Hành lang pháp lý để quản lý thuế đối với thương mại điện tử còn nhiều khoảng trống, gây thất thoát ngân sách và bất bình đẳng trong kinh doanh.
>>Chống thất thu thuế thương mại điện tử: Cần bắt buộc nhà bán hàng chia sẻ thông tin
Những năm gần đây, chính sách thuế về thương mại điện tử (TMĐT) đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, có tình trạng người kinh doanh lợi dụng các kẽ hở về quản lý để trốn thuế.
Những khoảng trống pháp lý
Điển hình như, Luật giao dịch điện tử và các văn bản dưới luật quy định về quản lý website không có quy định về chế tài bắt buộc các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội nếu không đăng ký với Cục TMĐT.
Đồng thời, Luật này cũng chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng, các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh online, nhất là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo… đang tạo ra doanh thu cho nhiều cá nhân, tổ chức để kiểm soát, và truy thu thuế.
Tiếp nữa là quy định về Hợp đồng giao dịch điện tử còn nhiều bất cập. Theo Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử, Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (như trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác – Điều 10).
Theo đó, chứng cứ điện tử được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số. Tuy nhiên cách thức thu thập chứng cứ điện tử này như thế nào? Quy trình ra sao? Quyền của chủ thể liên quan khi tiến hành thu thập… hiện chưa có quy định cụ thể, trừ phi đó là vụ án được cơ quan điều tra vào cuộc theo quy trình tố tụng.
>>Tối ưu hoá công nghệ trong quản lý thuế thương mại điện tử
Đáng chú ý, khoảng trống pháp lý lớn nhất hiện nay là trong các quy định Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự… chưa có quy định pháp luật nào khẳng định các "tài sản số" là một loại tài sản. Cụ thể, pháp luật hiện hành của nước ta chưa có hành lang pháp lý cụ thể đối với tài sản số như "tài sản mã hóa" (tài sản ảo), "tiền mã hóa" (tiền ảo) và thực hiện các giao dịch đối với các tài sản số.
Bịt kẽ hở pháp lý
Để quản lý thuế TMĐT hiệu quả, tránh thất thu thuế, cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa, đổi nhằm bít các khoảng trống của các quy định pháp luật có liên quan không còn phù hợp, lạc hậu. Cụ thể:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về kê khai thuế thay, nộp thuế thay theo hướng bắt buộc tất cả các tổ chức trung gian (ngân hàng, trung gian thanh toán, sàn giao dịch TMĐT, dịch vụ vận chuyển…) phải có trách nhiệm kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân tổ chức kinh doanh TMĐT khi có đủ điều kiện có để kê khai thuế thay, nộp thuế thay.
Thứ hai, quy định rõ ràng về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng, các mạng xã hội… trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh online, nhất là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo… đang tạo ra doanh thu cho nhiều cá nhân, tổ chức để kiểm soát, và truy thu thuế. Đặc biệt cần quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về Hợp đồng giao dịch điện tử, chứng cứ điện tử cách thức thu thập chứng cứ điện tử, quy trình, quyền hạn của chủ thể liên quan khi tiến hành thu thập… một cách cụ thể rõ ràng, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, "truy vết" xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế của cơ quan chức năng đối với cá nhân, tổ chức có thu nhập từ hoạt động TMĐT.
Thứ tư, trong thời gian tới, Việt Nam cần ghi nhận tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản mới trong Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự… Cụ thể là cần có quy định cụ thể và rõ ràng, đưa ra một chuẩn mực pháp lý đối với tài sản là các đồng tiền kỹ thuật số, tiền kỹ thuật. Việc pháp luật ghi nhận tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cũng như bắt kịp được xu thế chung của thế giới. Bên cạnh đó, việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo cũng sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động giao dịch, thuế đối với tiền ảo, tài sản ảo...
Có thể bạn quan tâm
Chống thất thu thuế thương mại điện tử: Cần bắt buộc nhà bán hàng chia sẻ thông tin
03:50, 15/12/2022
Thiếu nhân sự thương mại điện tử, doanh nghiệp “order” sinh viên từ năm thứ 2
02:07, 03/12/2022
Vũng Tàu kích cầu du lịch từ Sàn thương mại điện tử du lịch
11:36, 01/12/2022
Thị trường hậu cần thương mại điện tử: Cuộc chạy đà của những “đại gia”
01:01, 30/11/2022
Thương mại điện tử vẫn "rất mới" với đồng bào dân tộc thiểu số
08:35, 25/11/2022
Tối ưu hoá công nghệ trong quản lý thuế thương mại điện tử
05:10, 05/11/2022
Cần đơn giản hóa việc xác định dòng thuế và thuế suất với hàng hoá thương mại điện tử
03:30, 31/10/2022