Sách giả, sách lậu đang “triệt tiêu” sự sáng tạo!
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, sự nguy hiểm của sách giả, sách lậu là rất rõ ràng, nó triệt tiêu sự sáng tạo, làm sai lệch thông tin từ đó gây ra những tác động xấu đến xã hội…
Hiện nay, thị trường sách ngày càng phong phú thì số lượng sách giả, sách lậu cũng tăng theo cấp số nhân. Theo thống kê của nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thì kể từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 500.000 bản sách và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu tại rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Tương tự, Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cho biết đã phát hiện trên 700 đầu sách của mình bị in lậu, làm giả, bị xâm phạm bản quyền dưới mọi hình thức.
Hình phạt chưa đủ nghiêm…
Việc làm sách giả, sách lậu mang lại nguồn lợi khổng lồ nhưng mức phạt không đáng kể. Do vậy, các hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép vẫn diễn ra với quy mô lớn và ngày càng phức tạp…
Một nghịch lý là trong khi lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là rất lớn do tổ chức, cá nhân in lậu, làm giả và tiêu thụ xuất bản phẩm không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo, trả tiền bản quyền, đóng thuế, chất lượng in, giấy thấp… thì khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ nghiêm. Hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính chứ rất hiếm xử lý hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, hành vi in lậu bị phạt 30-40 triệu đồng, còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
“Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho tình trạng sách lậu “hoành hành” hiện nay”, luật sư Hiệp phân tích.
Thêm nghịch lý nữa khiến hiện trạng sách lậu ngày càng nhức nhối là sự phát triển của công nghệ (khả năng xử lý của máy móc, phần mềm, mạng internet, thương mại điện tử…) góp phần giúp sức cho các hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu dễ dàng hơn quy mô và tốc độ lan truyền ngày càng lớn hơn.
Trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép tại Việt Nam diễn ra với quy mô lớn và tính chất ngày càng phức tạp. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, các nhà xuất bản, và đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nếu không có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này thì nguy cơ bức tử nền xuất bản, thậm chí bức tử cả tri thức.
“Triệt tiêu” sự sáng tạo
Không ít người vẫn quan niệm rằng, sách lậu, sách giả chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với các nhà làm sách chân chính và tác giả cuốn sách, chứ không gây tổn hại đến độc giả. Thậm chí một bộ phận người đọc còn cho rằng mình có lợi vì mua được sách giá rẻ. Tuy nhiên theo phân tích của nhiều chuyên gia thì sự nguy hiểm của sách giả, sách lậu là rất rõ ràng. Nó triệt tiêu sự sáng tạo, làm sai lệch thông tin từ đó gây ra những tác động xấu đến xã hội.
Nghiêm trọng hơn là sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Người quen đọc sách giả cũng dần quen với sự kém chất lượng, vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ lẫn cảm quan thưởng thức của bản thân. Bên cạnh đó, chính tâm lý ham rẻ đã dần tạo ra thói quen mà coi thường chất xám, coi thường công sức của người viết sách và làm ra sách. Chưa kể, những lỗi sai về nội dung, chính tả sẽ phần nào làm sai lệch về nhận thức.
Một quốc gia phát triển phải là nơi bản quyền tác giả được tôn trọng ở mức cao nhất. Người mua sách chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước. Đây chính là nguy cơ dẫn đến việc người đọc trong nước sẽ khó có thể tiếp cận được những đầu sách hay, giá trị trong tương lai.
Có một thực tế đáng buồn là ở nước ta hiện nay, thị trường in ấn ngoài các cá nhân vì hám lợi, bất chấp luật pháp thực hiện hành vi vi phạm, in sách giả, sách lậu, còn có cả các doanh nghiệp, nhà xuất bản cũng nhắm mắt làm liều; tiếp tay cho nạn sách giả, sách lậu hoành hành.
“Không thể chịu đựng được nữa”…
Mới đây, First News – Trí Việt đã chính thức khởi kiện Lazada bởi hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả, vi phạm pháp luật Việt Nam...Theo First News – Trí Việt, từ đầu năm 2019, công ty này đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua trên Lazada với mức giá giảm từ 42-55% (cá biệt có trường hợp lên đến 72%) so với giá bìa.
Trong đó, có rất nhiều đầu sách có được phát hiện là sách giả, không được in ấn, phát hành hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả mà First News – Trí Việt đang sở hữu. Đó là những tác phẩm nổi tiếng nhận được sự mến mộ của bạn đọc trong nhiều năm như: Đắc Nhân Tâm, Hành Trình Về Phương Đông, Hạt Giống Tâm Hồn, Nghĩ Giàu Và Làm Giàu; Đánh Thức Con Người Phi Thường Trong Bạn; Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari; Muôn Kiếp Nhân Sinh…
Theo đại diện First News – Trí Việt, đây sẽ là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ trước thực trạng sản xuất và tiêu thụ hàng giả, sách giả ở Việt Nam. Tình trạng này đã vượt ngưỡng chịu đựng của các tác giả, NXB và đơn vị làm sách.
Có thể thấy, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng chống sách giả sách lậu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản cho mọi người dân thì cũng cần sớm điều chỉnh chế tài xử phạt theo hướng hình sự hóa đối với tội danh in, phát hành sách lậu, sách giả.
Đã đến lúc phải xây dựng một quy định đặc thù đối với sách giả sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc chúng ta cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu. Chỉ có vậy, cuộc chiến với sách giả, sách lậu mới mong được khép lại.
Có thể bạn quan tâm
Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 2): Công lý có bị... “bẻ cong”?
11:30, 01/07/2020
Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 3): Lợi nhuận “cao” - Rào cản “thấp”!?
12:50, 03/07/2020
Vấn nạn sách giả, sách lậu (Bài 4): Mập mờ... khái niệm?
11:01, 08/07/2020
Lực lượng Quản lý thị trường ra quân “truy vết” sách giả, sách lậu
13:30, 08/07/2020
Cận cảnh cuộc “cất lưới” sau hành trình “truy vết” sách giả, sách lậu
17:01, 09/07/2020
Sau màn “cất lưới” sách giả, sách lậu: Pháp luật có được thực thi?
06:50, 10/07/2020
Xử lý vấn nạn sách giả, sách lậu: Cần một chế tài mạnh tay
04:30, 05/08/2020