Để thương mại điện tử phát triển lành mạnh

KHÔI NGUYÊN 01/06/2023 03:10

Trước những hạn chế, rủi ro của hoạt động thương mại điện tử, chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần siết chặt quản lý, kiểm soát các vi phạm để thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững…

>>Vì sao hàng giả qua thương mại điện tử vẫn tăng?

Hoạt động thương mại điện tử ở nước ta được đánh giá có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, điều này thể hiện trong Báo cáo Kinh tế khu vực Đông Nam Á khi tốc độ tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam đã tăng từ 18 tỷ USD (năm 2021) lên 23 tỷ USD (năm 2022); trong đó thương mại điện tử đóng góp 14 tỷ USD.

hihii

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hoá tại địa chỉ: P2.11.12, Park 2, Khu Đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội...

Dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm tới 32 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kép mạnh mẽ trong giai đoạn năm 2025-2030.

Theo khảo sát vừa công bố của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng cho thấy, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta vẫn phát triển mạnh mẽ từ sau đại dịch Covid-19, với tốc độ tăng trưởng quý I/2023 tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm 2023 vẫn có thể đạt mức tăng trưởng hơn 25% với quy mô hơn 20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm trung bình từ 260-285 USD/người. Với sự phát triển mạnh mẽ này, thương mại điện tử Việt Nam đang được định hướng trở thành bệ phóng của nền kinh tế số.

Song, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, thương mại điện tử còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình phát triển do phải đối mặt với những hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp; sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Nhưng đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", khi mỗi ngày có tới 5-6 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Một khảo sát trong Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) công bố đã chỉ ra, có tới 68% người tiêu dùng được hỏi cho biết trở ngại lớn nhất khi mua hàng trực tuyến vì lo "chất lượng kém so quảng cáo", 52% cho biết "lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ",…

Điều này đang đặt ra những yêu cầu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý thương mại điện tử. Bởi nếu không có biện pháp, công cụ pháp lý hữu hiệu để kiểm soát tốt môi trường trực tuyến, sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng niềm tin của người tiêu dùng, bản thân nền tảng mua hàng trực tuyến và các doanh nghiệp sản xuất cũng dần bị mất uy tín.

Chính vì vậy, ngày 29/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/2023/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động thương mại điện tử được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đề án trên được Chính phủ phê duyệt kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như: hạn chế trong công tác theo dõi, xử lý các vụ việc nổi cộm có lúc còn bị động, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh thì một nguyên nhân khách quan khác khiến hoạt động thương mại điện tử đang còn nhiều lỗ hổng là bởi loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng.

Thế nhưng, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

>>Thuế thương mại điện tử: “Siết”… nhưng cần hợp lý

hhihihii

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện gần 3 tấn nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không có chứng từ liên quan “tuồn” ra thị trường.

Thực tế, việc mua hàng qua mạng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, do có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Cuối tháng 2 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn gần 3 tấn nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không có bao bì nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không có chứng từ liên quan “tuồn” ra thị trường.

Theo đó, qua trinh sát đã phát hiện một trang facebook cá nhân mang tên "Kiều Anh Nguyễn (Elly San)" thường xuyên thực hiện việc "chốt đơn" các sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng thông qua việc livestream và bán hàng trên mạng xã hội.

Đáng nói, toàn bộ số thuốc và thực phẩm chức năng này được đối tượng dùng nguyên liệu trôi nổi, sau đó đóng bao bì nhãn mác của nước ngoài nhằm tạo niềm tin, hòng đánh lừa người tiêu dùng để trục lợi. Nếu số hàng trên "trót lọt", chắc chắn sẽ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng.

Đối tượng này được cơ quan chức năng đánh giá hoạt động chuyên nghiệp và khá tinh vi khi thường xuyên sử dụng nhiều căn hộ cao cấp có an ninh cao làm điểm tập kết hàng hóa, gây khó khăn trong công tác trinh sát, xác minh và tiếp cận. Mọi giao dịch và vận chuyển đều diễn ra rất nhanh chóng thông qua hình thức giao hàng thu hộ tiền (ship cod) nên việc xóa dấu vết rất nhanh.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, đây chỉ là 2 trong số những vụ việc điển hình được lực lượng quản lý thị trường triển khai nhằm thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử theo Quyết định số 319/QĐ-TTg đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành; thể hiện sự cương quyết mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa trên không gian mạng.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao hàng giả qua thương mại điện tử vẫn tăng?

    Vì sao hàng giả qua thương mại điện tử vẫn tăng?

    03:00, 21/05/2023

  • Thuế thương mại điện tử: “Siết”… nhưng cần hợp lý

    Thuế thương mại điện tử: “Siết”… nhưng cần hợp lý

    00:30, 27/02/2023

  • Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 2: Cần nỗ lực của doanh nghiệp và cơ quan quản lý

    Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 2: Cần nỗ lực của doanh nghiệp và cơ quan quản lý

    12:00, 12/02/2023

KHÔI NGUYÊN