Theo các chuyên gia, quy định ngưỡng doanh thu bán hàng online phải chịu thuế đã bất cập, trong khi người nộp thuế không được trừ chi phí hay giảm trừ gia cảnh là điều bất hợp lý…
>>Kẽ hở quản lý thuế thương mại điện tử
Theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh nói chung, người bán hàng online nói riêng có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế, nhưng nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì sẽ phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu với mức 1,5% (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng), không được trừ chi phí hay giảm trừ gia cảnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, nhưng trường hợp cả hộ gia đình có hai, ba người cùng làm theo kiểu “lấy công làm lãi” thì quy định ngưỡng doanh thu phải chịu thuế hiện nay là bất hợp lý. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào, nhân công, chi phí thuê mặt bằng.,. hiện nay đều tăng cao. Xung quanh vấn đề này các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần nâng ngưỡng doanh thu bắt đầu chịu thuế lên ít nhất gấp đôi hiện nay hoặc chỉ tính trên phần vượt ngưỡng thay vì trên toàn bộ, bởi ngưỡng 100 triệu đồng/năm đã áp dụng hơn 8 năm qua và so với mặt bằng giá cả hiện tại là quá thấp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, Cơ quan thuế chỉ đặt ra một mức và tính chung cho 1 hộ/cá nhân kinh doanh. Nhưng có hộ thì 1-2 người nhưng cũng có hộ 5-7 người thì vẫn tính chung ngưỡng 100 triệu đồng/năm là quá bất hợp lý. Do đó, vị luật sư này cho rằng, Bộ Tài chính cần kiến nghị sửa quy định này.
Song song với kiến nghị sửa điểm bất hợp lý trong chính sách thuế với hoạt động thương mại điện tử, luật sư Nguyễn Đức Biên cũng khuyến cáo người kinh doanh online nên tự giác kê khai và nộp thuế.
“Nhiều người nghĩ không mở mặt bằng nên không phải đóng thuế, thực tế không phải như vậy, vì mới đây 258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế dữ liệu 53.000 người bán hàng online và nhiều trường hợp đã bị cơ quan thuế mời lên làm việc và bị phạt vì không khai báo thuế”, luật sư Biên cho biết.
Ngoài ra, theo nghị định số 91 của Chính phủ ban hành năm 2022 có hiệu lực từ kỳ cung cấp thông tin của quý 4/2022, thì chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế định kỳ hằng quý, bằng phương thức điện tử qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, thời hạn chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau.
Chưa kể hiện nay đã có quy định các ngân hàng thương mại cũng phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế…
“Dựa trên sao kê tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế còn có thể truy lại và tính tiền chậm nộp với số tiền vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng”, luật sư Biên chia sẻ.
>>“Gian nan” thu thuế thương mại điện tử
Ở một góc nhìn khác, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, với cá nhân kinh doanh online lâu nay chưa đăng ký và nộp thuế, Cơ quan chức năng nên hỗ trợ họ đăng ký và tính doanh thu các năm chưa nộp để tính thuế.
“Doanh thu phát sinh bao nhiêu thì nộp thuế bấy nhiêu và coi đó là nộp lần đầu, không nên tính tiền phạt chậm nộp”, vị luật sư nêu quan điểm.
Góp ý kiến cho việc quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh online hiệu quả, thu đúng thu đủ tiền thuế, Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, ngoài sàn thương mại điện tử, cần có sự hỗ trợ từ các công ty vận chuyển, giao nhận hàng hóa. “Thực tế, giao dịch bán hàng online nhưng thanh toán qua hình thức COD rất nhiều. Song, cơ quan thuế không thể nắm được giá trị giao dịch qua hình thức này”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Có thể bạn quan tâm