Quảng Ninh: Siết chặt quản lý chất lượng hàng hoá trên sàn thương mại điện tử

TRUNG THÀNH 27/08/2023 00:30

Việc mua bán online đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

>>>Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn

Bảo vệ người tiêu dùng

Theo tỉnh Quảng Ninh: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành xu hướng phổ biến của thị trường khi mức độ tiếp cận công nghệ của người dân ngày một gia tăng. Thông qua các thiết bị điện tử được kết nối internet, người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể mua, bán mọi lúc, mọi nơi mà không bị hạn chế về không gian và thời gian.

Tuy nhiên bên cạnh nhiều tiện ích, việc mua bán online cũng chứa nhiều rủi ro. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan.

Cục QLTT tỉnh tập huấn nghiệp vụ nhận biết hàng giả, hàng nhái cho lực lượng QLTT trực thuộc, tháng 6/2023 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Cục QLTT tỉnh tập huấn nghiệp vụ nhận biết hàng giả, hàng nhái cho lực lượng QLTT trực thuộc, tháng 6/2023 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo thông tin từ Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, hiện nay ngoài việc người dân mua hàng trực tuyến trên các trang TMĐT bán hàng uy tín như: shopee, lazaza, tiki, posmart… thì trên các trang mạng xã hội cũng đang xuất hiện rất nhiều hình thức bán hàng trực tuyến với các sản phẩm được quảng cáo hạ giá, chất lượng tốt được nhiều người dân quan tâm và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng, cũng đã có không ít trường hợp người tiêu dùng phải nhận “trái đắng” khi hàng không như quảng cáo ban đầu. Hoặc người tiêu dùng nhận được hàng nhái các nhãn hiệu lớn.  

Anh Lê Văn Hưng - TP Hạ Long chia sẻ, anh truy cập vào một số trang bán hàng trực tuyến để xem sản phẩm. Trao đổi với người bán, họ nói có thể đổi trả hàng nếu nhận sản phẩm không ưng ý. Thấy lượt yêu thích, bình luận trên trang bán hàng tương đối cao, anh Tuấn Anh tin tưởng đặt mua. Thế nhưng hàng nhận được hoàn toàn không giống như hình ảnh quảng cáo. Nhắn tin cho shop thì phát hiện tài khoản của mình đã bị chặn.

Cùng chung ý kiến, bà Lê Thúy Hường – Bãi Cháy cho biết: Do điều kiện hạn chế đi lại, bà hay đặt mua hàng online. Tuy nhiên, hàng trên mạng nhìn rất đẹp, nhưng khi nhận không ít sản phẩm là hàng kém chất lượng, còn không có bảo hành, nhất là những đồ quần áo, giày dép. Theo bà Hường, không phải chí có một hai shop mà là thực trạng bán hàng của rất nhiều shop online hiện nay. Nhiều lần nhận hàng, chất lượng không đúng như quảng cáo, tôi đã mất niềm tin vào mua hàng online.

Trước thực trạng trên, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Hàng năm, hội đều thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hội viên và doanh nghiệp; tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 260 sản phẩm OCOP đạt chuẩn được đưa lên sàn TMĐT như Voso.vn, Postmart.vn…

Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 260 sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn được đưa lên sàn TMĐT như Voso.vn, Postmart.vn…

Đồng thời, tham gia kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về những chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, để đảm bảo tốt nhất cho việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh đã phối hợp cùng với các lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra các hoạt động kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trực tuyến với tất cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh liên quan đến đảm bảo về ATVSTP, hàng giả, hàng nhái và chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, đầu cơ, trục lợi...

Muốn siết chặt cần sự hợp tác của các bên

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND về thực hiện Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, như: Kết nối, chia sẻ thông tin tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử...).

Song song đó, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, như: Tổ chức các khoá tập huấn nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; thường xuyên thực hiện công tác rà soát, đánh giá các quy định, cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; trao đổi, tiếp nhận thông tin để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Theo Giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki cho biết: Một trong những thử thách của TMĐT tại Việt Nam hiện nay chính là niềm tin của khách hàng chưa cao. Chính vì vậy, chúng tôi rất đồng tình với những quy định, chính sách giúp minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Làm trong sạch sàn TMĐT cần sự chung tay của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý

Làm trong sạch sàn TMĐT cần sự chung tay của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý

Trong khi đó, đại diện sàn TMĐT Shopee cho biết, Shopee luôn phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy trình “Giải quyết khiếu nại quyền sở hữu trí tuệ” và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh và loại bỏ hàng giả/hàng nhái theo trình tự pháp luật. Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái với các sản phẩm mới được đăng bán và sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn được Shopee thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng.

Công ty này còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định. Đặc biệt là áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ – tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop. Theo đó, Shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee và hình phạt cao nhất của hệ thống là tạm khoá tài khoản bán hàng trong 28 ngày.

Về phía Tiki, để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Tiki đang áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn Tiki. Để thực hiện được điều này, Tiki luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng.

Tuy nhiên, theo các sàn TMĐT, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc cảnh báo với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cần phản hồi lại với các sàn TMĐT để có sự hỗ trợ, đền bù.

Mặc dù đã có nhiều động thái tích cực, song trên thực tế, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến vẫn chưa thể theo kịp được nhu cầu phát triển. 

Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để tránh gặp phải những trường hợp không mong muốn khi mua hàng online, nhất là nên lựa chọn những sàn TMĐT uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách đổi trả, bảo hành rõ ràng. Đồng thời người tiêu dùng cần hiểu rõ và có thỏa thuận theo yêu cầu của mình trước khi đặt hàng.

Nếu có vấn đề trong khi giao dịch ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng cần có ý kiến, liên hệ phản ánh đến các cơ quan chức năng, như: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh để được hỗ trợ, giải quyết. Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

    Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

    00:06, 24/08/2023

  • Quảng Ninh - Cần Thơ khai thác lợi thế đường bay để phát triển du lịch

    Quảng Ninh - Cần Thơ khai thác lợi thế đường bay để phát triển du lịch

    10:46, 23/08/2023

  • Quảng Ninh: Xây dựng hạ tầng đồng bộ để “hút” đầu tư

    Quảng Ninh: Xây dựng hạ tầng đồng bộ để “hút” đầu tư

    01:58, 23/08/2023

TRUNG THÀNH