Giải pháp nào ngăn chặn thuốc lá lậu?

HOÀNG HÀ 20/04/2022 11:30

Tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt và buôn lậu thuốc lá diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới đường bộ, từ phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam đến tuyến biển.

>>Thuốc lá lậu chưa bao giờ hết "nóng" tại vùng biên

Thuốc lá lậu gia tăng sau giãn cách

Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, trong các năm qua, Ban chỉ đạo 389 cùng các lực lượng chức năng đã triển khai hiệu quả các cuộc điều tra biên giới và giám sát thị trường trên toàn quốc, phát hiện thành công nhiều vụ buôn bán thuốc lá bất hợp pháp. Đặc biệt, trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình COVID-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể.

Năm 2020, số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu cũng giảm gần 2%.  Năm 2021, thường trực Ban chỉ đạo 389 đã phối hợp tiêu hủy hơn 2.492.732 bao thuốc lá ngoại bị xử lý tịch thu.

Thuốc lá nhập lậu do Cục Hải quan Đồng Tháp bắt giữ.

Thuốc lá nhập lậu do Cục Hải quan Đồng Tháp bắt giữ.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Thực tế, buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu, và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Một số lượng khác đi qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc. Đặc biệt, trong thời gian gần đây có sự xuất hiện và xâm nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ của thuốc lá lậu thế hệ mới.

Quản lý địa bàn nóng về thuốc là lậu, ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Long An cho biết, bên cạnh thuốc lá lậu một thực trạng đáng lo ngại khác là thuốc lá giả nhãn hiệu 555 và Craven ngay tại biên giới. Đối tượng làm giả từ Campuchia về Việt Nam.

Đại diện Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, ở Đồng Tháp mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu qua biên giới được coi là trọng tâm, trọng điểm của các đối tượng buôn lậu. Các đối tượng lợi dụng điều kiện, địa hình và đời sống kinh tế cư dân ở khu vực biên giới khó khăn để lôi kéo, thuê họ vận chuyển thuốc lá lậu. Các chủ đầu nậu trong nội địa móc nối với đối tượng trong ngoài biên giới để hoạt động và luôn tìm cách đối phó lực lượng chức năng. Hàng lậu được tập kết sát biên giới, quá trình vận chuyển các đối tượng chia thành nhóm sử dụng xe mô tô xem máy, các loại xuồng ghe vận chuyển thuốc lá chạy với tốc độ cao, trang bị thông tin, phương tiện, bố trí người cảnh giới, theo dõi chặt chẽ lực lượng chức năng…  

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu thuốc lá qua biên giới, nhưng do địa bàn rộng, tuyến biên giới qua lại giữa Việt Nam và Campuchia với nhiều đường mòn lối mở nên khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu của cơ sở còn mỏng, chưa được trang bị phương tiện chuyên dụng, chủ yếu sử dụng phương tiện xe gắn máy để tuần tra, kiểm soát, do đó chưa đáp ứng với điều kiện thực hiện nhiệm vụ hiện nay.

Thuốc lá lậu vẫn được buôn bán, sử dụng tràn lan.

Thuốc lá lậu vẫn được buôn bán, sử dụng tràn lan.

Theo các chuyên gia, thực trạng này là do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu. Đơn cử, lợi nhuận thu được từ  một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 - 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc…

Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi; hay việc lợi dụng cư dân sống ở vùng biên giới trung chuyển… cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng biên phòng và các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tình hình.

Ngoài ra, những năm gần đây đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự. Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ…

Giải pháp đồng bộ, toàn diện

Nhiều năm qua, thuốc lá lậu đã trở thành một vấn đề nhức nhối, tác động rất tiêu cực đến hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là ngành mà Thủ tướng Chính phủ đã có 1 Chỉ thị đặc biệt, yêu cầu tất cả các bộ ngành cùng vào cuộc. Điều đó cho thấy tính chất phức tạp, lâu dài, cần sự kết hợp của nhiều lực lượng chứ không phải giải pháp đơn lẻ hay chỉ nỗ lực của một vài đơn vị trong cuộc chiến chống thuốc lá lậu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhìn nhận, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái gây ra tổn hại rất lớn tới kinh tế xã hội, tới môi trường đầu tư, kinh doanh, tới quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Thuốc lá lậu còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của những người dân; gây thất thu ngân sách nhà nước… do vậy cần phải có những giải pháp kiểm soát được vấn nạn này.

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo bàn giải pháp chống buôn lậu thuốc lá

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo bàn giải pháp chống buôn lậu thuốc lá.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống thuốc lá lậu, các chuyên gia cho rằng cần phải triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp. Cụ thể, cùng với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; cần tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này…

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với điều kiện, nhằm triển khai sâu rộng đến cư dân các huyện bên giới. Đồng thời, định hướng chương trình chuyển đổi công ăn việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định để người dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ Campuchia về Việt Nam.

Theo ông Hồ Lê Nghĩa, một trong các giải pháp quan trọng đó là cần trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu. Năm 2021, ngành thuốc lá nộp thêm 430 tỷ, tăng 39,8 tỷ so với năm 2020 cho quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, nhưng công tác sử dụng Quỹ để “thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá” chưa được triển khai.

Hiệp hội cũng kiến nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các địa phương, các lực lượng chức năng: Ra quân kiểm tra, bắt giữ, xử lý hệ thống bán lẻ thuốc lá lậu. Nên thực hiện thường xuyên, liên tục bởi tình trạng này hiện tràn lan, rất dễ phát hiện. 

“Đối với việc chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành khung pháp lý hoặc cơ chế thí điểm cho việc kinh doanh, phân phối sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, tạo hành lang pháp lý cho nguồn cung sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất hợp pháp” – ông Hồ Lê Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, chính sách thuế cũng là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế thuốc lá lậu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiểm soát chất lượng. Do vậy, chúng ta cần phải cân nhắc tăng thuế ở mức độ nào đó, để cân đối với chống buôn lậu thuốc lá.

Trong bối cảnh hiện nay, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã đề xuất chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh việc tăng thuế sốc gây bất ổn thị trường cũng như tạo thêm khoảng trống cho thuốc lá lậu. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cân nhắc lộ trình phù hợp với Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tức việc tăng thuế chỉ nên cân nhắc từ năm 2024 trở đi, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra sự bền vững về an sinh xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền Giang: Thuốc lá lậu ngụy trang nông sản trên xe “luồng xanh”

    Tiền Giang: Thuốc lá lậu ngụy trang nông sản trên xe “luồng xanh”

    16:50, 27/08/2021

  • Vận chuyển 18.000 bao thuốc lá lậu, 3 đối tượng bị khởi tố

    Vận chuyển 18.000 bao thuốc lá lậu, 3 đối tượng bị khởi tố

    10:59, 05/04/2021

  • 7.000 bao thuốc lá lậu bị phát hiện, bắt giữ trên đường vận chuyển

    7.000 bao thuốc lá lậu bị phát hiện, bắt giữ trên đường vận chuyển

    12:24, 03/11/2020

  • Vẫn “nóng” cuộc chiến chống thuốc lá lậu

    Vẫn “nóng” cuộc chiến chống thuốc lá lậu

    19:12, 20/07/2020

  • Chống buôn lậu thuốc lá: Sản xuất thuốc lá giống “gu” hàng lậu

    Chống buôn lậu thuốc lá: Sản xuất thuốc lá giống “gu” hàng lậu

    16:03, 28/05/2021

  • 4 kiến nghị của VTA chống buôn lậu thuốc lá

    4 kiến nghị của VTA chống buôn lậu thuốc lá

    01:30, 24/06/2019

  • Quyết liệt chống buôn lậu thuốc lá

    Quyết liệt chống buôn lậu thuốc lá

    10:48, 01/07/2019

HOÀNG HÀ