Quảng Ninh: Xây dựng hạ tầng đồng bộ để “hút” đầu tư

HẢI NGÂN 23/08/2023 01:58

Quảng Ninh đang đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ KCN, chuẩn bị sẵn các điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư mới vào địa bàn.

>>>Quảng Ninh: Tháo gỡ nút thắt về nhà ở cho người lao động

>>>Thúc đẩy liên kết vùng giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Ninh Bình

Hạ tầng từng bước hoàn thiện

Theo quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có tổng số 16 KCN được quy hoạch và phân bố tại 10/13 địa phương với tổng diện tích hơn 378.180 ha.

Công nhân làm việc tại KCN Đông Mai (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Công nhân làm việc tại KCN Đông Mai (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Đến nay, các KCN như Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà... đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng, đang đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động. Các KCN như Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng nội khu, thu hút nhà đầu tư thứ cấp để tăng tỷ lệ lấp đầy.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata, hiện chủ đầu tư đang tích cực phối hợp chặt chẽ với thị xã Quảng Yên tập trung GPMB đối với những diện tích còn lại thuộc các giai đoạn đầu tư thuộc KCN Sông Khoai, với mục tiêu trong năm 2023 sẽ đón khoảng 1 tỷ USD dòng vốn FDI. Phía chủ đầu tư đặt mục tiêu phấn đấu của trong năm 2023 sẽ đầu tư hoàn thiện Trạm biến áp số 2; module 3 trạm xử lý nước thải; thi công đường giao thông số 4, số 6 và bàn giao trên 53ha cho các nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu sử dụng đất trong KCN.

KKT Quảng Yên thu hút rất nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo

KKT Quảng Yên thu hút rất nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo

Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng nội khu trong KCN, để thu hút nguồn lao động, tăng sức hút với các nhà đầu tư thứ cấp, Quảng Ninh còn tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có KCN Hải Yên đã có khu nhà ở cho người lao động được đưa vào sử dụng từ lâu. Các KCN Đông Mai và Sông Khoai đang triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng 3 địa phương nằm trên trục cao tốc gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Quảng Ninh đã và đang kiến tạo các hành lang giao thông, gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị. Đồng thời, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng để các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.

Đẩy mạnh phát triển các KCN bền vững

Theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025.

KCN Bắc Tiền Phong đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng

KCN Bắc Tiền Phong đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng

Theo đó, tỉnh tập trung thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới vào tỉnh. Đó là thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.

Đồng thời, trong định hướng phát triển các KCN mới của Quảng Ninh, địa phương này đẩy mạnh phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” gồm: khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ; KCN xanh với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Cũng theo đại diện BQL KKT Quảng Ninh, hiện đã có nhiều dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ... được các tập đoàn lớn lên kế hoạch đặt tại Quảng Ninh.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã tiếp đón nhiều nhà đầu tư trực tiếp đến nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa bàn tỉnh như Tập đoàn Amata (Thái Lan) và Tập đoàn Yaskawa Electric (Nhật Bản) nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy móc tự động tại KCN Sông Khoai (Quảng Yên); Tập đoàn Yaskawa Electric dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 12ha tại KCN Sông Khoai với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD; Tập đoàn Tenma (Nhật Bản) có kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18 ha với tổng vốn 150 triệu USD…

Theo bà Somhatai – Đại diện Tập đoàn Amata, sau dự án KCN Sông Khoai với 714 ha đang được triển khai tại thị xã Quảng Yên, phía tập đoàn tiếp tục hướng tới việc mở rộng quỹ đất dành cho KCN trong KKT Quảng Yên, thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Marubeni và Tập đoàn GS E&C. Dự án mà Tập đoàn Amata cùng các đối tác đang đề xuất là dự án thân thiện với môi trường, số hóa và phát triển công nghệ cao. Các dự án được thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển KCN từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Giải pháp nào cho du lịch mùa thu đông?

    Quảng Ninh: Giải pháp nào cho du lịch mùa thu đông?

    00:30, 21/08/2023

  • Quảng Ninh: Tháo gỡ nút thắt về nhà ở cho người lao động

    Quảng Ninh: Tháo gỡ nút thắt về nhà ở cho người lao động

    04:00, 19/08/2023

  • Thúc đẩy liên kết vùng giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Ninh Bình

    Thúc đẩy liên kết vùng giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Ninh Bình

    01:55, 18/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Xây dựng hạ tầng đồng bộ để “hút” đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO