Nở rộ “cà phê hóa chất”
Đậu nành hay bắp rang cháy đen, chất tạo bọt, tạo đắng… được dùng để sản xuất thành cà phê rồi xuất bán khắp thị trường. Đáng nói, các cơ sở kiểu này đang nở rộ ngay giữa “thủ phủ” cà phê…
Những năm gần đây thị trường cà phê đầy biến động, cà phê giả tràn lan, cà phê thật thì mất chỗ đứng và người tiêu dùng không biết cách phân biệt. Thực trạng đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm và một bộ phận giới kinh doanh dùng mọi thủ đoạn để thu lợi, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân để đạt được lợi nhuận đã gây ra bức xúc trong dư luận xã hội. Đáng nói, cà phê giả không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang, mất dần mất lòng tin vào chính sản phẩm của người Việt.
>>Nhức nhối hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp phải làm gì?
Tràn lan cà phê từ đậu nành, bắp rang
Theo đó, trước nạn buôn bán cà phê bột giả trên địa bàn, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk vừa có kiến nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục các sơ hở trong công tác quản lý, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, môi trường kinh doanh nói chung và ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Trước đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và thu giữ hơn 1.400 kg được đóng gói, mang các nhãn hiệu Lozio coffee và Việt Hoàng coffee tại một hộ kinh doanh giữa TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Các sản phẩm này trên bao bì đều công bố có hàm lượng caffeine đạt tối thiểu 1%, thành phần sản phẩm gồm các loại cà phê như Arabica, Robusta, Moka, Catimor….
Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định thành phần chính được các đối tượng sử dụng là đậu nành, bơ công nghiệp, hóa chất tạo màu caramel, muối, nước mắm, hóa chất tạo mùi cà phê và một số lượng nhỏ hạt cà phê. Qua giám định, hàm lượng caffeine có trong các sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu Lozio coffee và Việt Hoàng coffee chỉ đạt từ 0,08% đến 0,23% (thấp hơn 70% so với công bố và tiêu chuẩn).
Thậm chí, theo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk, dù là thủ phủ cà phê Việt Nam nhưng gian thương đã sản xuất cà phê bột giả ở tỉnh khác vẫn đưa đến tỉnh Đắk Lắk để tiêu thụ. Điển hình như ngày 20/7/2023, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện xe tải vận chuyển và bán tổng cộng hơn 1.200 gói cà phê giả mang nhãn hiệu Nhật Nguyên, Tân Nhật Nguyên.
Các đối tượng khai nhận toàn bộ số cà phê giả trên được sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH Tân Vĩnh Kỳ (huyện Bình Chánh, TP HCM) sau đó vận chuyển đi bán tại các tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định. Khám xét trụ sở công ty này, cơ quan công an thu giữ 12.830 gói cà phê bột mang nhiều nhãn hiệu. Trên bao bì ghi thành phần là các loại cà phê Arabica, Robusta, Moka… hàm lượng caffeine từ 1% đến 2%. Thế nhưng, kết quả giám định, nhiều sản phẩm có hàm lượng caffeine bằng 0. Các đối tượng khai nhận đã thực hiện theo công thức tỉ lệ sử dụng 70% là đậu nành, 10% là bắp và 20% là cà phê, bơ công nghiệp, hương liệu, chất tạo màu. Có loại không có thành phần là cà phê.
Theo VKSND tỉnh Đắk Lắk, để sản xuất ra các sản phẩm cà phê bột giả thì các đối tượng đã sử dụng nguyên liệu chính là đậu nành vì có giá rẻ hơn cà phê rất nhiều. Hạt đậu nành sau khi rang cháy sẽ có mùi vị đắng gắt gần giống hạt cà phê rang. Trong quá trình rang đậu nành, các đối tượng sẽ thêm hóa chất tạo màu như caramel để khi xay ra bột màu nâu giống như cà phê. Việc thêm bơ công nghiệp nhằm để tạo độ thơm, béo và thêm hương liệu cà phê để tạo mùi cà phê. Tùy công thức của từng cơ sở, các đối tượng có thể thêm bột bắp để tạo độ sánh, thêm muối, nước mắm để tạo vị mặn và mùi đặc trưng giống một số loại cà phê bột cao cấp.
Sau khi sản xuất, đóng gói, các sản phẩm này sẽ được đưa đi giới thiệu tại các quán cà phê, tiệm tạp hóa với giá từ 65.000 đồng/kg đến 110.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với cà phê bột thật. "Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê, thương hiệu và uy tín ngành cà phê. Cà phê bột giả có các thành phần hóa chất tạo màu, tạo mùi, chất điều vị nên việc sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư" - VKSND tỉnh Đắk Lắk nhận định.
>>Vì sao hàng giả qua thương mại điện tử vẫn tăng?
Hiểm họa khôn lường
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Quyết, chủ một chuỗi cà phê tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cho biết, tình trạng cà phê “bẩn” đã xuất hiện từ nhiều năm nay.
Ông Quyết cho biết, cách đây vài năm, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng đã công bố kết quả khảo sát về chất lượng cà phê đã khiến nhiều người giật mình bởi hàng chục mẫu cà phê được kiểm tra nhanh có hàm lượng cafeine rất thấp, thậm chí là cà phê mà không có cà phê!
Cụ thể, số liệu từ cuộc khảo sát ngẫu nhiên về các mẫu cà phê bán tại các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng vừa được Vinastas công bố đã khiến nhiều người lo ngại. Trong 253 mẫu cà phê đen được chọn ngẫu nhiên tại các quán lớn, nhỏ, quán vỉa hè, căng tin bệnh viện, bán dạo thì có tới 30,04% trong tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp, dưới 1g/1 lít. “Đặc biệt, trong đó, 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafeine - các mẫu này chủ yếu được lấy từ những điểm bán nhỏ như cà phê vỉa hè, bán dạo…”, ông Quyết chia sẻ.
Cũng trao đổi xung quanh vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, cà phê không có caffeine (hoặc có nhưng hàm lượng thấp) là loại cà phê độn ngũ cốc rang cháy, trộn thêm hương liệu. Nguyên liệu để làm cà phê giả là ngô và đậu tương. Bởi hạt ngô, đậu tương tạo ra loại bột tương đối giống cà phê. Đồng thời, sau khi được rang, các loại hạt này cũng tạo nên độ thơm, ngậy nhất định.
Cũng theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, đáng sợ nhất khi sử dụng các loại cà phê “rởm” này là hóa chất và tinh dầu tạo hương không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Riêng kháng sinh chloramphenicol nếu dùng không đúng thì không chỉ dễ dẫn tới kháng thuốc mà còn rất độc cho gan.
“Lâu nay, Việt Nam vốn là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, chỉ sau Brazil. Mặt hàng cà phê hàng năm đều mang lại giá trị xuất khẩu lớn, từ 2-3 tỷ USD cho ngành nông nghiệp. Vậy mà người tiêu dùng trong nước phải bỏ tiền uống cà phê rởm là điều không thể chấp nhận được”, ông Thịnh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử
04:20, 22/08/2023
Vì sao hàng giả qua thương mại điện tử vẫn tăng?
03:00, 21/05/2023
Gian nan cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái trên “chợ mạng” dịp Tết
00:06, 21/01/2023
“Vạch mặt” hàng giả, hàng nhái lừa dối người tiêu dùng
03:00, 13/01/2023