấp và chỉ tập trung vào đất nông nghiệp theo từng công đoạn.
Đầu tiên, Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, đưa cho hai em trai là Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh và một số nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Ngay sau đó, những người này lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các Công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.
Có được ủy quyền từ hai em trai cùng đám nhân viên thân tín với tư cách là chủ đầu tư, Luyện và Công ty Alibaba đã tự vẽ Dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa chỉ từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…), dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất.
Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án mà hắn tự vẽ với Công ty Alibaba để Công ty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng.
>>> Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nội dung báo phản ánh liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba
>>> Bắt lãnh đạo Địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngoài ra, Luyện còn tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng mà đồng ý mua. Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký Hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng Quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Nhằm đánh vào lòng tham của khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc cao hơn từ 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Để thu hút đông khách hàng, Luyện lập ra hàng loạt công ty con giao cho những người thân trong gia đình và nhân viên thân tín đứng tên và lập 2 công ty để rửa tiền gồm: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Địa ốc Xanh có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và Công ty CP Địa ốc Long Thành Ali ở Đồng Nai với vốn ban đầu 20 tỷ đồng giao cho em út là Nguyễn Thái Lực (sinh năm 1999) làm Giám đốc.
Theo kịch bản đã định sẵn, sau khi nhận tiền của nhà đầu tư từ các dự án, Luyện chuyển sang cho 2 công ty này để Lực thực hiện việc mua đất nông nghiệp rồi sang tên mình. Cũng với mục đích lôi kéo thật đông khách hàng, Luyện còn chỉ đạo Lĩnh, Lực cùng những người đại diện pháp luật của các công ty thành viên do Luyện lập ra liên tục tuyển nhân viên bán hàng và ràng buộc họ bằng cách yêu cầu bỏ một ít tiền mua một lô đất, số còn lại trả chậm tùy theo quá trình làm việc.
Khi các nhân viên bán hàng này biết Luyện bán cho họ đất nông nghiệp thì Luyện yêu cầu họ tìm khách bán để gỡ gạc, từ đó biến những nhân viên này thành mắt xích trong hệ thống đa cấp, cho đến thời điểm bị bắt, số nhân viên trong các công ty của Luyện lên đến hơn 2.600 người.
Đáng nói, dù đang bị nhiều khách hàng khiếu kiện và biết cơ quan Công an đang vào cuộc điều tra, nhưng ngày 17/6/2019, Luyện vẫn chỉ đạo cho cấp dưới kí hợp đồng mua 179 ha của dự án Thiên Thai Gia Trang tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với tổng giá trị 175 tỷ đồng, đặt cọc trước 35 tỷ.
Toàn bộ dự đã nêu là đất nông nghiệp không cho phép chuyển đổi công năng nhưng để tranh thủ vơ vét, Luyện đã cho nhân viên tự vẽ bản đồ phân thành 8.752 lô đất nền và đặt tên dự án là Ali Venice City rồi rao bán trên mạng, đến thời điểm bị bắt, Luyện nhận hàng chục tỷ tiền đặt cọc của hàng trăm khách hàng.
Dư địa của vụ việc không chỉ nằm ở những con số “khổng lồ” về bị hại và tài sản bị chiếm đoạt, thông qua bài học nhãn tiền này có thể thấy, thủ đoạn và hành vi phạm tội của các đối tượng tội phạm ngày một tinh vi, liều lĩnh, để tránh “sập bẫy”, dù là nhà đầu tư hay người tiêu dùng luôn cần sự tỉnh táo và trang bị cho mình những thông tin cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
[eMagazine] Địa ốc Alibaba đưa hàng nghìn bị hại… “sập bẫy”
04:30, 01/08/2021
Hơn 900 đơn tố cáo địa ốc Alibaba, “mất bò mới lo làm chuồng”!
09:05, 30/09/2019
Bắt lãnh đạo Địa ốc Alibaba về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
15:48, 18/09/2019
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nội dung báo phản ánh liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba
18:04, 14/08/2019
Chủ tịch Công ty địa ốc Alibaba bị xử phạt 7,5 triệu đồng
17:21, 01/08/2019